Các công ty khởi nghiệp như Grab và Go-Jek đã nâng cao vị thế của Đông Nam Á với các nhà đầu tư mạo hiểm. Nguồn ảnh: Nikkei

 
Trang Lê Thứ Ba | 22/10/2019 14:48

Châu Á có thể vượt qua Mỹ trở thành trung tâm vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu

Theo một báo cáo của công ty đầu tư Temasek, châu Á có thể vượt qua Bắc Mỹ trở thành trung tâm vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu vào năm 2020.

Báo cáo cho thấy, cuối năm 2018, các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào châu Á quản lý tài sản lên đến 323 tỷ USD. Điều này đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào châu Á và các quỹ tập trung vào Bắc Mỹ (397 tỷ USD). Khoảng cách 74 tỷ USD giữa hai khu vực hoàn toàn trái ngược với 5 năm trước, khi quy mô tài sản các quỹ tập trung ở Bắc Mỹ quản lý vượt hơn các quỹ tập trung ở châu Á ở mức 169 tỷ USD.

Ông Ee Fai Kam, Giám đốc hoạt động của Preqin - công ty cung cấp dữ liệu tài chính và thông tin về thị trường, chia sẻ với Nikkei Asian Review, “Nếu chúng ta áp dụng tốc độ tăng trưởng này cho tương lai, có vẻ như, các quỹ châu Á có thể vượt qua Bắc Mỹ vào cuối năm 2020”. Nghiên cứu, vốn phân loại các quỹ đầu tư mạo hiểm theo khu đầu tư, cho thấy, từ năm 2010, các quỹ tập trung vào châu Á tăng trưởng trung bình 30%/ năm so với 9%/ năm của Bắc Mỹ.

Các trung tâm công nghệ hàng đầu như Bắc Kinh và Thượng Hải đã chiếm ưu thế trong đầu tư tập trung vào châu Á, với 10 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất châu Á có trụ sở tại Trung Quốc.

Ông Jixun Foo, đối tác quản lý tại GGV Capital, cho biết: "Rất nhiều doanh nhân nhắm đến các ngành như xây dựng cơ sở hạ tầng, thanh toán, cho vay và hậu cần, họ coi đây là một nền tảng cho sự đổi mới mô hình kinh doanh". Ông nói thêm rằng, thu nhập và tỷ lệ sử dụng di động ngày một tăng cao ở châu Á mang đến cơ hội kinh doanh hấp dẫn các startup công nghệ mới.

Châu Á cũng đang là động lực chính cho việc mở rộng đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu. Số lượng các tổ chức ở châu Á rót tiền vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Còn phần đóng góp của các nhà đầu tư mạo hiểm toàn cầu tại Mỹ thì giảm xuống 50% vào năm 2018, từ mức 55% trong 2013.

Ông Patrick Yeo, người đứng đầu Venture Hub của PwC Singapore, cho biết với các nhà đầu tư đặt năng vấn đề tìm kiếm lợi nhuận, châu Á mang đến nhiều cơ hội hơn. "Từ quan điểm của một nhà đầu tư, họ sẽ hướng tới những thị trường mang lại lợi nhuận cao", ông Yeo nhận định.

tài sản đầu tư mạo hiểm thuộc quyền quản lý Bắc Mỹ so với châu Á 2007-2018
Quy mô tài sản (tỷ USD) mà các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Bắc Mỹ (màu xanh đậm) đang quản lý so với châu Á (màu xanh nhạt) trong giai đoạn 2007-2018.

Hiện, vị thế của Đông Nam Á đang nổi bật khi có sự hiện diện của các startup lớn như, Grab và Go-Jek, cả hai đều được định giá hơn 10 tỷ USD (siêu kỳ lân). Một báo cáo của DealStreetAsia được công bố trong tháng này càng nhấn mạnh đà tăng trưởng của Đông Nam Á, 7 tháng đầu năm 2019, số vốn cam kết đầu tư vào Đông Nam Á đạt 3,13 tỷ USD, vượt mức 2,12 tỷ USD của cả năm 2018. 

Ông Scott Russell, Chủ tịch SAP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương & Nhật Bản có quỹ SAP.iO Foundry ở Singapore hiện đang trong quá trình tăng tốc 7 công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Ông chia sẻ, "Chúng tôi thấy các công ty khởi nghiệp sáng tạo và đầy tham vọng đang phát triển trên toàn khu vực". "Đây là động lực thúc đẩy dòng giao dịch và lợi ích chung từ các nhà đầu tư mạo hiểm."

Vertex Venture, một đơn vị của Temasek, đã đóng quỹ thứ tư ở Đông Nam Á và Ấn Độ,  với số vốn thu về ở mức kỷ lục, 305 triệu USD. Trước đó, trong tháng 9, quỹ này đã huy động được 290 triệu USD để hỗ trợ các startup công nghệ trong giai đoạn tăng trưởng.

Tuy nhiên, những rắc rối gần đây WeWork, và các vụ IPO gây thất vọng của Uber và Lyft đã khiến định giá của các startup tên tuổi suy giảm. Giám đốc điều hành của Vertex, ông Kee-Lock Chua, cảnh báo về thời điểm khó khăn cho các nhà khởi nghiệp muốn tìm mức định giá cao hơn doanh nghiệp của họ.

"Các doanh nhân, về bản chất, tin rằng công ty của họ có định giá cao hơn so giá trị thực", ông Kee-Lock Chua cho biết. "Một số doanh nhân thực tế hơn nhiều," ông nói. "Họ nhận ra rằng thị trường đã thay đổi: Hiện, tôi không thể yêu cầu 100 triệu USD mà chỉ có thể yêu cầu 14 triệu USD..."

Giới đầu tư mạo hiểm thế giới ngày càng quan tâm đến các startup tại Đông Nam Á

Đông Nam Á đổ xô xây dựng các đại dự án bất động sản, nhưng nhu cầu đang suy yếu

Nguồn Nikkei Asian Review