Chàng Sơn: Dựng hồn gỗ, giữ nếp nhà
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Tây, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, vốn nổi tiếng là một làng quê bách nghệ, đặc biệt là nghề mộc thủ công chạm khắc gỗ truyền thống. Những ngôi nhà bằng gỗ được chạm khắc công phu với kiến trúc và nhiều họa tiết mang đậm nét văn hóa dân tộc tại đây trở thành bảo tàng lưu giữ kiến trúc cổ của Việt Nam. Giữa bộn bề của một thành thị đang bê tông hóa, những ngôi nhà gỗ không chỉ là thú vui của những người hoài cổ, mà còn mở ra một hướng đi mới cho ngành chế biến gỗ nếu được đón nhận một cơ hội để vươn mình.
Theo ước tính, ngành thiết kế, thu mua và kinh doanh nhà gỗ truyền thống ước tính giá trị hơn hàng chục triệu đô mỗi năm và được phân chia theo 2 hướng cơ bản là chuyên thu mua những ngôi nhà gỗ cũ để phục dựng và thiết kế xây dựng mới hoàn toàn. Tại làng nghề Chàng Sơn, những đôi tay tài hoa của người thợ đã cho ra đời những ngôi nhà gỗ, nhà kẻ truyền truyền thống và các sản phẩm gỗ nội thất khác.
Chàng Sơn nổi tiếng cả nước về những sản phẩm gỗ như bộ tràng kỷ, tràng niên, những nếp nhà gỗ, mái đình, mái chùa, hoành phi, câu đối... Những người thợ Chàng Sơn với đôi tay tài hoa, khéo léo đã chạm khắc ra các tác phẩm nghệ thuật, tượng Phật, đặc biệt là các pho tượng La Hán bằng gỗ mít ở chùa Tây Phương đạt đến đỉnh cao của giá trị nghệ thuật. Hiện nay, nhà gỗ vẫn là sản phẩm chiếm đa số khối lượng công việc của làng nghề nổi tiếng này vì có giá trị cao.
Không phô trương hoành tráng như xây biệt thự nhưng nhà gỗ truyền thống đang trở thành một xu hướng và trào lưu mới, thể hiện sự tinh tế của những người có tiền. Một căn nhà gỗ có giá vài tỉ đồng, thậm chí hơn 30 tỉ đồng tùy theo thiết kế và chất liệu gỗ sử dụng cho công trình, nhất là các loại gỗ quý như lim, đinh hương, giáng hương và cẩm lai... Do tất cả đều thực hiện thủ công nên mỗi công trình mất vài tháng hoặc cả năm để thi công và hoàn thiện.
“Trung bình mỗi tháng, Công ty tiếp nhận và tư vấn hơn 50 đơn hàng, nhưng từ khâu thiết kế đến thực hiện phải tốn rất nhiều thời gian nên tối đa mỗi năm chỉ có thể thực hiện được khoảng 10 công trình. Nhu cầu thị trường là rất lớn nhưng đáp ứng được đơn hàng vẫn còn là một khó khăn của chúng tôi”, ông Nguyễn Giang, Giám đốc Công ty Gỗ Giang, cho biết.
Do gặp khó khăn về nhân lực trong các hợp đồng dựng nhà mới, nhiều doanh nghiệp phát triển theo hướng mua và phục dựng nhà gỗ truyền thống. Do nhà được thực hiện dựa trên khung đã có sẵn, chỉ thiết kế và bổ sung một số chi tiết nên thời gian thực hiện sẽ ngắn hơn, chi phí thấp hơn. Nhiều người bỏ tiền ra để giữ lại nếp nhà cũ của tổ tiên, cha ông họ để lại, chỉ tu sửa, dựng lại cho gia đình, con cháu ở. Bởi vậy họ trân trọng, yêu quý nếp nhà của mình, mang lại những giá trị rất lớn về mặt tinh thần của những căn nhà gỗ, nhà thờ họ... Theo ông Hồ Văn Cường, Giám đốc Công ty Nhà Gỗ Phú Cường, đến nay, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 100 công trình trong nước và nước ngoài.
