Chân dung người kế nhiệm bà Phạm Thị Việt Nga tại DHG
Ông Đoàn Đình Duy Khương |
“DHG có những người đã có thể thay tôi điều hành DN rất tốt nhưng mọi người chưa biết. Năng lực của họ đã được chứng minh từ xây dựng chiến lược đến điều hành, uy tín nội bộ cũng rất cao và được đồng nghiệp vị nể”, bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc DHG chia sẻ khi được hỏi về người kế nhiệm mình.
Trẻ tuổi đời, không trẻ tuổi nghề
Ông Khương sinh năm 1974, có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh. Trước khi gia nhập DHG, ông Khương làm việc tại Unilever, Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam… Gia nhập Dược Hậu Giang vào năm 2000 với vị trí ban đầu là nhân viên phòng kế hoạch, ông Khương đã có những bước phát triển vượt bậc khi 3 năm sau đã được bổ nhiệm phụ trách tổ phát triển sản phẩm và các hoạt động thương hiệu, 1 năm sau được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc thương hiệu DHG. Một năm sau ông đảm nhận ghế Giám đốc marketing DHG, sau đó là Phó tổng giám đốc Công ty.
Được đánh giá là người nhạy bén, có năng lực, ông Khương là học trò của bà Nga, được bà đào tạo dìu dắt suốt hơn 10 năm qua. Gần đây, vị Phó tổng giám đốc trẻ bắt đầu xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nói đến hoạt động của DHG. Có thể đây chính là những bước đầu tiên để thị trường quen dần với gương mặt lãnh đạo mới, bởi trước kia hầu như chỉ có mình bà Nga xuất hiện.
Bà Nga đã ở tuổi 63. Hồi đầu năm nay, kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch HĐQT DHG, bà tính chuyện nghỉ hưu song theo đề nghị của các cổ đông lớn, bà đảm nhận ghế CEO trở lại. Lý do, DHG đang chuyển mình, nhà máy mới, chiến lược kinh doanh mới, cơ cấu tổ chức phân quyền, phân nhiệm mới… bởi vậy, doanh nghiệp cần bước đệm để đội ngũ kế thừa tiếp cận dần dần điều hành Công ty vững vàng hơn.
Tuy nắm ghế CEO nhưng giờ bà Nga hầu như không phải trực tiếp điều hành mọi công việc, kể cả việc xây dựng kế hoạch, chiến lược, mà phần lớn chỉ nghe báo cáo, phản biện và đóng góp chính sách. Đội ngũ lãnh đạo kế cận, trong đó có ông Khương đã đảm nhận phần lớn công việc trên. Trở lại ghế CEO vào tháng 5, từ tháng 6 đến tháng 8, bà Nga dong duổi trên các cung đường từ Nam ra Bắc để gặp gỡ đối tác, khách hàng, có những tuần, bà không cần gọi điện về doanh nghiệp, yên tâm bởi ở nhà, những cộng sự của bà điều hành công việc trơn chu và cỗ máy cứ ro ro chạy
Nói về sự chuyển giao thế hệ, về những người sẽ kế nghiệp mình, bà Nga tin tưởng sẽ không có những biến động mạnh đến hoạt động của DHG, bởi hệ thống quản trị của Công ty đã được xây dựng vững mạnh với bản sắc văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn, sứ mạng rõ ràng, để DHG không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào. Bà cũng tin tưởng, thế hệ lãnh đạo trẻ sẽ làm rạng danh DHG cả trong nước và quốc tế...
Thách thức không nhỏ
Nhưng để làm được những gì CEO Việt Nga kỳ vọng, áp lực với dàn lãnh đạo trẻ của DHG không hề nhỏ. Trước hết, DHG hiện là cánh chim đầu đàn của ngành dược Việt Nam, đã là đầu đàn thì không được nghỉ, không bay nhanh được có nghĩa là lùi.
Trong khi đó, ngành dược hiện khác xa so với những năm trước. Những biến động kinh tế gần đây khiến thu nhập người dân không ổn định, thuốc ngoại tràn vào thị trường và được sử dụng nhiều hơn, các quy định để đưa thuốc vào hệ điều trị ngặt nghèo, đặc biệt thực phẩm chức năng xuất hiện dày đặc. Áp lực cạnh tranh với DHG do đó là rất lớn.
