Bloomberg/Getty images
Châu Á đang dần mất khả năng thanh toán các khoản nợ của mình
Các thị trường tín dụng ở Châu Á hiện là một ví dụ điển hình cho nhận định của Warren Buffett: "Chỉ khi thủy triều rút đi thì mà bạn mới biết ai đang bơi mà không mặc quần áo".
Bây giờ là lúc thủy triều chưa rút. Moody's Investors Service cho biết Châu Á sẽ có tỷ lệ vỡ nợ tương đối thấp là 2,9% vào cuối năm 2017. Số doanh nghiệp phá sản trong ngành công nghiệp công nghệ có thể sẽ nhiều hơn so với các ngành công nghiệp khai thác mỏ và kim loại, nơi thu hút nhiều sự chú ý nhất trong năm ngoái.
Cả Moody's và S&P Global Ratings đều nói rằng nguy cơ lớn nhất là tốc độ thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ. Trong lúc các nước này chưa làm điều đó, mọi thứ có thể vẫn sẽ bình ổn.
Vào đầu năm 2015, khi cuộc khủng hoảng hàng hóa đang diễn ra, 13 trái phiếu dưới chuẩn đầu tư tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã bị cả 3 công ty xếp hạng uy tín nhất thế giới đánh giá tiêu cực, bao gồm trái phiếu của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Kaisa Group Holdings. Bây giờ đã có 17 trái phiếu như vậy, phần lớn vẫn là các tập đoàn bất động sản Trung Quốc, bao gồm Dalian Wanda Commercial Properties và Sunac China Holdings.
Tổng dư nợ của các tổ chức phát hành những trái phiếu này đã tăng từ mức 5,2 tỷ USD lên 6,5 tỷ USD. Con số trên là không có gì quá bất thường, khi tổng giá trị trái phiếu “rác” của các công ty có xếp hạng tiêu cực trên khắp thế giới hiện đã vượt quá 100 tỷ USD.
Khối lượng nợ trái phiếu có lợi suất cao (tỷ USD) ở Châu Á được đánh giá tiêu cực bởi S&P, Moody's hay Fitch qua các năm (màu đen là đáo hạn năm 2018, màu xanh là đáo hạn sau đó). Ảnh: Bloomberg |
Vấn đề là vẫn còn rất nhiều trái phiếu chưa được đánh giá (unrated bonds), và đây là phân khúc có rất nhiều rủi ro. 2 năm trước đây, có khoảng 4.200 công ty niêm yết trong khu vực châu Á không tạo ra được đủ lợi nhuận hoạt động để trả lãi. Hiện tại, con số này đã tăng lên đến 4.400. Trong số này, có đến 200 công ty - phần lớn là tại Trung Quốc - có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD. 200 công ty này nợ các trái chủ một khoản tiền 450 tỷ USD. Một nửa số tiền trên phải được tái cấp vốn hoặc đáo hạn từ nay đến năm 2022.
Nhiều công ty tại Châu Á không tạo ra đủ lợi nhuận hoạt động để thanh toán tiền lãi hằng năm. Trong hình là tổng giá trị trái phiếu đáo hạn qua từng năm. Ảnh: Bloomberg |
Liệu tình hình rồi sẽ được cải thiện? Có lẽ chiến dịch giảm tỷ lệ đòn bẩy của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tạo ra điều kỳ diệu, hoặc có lẽ lợi nhuận của các công ty có gánh nặng nợ lớn sẽ tăng lên. Trong một số trường hợp, sẽ có người bất ngờ xuất hiện ra tay cứu giúp. Hôm thứ Hai, S&P tăng hạng trái phiếu công ty khí công nghiệp Yingde Gases Group từ CCC- lên mức CCC+, khi có nhiều khả năng chủ sở hữu mới của Yingde là quỹ đầu tư vốn sở hữu tư nhân PAG Asia Capital (Hồng Kông) sẽ đảm bảo việc thanh toán nợ.
Tuy nhiên, một viễn cảnh khác là khi thị trường nhà ở Trung Quốc chậm lại và giá thuê văn phòng suy giảm, các tập đoàn bất động sản - vốn có chất lượng tín dụng đang suy giảm - sẽ đối mặt với thời khắc khó khăn. Gần đây nhất, 3 chỉ số chính của hoạt động kinh tế tại Trung Quốc - bán lẻ, sản xuất công nghiệp và đầu tư cố định – đều không đạt mức như các nhà phân tích kì vọng.
Trong khi đó, việc ông Tập xiết lại hiện tượng các công ty tư nhân Trung Quốc đi vay vốn để bành trướng ra toàn cầu có thể dẫn tới tình trạng thu hẹp các nguồn vốn. Tương tự như vậy, việc chính phủ Trung Quốc hạn chế lại các sản phẩm quản lý tài sản, vốn là nguồn cung cấp thanh khoản cho những công ty nhiều rủi ro, cũng có thể tạo ra nhiều rắc rối.
Tại Ấn Độ, tình tr5ng cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông của nước này đã khiến Moody's hạ xếp hạng trái phiếu của tập đoàn Reliance Communications xuống 7 bậc (từ Ba3 vào tháng 5 năm 2015 tới Ca như hiện tại). Làn sóng hạ bậc tín dụng cũng có thể lan ra từ đây. Ngoài ra, tình trạng bấp bênh của ngành công nghiệp năng lượng Ấn Độ cũng làm cho các ngân hàng và trái chủ lo lắng.
Trước khi thủy triều rút, những ai đi bơi mà không mặc đồ sẽ phải lo đi kiếm quần áo mà mặc. Và tương tự như vậy, những doanh nghiệp nặng nợ tại châu Á sẽ phải cuống cuồng tìm nguồn vốn mới, thay thế cho những khoản tiền sắp đáo hạn mà hiện họ chưa biết làm cách nào để xoay xở. Điều đáng lo ngại ở đây là những nỗ lực của họ có thể sẽ làm tình hình còn tệ hơn nữa, hay dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg