Chấp nhận nới lỏng tiền tệ
Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 27/1, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu giảm lãi suất tiền vay trung dài hạn thêm 1% - 1,5% trong 2015. Chấp nhận nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế phục hồi nhưng việc thu hẹp chênh lệch lãi suất “đô - đồng”, có thể sẽ gây khó dễ cho Ngân hàng Nhà nước trong việc giải bài toán chống “đô la hóa” và ổn định tỷ giá.
Nhóm nghiên cứu của BIDV vừa cập nhật bản phân tích và dự báo thị trường tiền tệ 2015, trong đó, quan hệ lãi suất với ổn định tỷ giá được coi là điểm nhấn đáng chú ý.
Vì sao phải nới lỏng?
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, lạm phát năm 2015 được dự báo thấp hơn mục tiêu 5% mà Quốc hội giao cho Chính phủ. Cùng đó, CPI tháng 1/2015 giảm thêm 0,2%, trở thành tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng âm.
Ở trong nước, sự phục hồi của các doanh nghiệp chưa rõ nét; trong khi bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa ra khỏi suy thoái, buộc nhiều quốc gia tiếp tục xu hướng nới lỏng tiền tệ ngay từ đầu năm 2015.
Những yếu tố này, buộc Ngân hàng Nhà nước phải tính đến khả năng nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất thêm 1% - 1,5%. So sánh động thái này với quan hệ lạm phát, nhóm nghiên cứu cho rằng, tăng trưởng CPI âm 3 tháng liên tiếp là điều kiện thuận lợi để nhà điều hành vững tin điều chỉnh giảm lãi suất nhằm tiếp sức cho đà phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ không vội vã điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất mà thay vào đó là tâm lý thận trọng. Bởi vì, mức độ nhạy cảm của lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng ở thời điểm hiện tại là thấp.
Thực tế này được nhiều ngân hàng thương mại phản ánh rằng, những doanh nghiệp muốn vay bằng mọi giá phần lớn là vay để đảo nợ cũ; còn những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện thì lãi suất trung dài hạn giảm tới 7%/năm, họ vẫn chần chừ do sức mua thị trường quá thấp.
Chưa kể, Ngân hàng Nhà nước không muốn tự mình rơi vào chiếc bẫy do chính mình tạo ra, đó là thu hẹp khoảng cách chênh lệch lãi suất USD và VND. Hiện tại, khoảng này đang nằm trong biên độ 3% - 5%; nếu để thấp hơn nữa, phía nắm giữ ngoại tệ sẽ ngần ngại bán ra, tâm lý găm giữ trỗi dậy, vòng quay chu chuyển của dòng ngoại tệ bị đình trệ sẽ gây tác động xấu tới việc chống “đô la hóa” và gây khó kiểm soát tỷ giá.
Nhất là, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng đồng USD đang mạnh lên với hầu hết các ngoại tệ chủ chốt như EUR, JPY.
Một yếu tố khác không thể không nhắc tới là mối quan hệ giữa giá dầu và lạm phát. Diễn biến trong năm 2014, cho thấy, không thể nói trước điều gì khi giá dầu hồi đầu năm là 100 USD/thùng nhưng đã rơi tuột xuống còn 47 USD/thùng vào cuối năm, giảm trên 50%.
Trong trường hợp giá dầu đảo chiều, lạm phát được kích hoạt thì việc nới lỏng tiền tệ sẽ đẩy điều hành chính sách tiền tệ vào thế bí.
Từ những phân tích này, nhóm phân tích cho rằng, năm 2015, mức độ điều chỉnh giảm lãi suất chỉ ở trong khoảng 0,5% thay vì 1% - 1,5% như Chỉ thị 01 đã nêu.
Nếu mức độ điều chỉnh lãi suất diễn ra như nhóm phân tích đã dự đoán thì bên cạnh công cụ lãi suất để tác động vào quá trình phục hồi nền kinh tế thông qua tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phải tính đến những giải pháp hành chính khác như: mở rộng cho vay “tín chấp - quản lý dòng tiền” ở những lĩnh vực ưu tiên; nhân rộng mô hình kết nối ngân hàng doanh nghiệp đã được triển khai rầm rộ cả năm 2014.
Niềm tin từ người làm chính sách
Một trở ngại nữa trong việc ổn định tỷ giá của năm 2015 là ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã “xài” hết một nửa của “quota” 2% biên độ điều chỉnh tỷ giá tối đa cho cả năm.
Trong khi năm 2015 vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức trong điều hành tỷ giá như nêu trên thì hạn mức còn lại chỉ 1%. Mang lo ngại này trao đổi với Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ông cho rằng, không phải bây giờ mà trong cả năm 2014, đặc biệt là nửa năm cuối, USD đã tăng giá cho đến nay.
Thế nhưng, cũng trong năm đó, hạn mức điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là 2% nhưng chỉ điều chỉnh 1% sau sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981”. Đáng lý ra, đến tháng 11/2014, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá nhưng chuyện đó không xảy ra vì nhiều lý do.
Lý do đầu tiên mà ông Bình đưa ra là năm 2014, Ngân hàng Nhà nước mua vào khá nhiều ngoại tệ (nhóm nghiên cứu BIDV đưa ra con số này là 13 tỷ USD). Tương ứng với đó, Ngân hàng Nhà nước đẩy ra thị trường một lượng VND khá lớn nên muốn thu về, nhằm tránh áp lực lên “lạm phát mùa vụ” vẫn xảy ra vào thời điểm cuối năm.
Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước cũng không muốn tăng dự trữ ngoại hối thêm vì với mức hiện tại, lớp đệm an toàn cho cán cân thanh toán tổng thể đã ở mức phù hợp; trong khi, Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới những mục tiêu khác cấp thiết hơn. Với quan điểm này, Ngân hàng Nhà nước đang muốn bán ra một lượng ngoại tệ vừa để thu hút bớt VND về.
Thứ hai, tháng 11 hàng năm là thời điểm mà các doanh nghiệp đang lên bảng cân đối tài chính, trong đó, yếu tố lời lãi, thưởng Tết được coi là những yếu tố kích thích hưng phấn cho đời sống công nhân.
“Nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, coi như bỗng dưng lợi nhuận của doanh nghiệp bốc hơi một cơ số nào đó, tự nhiên đẩy họ vào khó khăn. Làm ăn cả năm, Ngân hàng Nhà nước cũng muốn doanh nghiệp ăn một cái Tết thật vui vẻ! Hơn nữa, điều đó cũng thể hiện sự chia sẻ khó khăn của cơ quan quản lý với doanh nghiệp”, ông Bình nói.
Thứ ba, khi Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh tỷ giá, có nghĩa là đã xác lập thêm niềm tin nơi thị trường, tạo nên sự đồng thuận với chính sách. Khi doanh nghiệp tin, họ sẽ coi trọng VND hơn; nhờ đó, dòng chảy ngoại tệ sẽ tiếp tục luân chuyển trong nền kinh tế.
Và như thế, điều hành tỷ giá sẽ bớt khó khăn hơn, kể cả khi khoảng cách chênh lệch lãi suất “đô - đồng” bị thu hẹp.
“Dù nói vậy nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn không để cho bên nắm giữ VND bị thiệt thòi và chúng tôi có đủ công cụ cần thiết để xác lập tỷ giá ở mức cân bằng lợi ích cho các chủ thể tham gia thị trường”, ông Bình cho biết.
Nguồn VnEconomy