Quy mô của DHG hiện cũng khá lớn với trên 3.000 lao động, doanh thu mỗi năm trên 5.000 tỷ đồng, trong đó nhà máy mới đầu tư 800 tỷ đồng đã đi vào hoạt động đòi hỏi doanh nghiệp phải khấu hao, phải có chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường… Phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu cũng như tăng cường các mối quan hệ hợp tác để gia tăng tốc độ phát triển của DHG, đảm bảo mức trung bình 19% trong giai đoạn 2014 - 2018 như kế hoạch đã công bố với cổ đông là nhiệm vụ không đơn giản.
Để có thể phát triển và vươn ra khu vực, CEO mới của DHG sẽ phải giải bài toán mà không chỉ DHG mà cả ngành dược Việt Nam đang khó giải quyết: đó là thiếu sản phẩm có công thức chuyên biệt. Ông Khương và Ban lãnh đạo DHG đang làm nhiều việc để thay đổi thực tế này.
Gần đây, Công ty đã đầu tư phát triển các nhãn hàng có công thức chuyên biệt như: Naturenz (công nghệ sinh học, lên men các loại rau củ, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan), Spivital (từ nguồn nguyên liệu tảo Spirulina tự sản xuất độc quyền, chủ động hoàn toàn về nguyên liệu), Eyelight Vita (sản phẩm thuốc nhỏ dưỡng mắt đầu tiên tại Việt Nam chứa 3 loại vitamin B), NattoEnZym (độc quyền nguyên liệu Nattokinase của Nhật). Tuy nhiên, để sản phẩm trên có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, cần rất nhiều nỗ lực thêm nữa.
Trong định hướng chiến lược của mình, DHG sẽ phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học, sản phẩm có hàm lượng khoa học hiện đại, đã được nghiên cứu, chứng minh kiểm nghiệm chất lượng. Tuy nhiên, con đường đầu tư cho R&D không đơn giản, bởi ngay như cách DHG liên kết nghiên cứu với các viện, trường, chuyển giao đề tài, mua công thức độc quyền… sẽ gặp không ít khó khăn, vì tại Việt Nam, cơ chế chuyển giao những công trình khoa học là đề tài nghiên cứu cấp nhà nước cho doanh nghiệp rất phức tạp và lắm rào cản. Đi theo cách này, doanh nghiệp cũng không thể có lợi nhuận nhanh trong thời gian sớm, trong khi chi phí bỏ ra không hề nhỏ.
Bên cạnh sức trẻ và năng lực, ông Khương có một thuận lợi lớn. Đó là sự ủng hộ của các cổ đông lớn và nội bộ công ty đoàn kết. Hiện cổ đông lớn nhất của DHG là Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Năm 2014, ông Khương đã được cổ đông lớn này tin tưởng cử làm người đại diện vốn tại doanh nghiệp. Những cổ đông lớn khác, trong đó có nhiều tổ chức nước ngoài, từ trước đến nay cũng luôn ủng hộ Ban lãnh đạo DHG trong việc triển khai các kế hoạch, dự án lớn của doanh nghiệp.
Còn ở trong nhà, DHG là doanh nghiệp có sự ổn định đáng kể về nhân sự. Trong bối cảnh thị trường có sự xuất hiện của nhiều tân binh, cũng như các hãng dược tên tuổi nước ngoài, DHG không bị chảy máu chất xám. Đội ngũ lãnh đạo cấp cao, cấp trung đã gắn bó với doanh nghiệp hàng chục năm, còn nhân viên, ít cũng có thâm niên 5 - 7 năm. Lương thưởng đảm bảo mức cạnh tranh, môi trường làm việc tốt, nhiều cơ hội trong đào tạo, thăng tiến… có lẽ là bí quyết để DHG giữ người. Thế hệ lãnh đạo kế nhiệm bà Nga sẽ phải duy trì được chính sách này nếu muốn doanh nghiệp tiếp tục phát triển mạnh.
Ở không ít doanh nghiệp Việt, cái bóng của người đi trước quá lớn, bao trùm lên cả hệ thống, sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo do không chuẩn bị kỹ đã gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động doanh nghiệp. Với DHG, chưa có những thông điệp chính thức ra thị trường về sự chuyển giao nhưng với thực tế doanh nghiệp hiện tại, có lẽ cổ đông và nhà đầu tư có thể hy vọng về một sự chuyển giao thành công, với những lãnh đạo trẻ xứng đáng.
Nguồn Đầu tư chứng khoán