Nhờ đà hưng phấn sau khi công bố lợi nhuận quý đầu năm cao kỷ lục, cổ phiếu nhóm ngành hàng không đồng loạt cất cánh trong phiên giao dịch ngày 7/5/2024.
Chặng cuối hồi phục của hàng không
Trong quý I/2024 Vietnam Airlines gây bất ngờ khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức kỷ lục, đạt 4.441 tỉ đồng, chấm dứt chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp. Khoản lãi khủng đến từ hoạt động kinh doanh khởi sắc và khoản thu nhập đột biến 3.600 tỉ đồng...
“Kết quả Pacific Airlines đàm phán trả toàn bộ tàu bay đang thuê cho chủ tàu và xử lý các khoản nợ đã giúp Tổng Công ty ghi nhận tăng đột biến khoản mục thu nhập khác, góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất quý I”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Tuy nhiên, không thể không nói đến kinh doanh khởi sắc đã giúp Vietnam Airlines trút được gánh nặng thua lỗ. Sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, mạng bay quốc tế của Vietnam Airlines đã và đang phục hồi ấn tượng. Tỉ trọng số chuyến bay và doanh thu vận tải quốc tế hiện tiệm cận mức trước đại dịch, đang rất gần với mức của quý I/2019.
Đảo chiều báo lãi
Theo Trung tâm Thông tin Du lịch, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn 3,9% so với thời điểm trước dịch. Có thể thấy thị trường du lịch Việt Nam đã gần như phục hồi về quy mô và lượng khách, một vài thị trường mục tiêu bắt đầu có tăng trưởng dương trở lại sau 3 năm tăng trưởng âm do ảnh hưởng bởi đại dịch.
“Khách quốc tế vào Việt Nam đã tăng mạnh trong năm 2023 và tiếp tục tăng mạnh trong quý I năm nay. Đây là thời điểm chạy đà quan trọng để đến cuối năm nay, thị trường hàng không quốc tế phục hồi hoàn toàn tại Việt Nam”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam nhận xét.
Trong bối cảnh nhu cầu phục hồi mạnh, giá vé máy bay cao, lợi nhuận doanh nghiệp ngành hàng không ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục trở lại sau thời kỳ kinh doanh lao dốc do dịch bệnh khó khăn. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với khoản lãi kỷ lục hơn 2.900 tỉ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ.
Năm 2024 ACV đặt kế hoạch doanh thu 20.325 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 9.378 tỉ đồng. Tại Vietjet Air, doanh thu vận chuyển hàng không đạt 17.765 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỉ đồng, tăng lần lượt 38% và 209% so với cùng kỳ năm 2023. Mức lợi nhuận này đã đưa Vietjet quay về thời kỳ trước khi dịch COVID-19 xảy đến.
Nhờ đà hưng phấn sau khi công bố lợi nhuận quý đầu năm cao kỷ lục, cổ phiếu nhóm ngành hàng không đồng loạt cất cánh trong phiên giao dịch ngày 7/5/2024. Theo đó, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có 2 phiên tăng trần liên tiếp để leo lên 19.750 đồng, qua đó xác lập vùng giá cao nhất trong 2 năm. Cổ phiếu VJC của Vietjet Air cũng hòa chung đà tăng trần lên 113.400 đồng, đưa thị giá chạm vùng đỉnh 1 năm.
Không riêng 2 mã đầu ngành dậy sóng, cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp phụ trợ hàng không cũng khởi sắc trong những phiên gần đây. Trong đó, ACV biến động mạnh nhất khi nhảy vọt từ vùng giá 82.000 đồng lên 98.200 đồng/cổ phiếu nhờ 4 phiên tăng liên tiếp. Đây là vùng giá cao nhất trong 3 năm trở lại đây của cổ phiếu này.
Lợi nhuận về mức trước dịch
Năm 2024 ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tương đương năm 2019. Nhu cầu vận chuyển của các hãng hàng không dự kiến khoảng 61 triệu hành khách, tăng 9,3% so với năm 2023 và tăng 10,9% so với năm 2019. Những kết quả tích cực ngay từ đầu năm là tín hiệu khả quan để hiện thực hóa mục tiêu này trong năm nay.
Tại các đường bay quốc tế, theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024. Trong đó, thị trường châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phục hồi chậm nhất, có thể ngắt mạch lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỉ USD trong năm 2024.
Theo dự báo của SSI Research, 2024 sẽ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phục hồi của ngành hàng không Việt Nam. Theo kịch bản cơ sở, SSI giả định lượng hành khách quốc tế sẽ tăng trở lại mức của năm 2019 vào quý cuối năm nay, trong khi lượng hành khách nội địa dự kiến đi ngang. Do đó, lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp ngành hàng không sẽ được cải thiện và quay trở lại mức trước dịch.
Ngành hàng không đang có nhiều động lực tăng trưởng trong thời gian tới như giá dầu ổn định, nhu cầu du lịch, vận chuyển hàng hóa hồi phục, tăng giá trần vé máy bay nội địa và triển vọng dài hạn nhờ sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động từ cuối năm 2016.
Tuy nhiên, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS), cho biết năm 2024 ngành hàng không Việt vẫn gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2023. Trong đó, kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm vì căng thẳng địa chính trị, lạm phát. Điều này dẫn đến thu nhập người dân của các nước giảm khiến nhu cầu đi lại và du lịch sẽ chậm.
Nội tại các hãng hàng không cũng còn nhiều khó khăn, nhất là cuộc khủng hoảng thiếu máy bay buộc các hãng phải thuê lại. Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 2/5/2024 tổng số tàu bay của các hãng hàng không trong nước đạt 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023. Nếu tiếp tục duy trì lượng tàu thuê như năm 2023, các hãng hàng không Việt có thể phải tốn nhiều chi phí thuê hơn trong năm nay, ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận.
Chẳng hạn, Vietnam Airlines chi hơn 15.300 tỉ đồng để thuê 61 tàu bay vào năm 2020. Trong năm này, chi phí thuê tàu bay chiếm tới 38% chi phí sản xuất kinh doanh. Vietjet mới bắt đầu xuất hiện các khoản chi phí thuê máy bay từ năm 2021. Từ mức 4.000 tỉ đồng trong năm 2021, chi phí này đã tăng vọt lên hơn 11.000 tỉ đồng.