Châu Á - Thái Bình Dương: Thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất máy bay
→Hàng không Việt Nam đang cất cánh
Đây là khu vực được dự đoán sẽ mang lại nhiều hợp đồng béo bở cho các hãng sản xuất máy bay. Các hãng cũng đang lên kế hoạch đẩy mạnh khai thác thị trường nhiều cơ hội này.
Trong vòng hai thập niên tới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần và mua nhiều máy bay hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới, với khoảng hơn 14.000 chiếc trị giá trên 2.000 tỷ USD. Khu vực này cũng sẽ có lưu lượng hành khách dự kiến tăng trưởng ở mức 5,6% mỗi năm, vượt xa mức tăng 4,4% trung bình toàn cầu. Chính vì vậy, đây cũng là thị trường "cốt lõi" của các nhà sản xuất máy bay hàng đầu như Boeing và Airbus khi cả hai đều dự báo đến năm 2036, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm khoảng 39 - 41% số lượng máy bay mới.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo, năm 2018 sẽ là năm ngành hàng không đạt kỷ lục về lợi nhuận với con số 38,4 tỷ USD, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể đạt đến 9 tỷ USD. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tích cực đưa ra những giải pháp, công nghệ mới trong lĩnh vực hàng không.
Tốc độ tăng trưởng chóng mặt của lĩnh vực hàng không châu Á, trong đó Trung Quốc là động lực chính, cùng với việc gia nhập thị trường của hàng loạt hãng hàng không mới đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất máy bay như Boeing, Airbus sẽ nhận được hàng tỷ USD đơn đặt hàng.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có khoảng 3,5 tỷ khách hàng hàng không cho tới năm 2036, con số này gấp đôi lượng khách dự báo tại cả Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Để đáp ứng nhu cầu này, Booeing dự kiến các hãng hàng không cần thêm 16.050 máy bay mới, với giá trị vào khoảng 2,5 nghìn tỷ USD cho tới năm 2036.
“Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới”, Dinesh Keskar, Phó chủ tịch cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Boeing, trả lời tại Triễn lãm Hàng không Singapore vừa diễn ra vào đầu tuần này.
Cũng tại sự kiện này, lãnh đạo cấp cao của các nhà sản xuất máy bay, từ CEO Airbus SE Tom Enders tới Phó chủ tịch phụ trách arketing của Boeing Randy Tinseth đều cho biết, họ đã lên kế hoạch để nắm bắt cơ hội tại thị trường châu Á với tiềm năng khổng lồ.
Hiện tại, các hãng hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các đơn hàng của Airbus và Boeing. Theo ước tính của Boeing, khu vực này sẽ chiếm 39% tổng nhu cầu máy bay toàn cầu cho tới năm 2036.
Bên cạnh đó, do đa phần các sân bay lớn tại châu Á đã hoạt động hết công suất, nên các hoạt động đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhằm bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của nhu cầu, theo Shukor Yusof, nhà sáng lập Hãng nghiên cứu hàng không Endau Analytics tại Malaysia.
Theo dự báo của các tổ chức hàng không, dự kiến hơn 1.000 tỷ USD sẽ được dành để đầu tư cho việc mở rộng sân bay cho tới năm 2069 trên toàn cầu, trong đó hơn một nửa nằm tại khu vực châu Á. Tại Bắc Kinh, sân bay mới với giá trị đầu tư 12,9 tỷ USD được dự kiến mở cửa vào năm 2019 sẽ biến thủ đô của Trung Quốc trở thành trung tâm hàng không lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Sân bay Suvarnabhumi tại Bangkok được đầu tư 117 tỷ bath (3,7 tỷ USD) dự kiến sẽ được mở cửa vào năm 2021 và Sân bay Quốc tế Incheon tại Hàn Quốc cũng được đầu tư thêm 5.000 tỷ won (4,6 tỷ USD) để mở rộng thêm nhà ga đón khách thứ hai.
Các yếu tố trên sẽ giúp lĩnh vực hàng không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của khu vực châu Á, đồng thời mở ra cơ hội làm ăn đối với các nhà sản xuất máy bay, doanh nghiệp xây dựng hoặc hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ ngành hàng không.