Hình ảnh trang trại chăn nuôi heo. Ảnh: baochinhphu.vn.
Chăn nuôi kiếm lợi nhuận tỉ USD
Công ty C.P. Việt Nam trực thuộc Charoen Pokphand Foods (CPF) của Tập đoàn C.P. (Thái Lan), một trong những công ty nông nghiệp hàng đầu châu Á. Tại thị trường Việt Nam, lợi nhuận của công ty này quanh mức 1.000-2.000 tỉ đồng. C.P. Việt Nam nằm trong số những công ty lãi nhiều nhất Việt Nam năm ngoái, sánh ngang cùng các doanh nghiệp FDI hàng đầu khác như Samsung Electronics hay Honda...
Sức hút từ mức tăng trưởng cao nhất ASEAN
Cần nói thêm, 2020 là năm đặc biệt thành công của C.P. Việt Nam khi giá thịt heo đạt mức đỉnh lịch sử do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung khan hiếm. Trong nửa đầu năm nay, C.P. Việt Nam tiếp tục đem về doanh thu 1,86 tỉ USD, đóng góp tới 81% tổng doanh thu của CPP. Thị trường Việt Nam gấp 4 lần thị trường Trung Quốc.
De Heus Việt Nam mới đây cũng mua lại 100% mảng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi của MNS Feed (bao gồm 100% Anco và 75,2% Proconco). Việc mua lại mảng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi của MNS Feed bao gồm 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và 1 nhà máy premix, với tổng công suất sản xuất lên tới gần 4 triệu tấn, góp phần củng cố vị trí của De Heus trong thị trường thức ăn chăn nuôi lớn nhất Đông Nam Á.
Thành công của C.P. hay De Heus cho thấy sự hấp dẫn của thị trường chăn nuôi tại Việt Nam. Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư lớn chưa từng có vào ngành chăn nuôi. Bên cạnh khối FDI, sự bứt phá của một số doanh nghiệp nội địa cũng góp phần làm thay đổi bộ mặt của ngành.
Theo nghiên cứu của Oxford Economics, năm 2020 lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm của Việt Nam tăng trưởng 4%, cao nhất khu vực ASEAN. Thống kê sơ bộ của Cục Chăn nuôi cho biết, hiện cả nước có gần 50 dự án chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao, quy trình khép kín được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, với số vốn nhiều tỉ USD.
Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vừa rót 1.000 tỉ đồng vào trái phiếu kỳ hạn 7 năm của GreenFeed. Khoản đầu tư trên là cơ sở để doanh nghiệp Việt này nâng cao công suất chăn nuôi, hướng đến mục tiêu cung ứng 125.000 tấn heo thịt mỗi năm cho thị trường vào năm 2023. Cuối năm 2019, tuy tổng tài sản của GreenFeed chỉ bằng 1/3 “ông lớn” trong ngành là Masan MEATLife nhưng lãi ròng lại lên đến 512 tỉ đồng, cao hơn hẳn Masan MEATLife (370 tỉ đồng).
Một doanh nghiệp chăn nuôi trong nước khác là Tập đoàn Dabaco (Bắc Ninh) cũng đạt mức lợi nhuận khả quan. Năm 2020, Dabaco đạt doanh thu 10.022 tỉ đồng, tăng trưởng 39%; lợi nhuận ròng đạt 1.400 tỉ đồng. Thành lập năm 2008, Dabaco có hệ thống 45 trang trại chăn nuôi gia công heo thịt tại các tỉnh, thành; sản lượng mỗi năm đạt 7.000 tấn thịt. Doanh nghiệp này hiện đặt mục tiêu doanh thu 1 tỉ USD vào năm 2025, gấp đôi hiện tại, với kế hoạch đầu tư thêm trang trại tại Thanh Hóa, Bình Phước...
Doanh nghiệp nội tăng tốc
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2019 đã góp phần khiến cục diện ngành chăn nuôi thay đổi mạnh mẽ. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, so với lúc trước dịch, đến giữa năm 2021 riêng khối doanh nghiệp chăn nuôi lớn (16 doanh nghiệp) tăng trưởng tới 160% và so với ngày 1/1/2020 tăng 155%. Các công ty lớn đều tăng quy mô đàn giống và đàn nuôi thịt. Dịch tả lợn làm cho các trại nhỏ lẻ - nơi cung cấp phần lớn sản lượng heo thịt ra thị trường Việt Nam trước đây suy giảm nghiêm trọng. Thị trường sẽ dần chỉ còn lại những tập đoàn đa ngành đủ khả năng chủ động nguồn thức ăn đầu vào và thị trường đầu ra.
Dù lâu nay ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn bị dẫn dắt bởi khối FDI nhưng 5 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp nội tỏ rõ quyết tâm giành lấy thị phần bằng sự đầu tư bài bản và dài hơi. Là tân binh trong ngành và gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng 6 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đã ghi nhận doanh thu mảng nông nghiệp, trong đó chủ yếu là chăn nuôi, đạt hơn 2.369 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Hòa Phát đặt mục tiêu 5 năm tới sẽ phát triển doanh thu mảng nông nghiệp gấp đôi năm 2021, dự kiến xấp xỉ 20.000 tỉ đồng, lợi nhuận đặt ra đạt 1.700-1.800 tỉ đồng.
Theo kế hoạch năm 2021, Thagrico, một thành viên thuộc Tập đoàn Thaco, sẽ đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng cho nuôi bò, hơn 1.000 tỉ đồng cho nuôi heo. “Dù nông nghiệp tỉ suất lợi nhuận thấp, nhưng nếu làm bài bản ở quy mô lớn với phương pháp quản trị công nghiệp và thực hiện cơ giới hóa thì vẫn thành công”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, chia sẻ.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dự báo tốc độ dịch chuyển sản xuất từ hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa sang doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp là 7,2%/năm. Các doanh nghiệp quy mô lớn với quy trình sản xuất khép kín, nền tảng công nghệ hiện đại và tự chủ được các yếu tố đầu vào với mô hình 3F (từ trang trại đến bàn ăn) sẽ nắm ưu thế.
Bắt tay với doanh nghiệp ngoại là cách mà một số doanh nghiệp chăn nuôi trong nước lựa chọn để đi nhanh hơn. Từ năm 2019 đến nay, Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước) đã liên doanh với De Heus đến từ Hà Lan thành lập 2 doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao là DHN Đắk Lắk và DHN Gia Lai. Tổng vốn đầu tư 2 dự án khoảng 2.500 tỉ đồng. Tập đoàn Hùng Nhơn hiện sở hữu chuỗi các công ty thành viên đang có dự án chăn nuôi tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ... Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hùng Nhơn, cho biết: “Việc đầu tư chăn nuôi công nghệ cao, theo chuỗi liên kết là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với cách sản xuất truyền thống. Chúng tôi chấp nhận đầu tư chi phí ban đầu tăng gấp 2-3 lần để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong bán kính 5 km”.
Dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi khiến giá thức ăn tăng cao trong khi giá thịt giảm. Dù vậy, trong trung và dài hạn, ngành chăn nuôi vẫn được đánh giá là có nhiều triển vọng phát triển.