Những người thợ Chàng Sơn tạo nên sự khác biệt bằng nghệ thuật chạm khắc. Ảnh: nhân vật cung cấp |
Theo ông Nguyễn Giang, mặc dù là một trong những công ty dẫn đầu về phát triển sản phẩm của làng nghề nói chung, nhưng vẫn có những khó khăn đòi hỏi doanh nghiệp của vùng Chàng Sơn phải kết hợp để vượt qua. Đặc biệt, cần phải chú trọng đăng ký bảo hộ về kiến trúc đặc trưng của vùng, bởi vì nhà gỗ Chàng Sơn khác biệt nhà gỗ của các tỉnh thành khác trên cả nước về cách thiết kế và họa tiết chạm khắc trên gỗ. Các hoa văn, họa tiết chạm trổ một cách mềm mại, tinh xảo, sống động như thật, tạo nên giá trị văn hóa đặc biệt cho những ngôi nhà gỗ...
“Để đảm bảo về lối kiến trúc đặc trưng riêng của vùng Chàng Sơn cũng như tính cạnh tranh về hình ảnh, chúng tôi đã hoàn thiện việc đăng ký bản quyền về chi tiết cũng như tập trung chuyên sâu hơn về thiết kế hình ảnh”, ông nói.
Đến nay, những công trình nhà gỗ mang thương hiệu Gỗ Giang do kiến trúc sư Nguyễn Giang xây dựng đã có mặt ở nhiều tỉnh thành như Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa... cho đến các tỉnh phía Nam. Gỗ Giang tập trung vào việc xây dựng, thiết kế mới những ngôi nhà của cá nhân.
“Công ty có nhận được 2 đơn đặt hàng cho dự án nghỉ dưỡng lớn, mỗi căn phòng cũng tương đương 300-400 triệu đồng, nhưng để hoàn thành mỗi dự án, bên cạnh giá trị hợp đồng còn là vấn đề về thời gian. Riêng với các công trình đình chùa, bên cạnh chữ “duyên” cũng cần đáp ứng một số điều kiện nhất định. Do đó, hiện nay, Công ty vẫn chỉ hướng vào thị trường ngách, vừa đảm bảo được tính thiết kế riêng của doanh nghiệp, vừa đảm bảo được tiến độ hoàn thành hợp đồng”, ông Nguyễn Giang cho biết.
Theo ông Giang, Công ty cũng không kinh doanh nhà gỗ cũ vì tìm mua, định giá và thi công sẽ tạo thêm lượng công việc khá lớn. Ngoài ra, cũng đã khác so với hướng đi của vùng là sản xuất mới, cũng như quy mô và diện tích của vùng không đáp ứng được kho bãi chứa gỗ. Đặc biệt là việc thu mua phải cạnh tranh giữa những nhà thu mua khác, sau một thời gian nhà cũ cũng sẽ không còn. Trong khi đó, dựng nhà mới sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu trong và ngoài nước, tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành gỗ, Việt Nam nổi lên là một quốc gia sản xuất đồ gỗ của thế giới với nguồn nguyên liệu phong phú, tay nghề chế tác cao và nguồn nhân công giá rẻ. Kiến trúc nhà gỗ cổ Bắc bộ, bao đời đã là niềm tự hào của người Việt. Những ngôi nhà gỗ tưởng chừng như mất dần vị trí trong kiến trúc đương đại, nay có cơ hội phát triển, làm phong phú kiến trúc đô thị cũng như bảo tồn giá trị truyền thống, tinh hoa của người Việt.
Đại diện Công ty Gỗ Giang nhận định: “Vì là vật liệu tái tạo, có thể được sản xuất trong các rừng trồng mọc nhanh, gỗ giúp giải quyết nhiều vấn đề từ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Nhà gỗ không chỉ là thú chơi mà là một xu hướng xây dựng có nhiều ưu điểm về thân thiện môi trường, khả năng tái sử dụng, tuổi thọ những ngôi nhà lên đến vài trăm năm, có thể linh hoạt được vị trí thay vì kiên cố hóa so với công trình bê tông”.
Đức Tài