Thứ Tư | 13/03/2013 13:30

Châu Á khai phá nguồn khí đốt khổng lồ từ băng

Nguồn tài nguyên mới này có thể mang trữ lượng lớn hơn tổng dự trữ nhiên liệu hóa thạch thế giới đã được biết đến.
Nhật Bản và Ấn Độ, hai quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu của châu Á, sau Trung Quốc, đang tiến gần hơn đến việc khai thác khí đốt tự nhiên từ băng chìm sâu dưới đáy biển.

Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản hôm qua 12/3 cho biết đã thử nghiệm thành công việc trích xuất khí đốt từ những lớp băng cháy dưới đáy biển, có tên khoa học là methane hydrate. Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới khai thác khí đốt từ một nguồn năng lượng như vậy.

Tại Ấn Độ, một nhóm các nhà thám hiểm năng lượng bao gồm cả Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ cũng sẽ thực hiện khoan ngoài khơi phía đông bờ biển nước này trong năm nay để thử nghiệm sản xuất, hai quan chức giấu tên cho biết.

Hai quốc gia châu Á đang tìm cách theo kịp Bắc Mỹ, nơi phát minh ra công nghệ khai thác dầu từ đá phiến sét và cát. Hai cuộc cách mạng năng lượng này đã góp phần đưa Mỹ và Canada đến gần hơn với độc lập năng lượng. Trong khi đá phiến chỉ có ở một số nơi trên thế giới, thì methane hydrat (hay còn gọi là băng cháy) - được tìm thấy tại hầu hết các đáy biển.

"Băng cháy ở khắp nơi, cả ở những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất", Will Pearson, giám đốc năng lượng và tài nguyên thiên nhiên toàn cầu tại Eurasia Group cho biết. "Nếu phát triển được công nghệ khai thác, nó có thể xoay chuyển thị trường khí đốt toàn cầu."

Băng cháy cấu tạo từ khí mêtan được nén chặt trong băng bên dưới đáy biển hoặc đóng băng vĩnh viễn, được xem như là một nguồn năng lượng mới đầy hứa hẹn. Nguồn tài nguyên mới này có thể mang trữ lượng lớn hơn tổng dự trữ nhiên liệu hóa thạch thế giới đã được biết đến, theo ước tính của Cục địa chất Mỹ.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện