Châu Âu sẽ giảm dư lượng tricyclazole cho phép trong gạo
Bộ Công Thương dẫn thông tin từ Hiệp hội các nhà xay xát gạo châu Âu cho biết, được các nước thành viên EU ủng hộ, Ủy ban châu Âu (EC) đang chuẩn bị ban hành một Quyết định về hạ thấp giới hạn cho phép (MRL) đối với chất tricyclazole trong gạo từ mức hiện hành 1mg/kg xuống 0,01mg/kg.
Theo Bộ Công Thương, quyết định chính thức có thể được đăng công báo trong tháng 7/2017 và có hiệu lực 20 ngày sau.
Đối với các loại gạo không phải là gạo basmati, MRL tricyclazole hiện hành 1mg/kg áp dụng đối với tất cả gạo được nhập khẩu hoặc đưa ra thị trường trước ngày Quyết định nêu trên có hiệu lực (dự kiến trong tháng 7/2017).
Sau tháng 7/2017, gạo được bán hay xuất hiện trên thị trường bán lẻ có chứa dư lượng chất tricyclazole vượt quá 0,01 mg/kg được coi là phù hợp về mặt pháp lý với điều kiện toàn bộ số gạo đó được thu hoạch từ vụ mùa 2016 tại châu Âu hoặc nhập khẩu vào châu Âu trước tháng 7/2017.
Đối với gạo basmati, do gạo này thường được đồ trước khi mang ra thị trường nên thời gian chuyển tiếp được cho thêm 6 tháng. Như vậy, gạo basmati được bán hay xuất hiện trên thị trường bán lẻ trước tháng 01/2018 (dự kiến) được coi là phù hợp về mặt pháp lý nếu được nhập khẩu vào EU trước tháng 01/2018.
Sau thời gian chuyển tiếp, MRL đối với chất tricyclazole trong gạo sẽ là 0,01mg/kg.
Theo đó, Bộ Công Thương cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang EU cần lưu ý thông tin nêu trên và phối hợp chặt chẽ với các Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn hướng dẫn người trồng lúa sử dụng thuốc trừ sâu phù hợp với quy định mới của thị trường xuất khẩu.
Được biết, Tricyclazole là một hoạt chất được sử dụng rộng rãi làm thuốc trừ sâu trong ngành trồng lúa gạo. Việc cấm sử dụng Tricyclazole có thể ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất và xuất nhập khẩu gạo không chỉ của các nước thành viên EU mà còn của cả các nước có giao dịch xuất nhập khẩu gạo với EU.
Các công ty sản xuất thuốc trừ sâu sẽ phải nghiên cứu sản phẩm thay thế trước khi quy định nêu trên của EU được ban hành và chính thức có hiệu lực.
Nhật Duy