Chặng đường từ CEO đến Chuyên viên thu hồi nợ của bà Bùi Thị Mai
Bùi Thị Mai sinh năm 1962 (50 tuổi), tại Hải Dương. Cử nhân Tài chính Kế toán – Thạc sĩ quản trị kinh doanh – Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà Bùi Thị Mai tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1984.
Quá trình làm việc trước khi gia nhập ngân hàng
Sau khi rời giảng đường đại học, bà Mai nhận công tác tại Vụ Ngân sách Nhà nước thuộc Bộ Tài chính và làm việc tại đây suốt 4 năm sau đó (1984-1988).
Từ năm 1988, bà Mai chuyển sang công tác tại Viện Khoa học Việt Nam. Suốt 7 năm làm việc ở Viện (1988-1995), bà Mai từng luân chuyển qua nhiều vị trí như Chuyên viên Vụ Kế hoạch – Tổng hợp (trong 2 năm 1988-1990), Kế toán trưởng ở các đơn vị Liên hiệp Khoa học Sản xuất Xuất nhập khẩu Cơ điện lạnh và Kế toán trưởng của Trung tâm phát triển Công nghệ cao.
Từ năm 1995, bà Bùi Thị Mai chính thức rời Viện Khoa học Việt Nam, chuyển sang công tác trong ngành Ngân hàng.
Gia nhập Ngân hàng
Với kinh nghiệm 5 năm làm kế toán trưởng trước đó, bà Mai khởi đầu ở vị trí Kế toán trưởng tại Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank).
Năm 1999, sau 4 năm công tác tại Ngân hàng Habubank, Kế toán trưởng Bùi Thị Mai chính thức được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc.
Trước ngày 15/09/2012, bà lần lượt nắm giữ các chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT (từ tháng 03/2008), Tổng Giám đốc (từ năm 2002) tại Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội.
Ngày 28/04/2012, tại ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội, trước toàn thể các cổ đông của Habubank, TGĐ Bùi Thị Mai đã thay mặt HĐQT của Habubank nhận khuyết điểm trước đại hội về kết quả kinh doanh trong năm 2011; đồng thời giải thích lý do ngân hàng này phải sáp nhập vào SHB: Habubank đã tập trung dư nợ cho vay Tập đoàn Vinashin, khó khăn kinh tế khiến nợ xấu Habubank tăng, chi phí huy động cao, quản trị kém.
Hội đồng quản trị của Habubank thấy rằng có 2 giải pháp để Habubank vượt qua khó khăn đó là: cổ đông bổ sung thêm vốn, sáp nhập với ngân hàng khác. Sau khi xem xét Habubank thấy sáp nhập sẽ tốt hơn
Lợi ích giúp cho 2 ngân hàng trở thành định chế tài chính lớn, có sức cạnh tranh lớn hơn sau sáp nhập, điểm mạnh giữa 2 bên hỗ trợ nhau.
Về những khó khăn, bà Mai cho biết điểm khác biệt văn hóa sẽ là một trong những rào cản cần tính đến khi sáp nhập. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế, tài chính đang khó khăn khó khăn như hiện nay thì vấn đề tài chính sẽ là một trong những vấn đề đáng lưu ý nhất.
Bà Mai cũng chia sẻ, theo kế hoạch sáp nhập thì cổ đông của 2 ngân hàng sẽ không được nhận cổ tức trong vòng 2 – 3 năm tới.
Đáng chú ý trong bản trình bày về năng lực tài chính của Habubank mà bà Mai đang trình bày trước đại hội thì tính đến ngày 29/2/2012 tỷ lệ nợ xấu của Habubank lên đến 16,06% (theo đánh giá của chuẩn mực kế toán Việt Nam), còn theo đánh giá đặc biệt theo quan điểm mức độ rủi ro tiềm ẩn thì tỷ lệ này lên đến 32,06%.
Trong đó, các khoản vay từ nhóm khách hàng Vinashin đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng, nhất là với chi phí vốn ngày càng cao, thì hệ quả là kết quả tài chính và chất lượng tài sản có từ năm 2011 và đến nay bị suy giảm rất nhiều.
Theo kết quả bỏ phiếu tại ĐHCĐ của Habubank, có 85,21% số cổ đông đồng ý về việc sáp nhập với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội. Phương án sáp nhập với SHB được đánh giá sẽ là lối thoát an toàn cho Habubank.
Từ ngày 15/09/2012, khi Habubank sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), HĐQT SHB đã tiếp nhận và bổ nhiệm bà Bùi Thị Mai, nguyên Tổng giám đốc Habubank, giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SHB.
Trong thời hạn thử thách là 6 tháng kể từ ngày 15/9/2012, bà Mai có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc và chịu sự phân công, điều hành của Tổng giám đốc SHB.
Kể từ ngày 01/11/2012, tức chỉ 1 tháng rưỡi kể từ ngày sáp nhập và nhận nhiệm vụ mới, Hội đồng quản trị SHB đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc SHB của bà Bùi Thị Mai, bố trí công việc và mức lương phù hợp tại Ban Quản lý và Xử lý nợ có vấn đề của Ngân hàng này.
Theo đề án sáp nhập, một trong những vấn đề trọng tâm sau khi hợp nhất SHB-Habubank là tích cực cực thu hồi các khoản trích lập dự phòng và xử lý nợ của Habubank trước đây.
Đề án nêu rõ: “Thực tế cho thấy, có rất nhiều khoản mục lỗ lũy kế trước khi sáp nhập của HBB có thể thu hồi nếu như Ngân hàng thực hiện các biện pháp thu hồi nợ một cách tích cực và quyết liệt”. Theo đó, SHB dự kiến sẽ thu hồi khoảng 1.160 tỷ đồng trong năm 2012 và tiếp tục tiến hành các biện pháp thu hồi nợ trong năm 2013.
Nguồn CafeF Biz