Châu Á áp thuế suất mới đối với nhiên liệu khi giá dầu giảm
Giá dầu Brent giảm 58% từ tháng 6/2014 đã mở ra thêm nhiều cơ hội cho các nước châu Á, nhất là Indonesia, Malaysia và Ấn Độ, ngoài có cơ hội cắt giảm thậm chí chấm dứt các chương trình trợ cấp năng lượng.
Xét đến việc thị trường dầu thô sẽ tiếp tục ảm đạm trong ít nhất vài ba năm nữa, giờ đây là lúc bắt đầu áp các loại thuế suất.
Việc này có 2 tác động tích cực đối với các nước châu Á. Thứ nhất là đảm bảo nhu cầu nhiên liệu không tăng quá mạnh do tiêu thụ tăng khi giá xuống thấp, và thứ hai là mang lại nguồn thu cần thiết để đầu tư vào cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu.
Indonesia đã dừng hoàn toàn trợ cấp xăng từ đầu năm 2015 và giảm trợ cấp dầu diesel xuống 1.000 rupiah (8 cent)/lít.
Việc giảm trợ cấp nhiên liệu dự đoán giúp giảm chi phí của chính phủ Indonesia xuống 1% tổng nguồn chi từ 13,5% trước kia, theo nhà phân tích Wellian Wiranton tại OCBC Bank. Điều này đồng nghĩa rằng chính phủ Indonesia sẽ có thêm ít nhất 20 tỷ USD để chi cho các lĩnh vực khác.
Malaysia cũng quyết định ngừng trợ cấp nhiên liệu, kể cả xăng và dầu diesel, từ 1/12/2014, một động thái giúp chính phủ tiết kiệm gần 6 tỷ USD/năm.
Ấn Độ đã chấm dứt hoạt động kiểm soát giá dầu diesel từ tháng 10 năm ngoái sau khi thả nổi giá xăng. Bên cạnh đó, Ấn Độ bắt đầu đánh thuế đối với giá nhiên liệu giao tại cửa nhà máy, nhưng với mức tương đối thấp.
Trái lại, quốc gia phát triển như Australia đang đánh thuế 38,6 cent Australia (30,8 cent Mỹ) mỗi lít xăng và diesel.
Nước này cũng đánh 10% thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) đối với doanh số bán nhiên liệu, khiến các tổ chức vận tải chỉ trích rằng việc này là hiện tượng thuế chồng thuế.
Thậm chí, Trung Quốc – vốn là nước trợ cấp nhiên liệu – cũng đang tăng thuế. Lần tăng thuế gần nhất của Trung Quốc đánh vào thuế tiêu thụ xăng, tương đương 24,5 cent Mỹ/lít và 19,3 cent Mỹ/lít đối với dầu diesel.
Nguồn DVO/Reuters