AMEC

 
Minh Hoàng Thứ Tư | 06/12/2017 16:12

Châu Á: "Bùng nổ" xu hướng du học

Hơn 2/5 (42%) trong số hơn 8.000 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia và lãnh thổ cho biết họ sẽ cân nhắc cho con đi học đại học ở nước ngoài.

Theo báo cáo Không ngừng vươn cao, báo cáo mới nhất trong chuỗi khảo sát Giá trị của giáo dục của Tập đoàn HSBC, xu hướng du học trên toàn cầu không hề cho thấy dấu hiệu dừng lại. Hơn 2/5 (42%) trong tổng số hơn 8.000 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia và lãnh thổ tham gia khảo sát cho biết họ sẽ cân nhắc cho con đi học đại học ở nước ngoài, một tỷ lệ cao hơn 7 điểm phần trăm so với kết quả của cuộc khảo sát năm ngoái (35%).

Những quốc gia khát vọng du học

Trong số năm quốc gia/ lãnh thổ có tỷ lệ cha mẹ sẽ cân nhắc cho con đi du học cao nhất có bốn quốc gia/ lãnh thổ Châu Á, cho thấy khát vọng du học ở khu vực này đang mạnh mẽ. Cụ thể là, Ấn Độ: 62% (tăng 15 điểm phần trăm), Indonesia: 61% (tăng 1 điểm phần trăm), Trung Quốc: 59% (tăng 15 điểm phần trăm), và Hồng Kông: 52% (giảm 2 điểm phần trăm).

Chau A:
 

Các bậc cha mẹ cho rằng những lợi ích chính của việc học đại học ở nước ngoài là: giúp con họ có kinh nghiệm làm việc quốc tế (49%), phát triển các kỹ năng ngôn ngữ (49%) và được tiếp cận với các trải nghiệm, ý tưởng, và nền văn hóa mới (48%).

Kết quả trên tương ứng với số liệu của OECD cho thấy sinh viên Châu Á đang chiếm khoảng 53% tổng số du học sinh trên toàn cầu. Theo ước tính của Viện Giáo dục quốc tế (IIE), đối tác của HSBC, Trung Quốc dẫn đầu về số lượng du học sinh đại học và sau đại học, với 801.000 sinh viên Trung Quốc đi du học trong năm 2016, tiếp theo là Ấn Độ với 182.000 sinh viên (số liệu năm 2015).

Tại Việt Nam cũng đang diễn ra một xu hướng tương tự, với số lượng đáng kể 63.703 sinh viên Việt Nam đang theo đuổi các chương trình đại học và sau đại học ở khắp nơi trên thế giới, theo thống kê của UNESCO.

Nhìn chung, xu hướng du học đang tiếp tục gia tăng. So với chỉ 2,1 triệu trong năm 2001, số lượng sinh viên đang theo học các chương trình đại học và sau đại học trên thế giới trong năm 2017 đã lên tới hơn 4,6 triệu. 

Báo cáo của HSBC cũng cho thấy ngày càng có nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là những người ở Châu Á và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, sẵn sàng đầu tư cho con đi du học để giúp con họ cải thiện các kỹ năng và cơ hội nghề nghiệp. Chi phí trung bình để hoàn tất chương trình đại học là 72.000 đô la Mỹ là một khoảng đầu tư đáng kể của các bậc cha mẹ. Họ cần phải lập kế hoạch từ trước và dự trù tất cả các yếu tố liên quan đến việc đóng góp tài chính cho du học

Các điểm đến du học được lựa chọn nhiều nhất

Nhìn chung, Mỹ (47%) là điểm đến được các bậc cha mẹ ưa thích nhất, tiếp đó là Úc (40%), Vương quốc Anh (39%), Canada (25%) và Đức (23%). Sự ưu tiên của các bậc cha mẹ đối với Mỹ là do họ tin rằng đây là nơi tốt nhất cho triển vọng nghề nghiệp của người mới tốt nghiệp (86%). Trong khi đó, những người lựa chọn Vương quốc Anh cho rằng nơi này có các trường đại học và cao đẳng chất lượng cao (94%), còn những người cân nhắc Canada nghĩ rằng quốc gia này mang đến chất lượng cuộc sống tốt cho sinh viên (83%).

Chau A:
IIE ước tính trong năm học 2016/2017, Mỹ đã thu hút 1.078.820 du học sinh đại học và sau đại học, Vương quốc Anh có gần 497.000 du học sinh, Pháp 310.000 và Úc 292.000.

Bảng xếp hạng trên cũng phản ánh sự lựa chọn của người Việt Nam. Theo số liệu của UNESCO, năm điểm đến hàng đầu về số lượng du học sinh Việt Nam học đại học/ sau đại học là Mỹ (19.336 sinh viên), Úc (13.147), Nhật Bản (6.071), Pháp (5.284) và Vương quốc Anh (4.236).

Bên cạnh đó, khoảng 2/5 (39%) các bậc cha mẹ tham gia khảo sát cho biết họ đã nhắm tới một số trường đại học cho con mình, dựa trên sự cân nhắc về chất lượng giảng dạy, uy tín của trường và khả năng mở ra những cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.