Ảnh: Tinnhanhchungkhoan.
Chấm dứt đế chế Vinalines, thời đại của VIMC bắt đầu
Một thập kỷ “không thuận lợi”
Giai đoạn 2014-2016, VIMC (Vinalines) từng có nhiều năm thua lỗ, do thị trường hàng hải thế giới suy thoái kéo dài. Thời điểm đó, Tổng Công ty tiếp nhận doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ từ Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.
Sau khi tái cơ cấu, thời gian qua, doanh nghiệp đã bước đầu cân bằng và có lãi. Cụ thể, theo con số thống kê kết quả năm 2019, doanh thu hợp nhất của VIMC đạt 12.069 tỉ đồng (vượt 6% so với kế hoạch), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 266 tỉ đồng, trong đó, lợi nhuận từ khối cảng biển 1.118 tỉ đồng, khối vận tải biển lỗ tới 496 tỉ đồng, khối dịch vụ hàng hải lỗ 47 tỉ đồng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn ra vào đầu năm 2020, Vinalines cũng liên tục nhận kết quả kinh doanh không sáng sủa. Trong kỳ Đại hội cổ đông vừa qua, Công ty đã quyết định chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với thương hiệu VIMC từ ngày 1.9.
Ảnh: VnEconomy. |
Suốt thời gian dịch COVID-19 làm suy giảm thị trường vận tải, doanh thu của các đội tàu giảm mạnh, VIMC đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trình Đại hội đồng cổ đông lần đầu, dự kiến doanh thu năm 2020 đạt 1.526 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế là âm 1.024,8 tỉ đồng. Trước đó, doanh thu dự kiến đạt 1.555 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 51 tỉ đồng.
Hiện VIMC vẫn khiến nhiều người lo ngại vì tình hình kinh doanh khởi sắc nhưng không ổn định. Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng Giám đốc VIMC, chia sẻ tại hội nghị trong năm 2019, lĩnh vực vận tải biển dù đã cắt lỗ, nhưng lỗ lũy kế còn lớn do hệ lụy của giai đoạn trước và thị trường suy giảm kéo dài.
Được biết, VIMC đang nắm giữ vốn tại 19 công ty con và 16 công ty liên kết, hiện sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển. Trong đó có các cảng trọng điểm của cả nước như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn.
Tổng Công ty này đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng vận tải biển đạt hơn 18 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 139 triệu tấn, tăng trưởng 5%, doanh thu đạt hơn 10.000 tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất hơn 1.230 tỉ đồng. Vốn điều lệ của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam được Đại hội cổ đông thông qua là hơn 12.005 tỉ đồng.
Khó khăn chung của thị trường
Khó khăn của ngành vận tải trong năm 2020 được nhìn nhận là tình hình chung của toàn thế giới. Hiện nay, hầu hết các đội tàu biển lớn trên thế giới cũng đang phải hứng chịu những đợt sóng bất lợi từ COVID-19. Theo cập nhật mới nhất của Sea-Intelligence, ngành vận tải biển đang đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu vận chuyển container lên tới 6,4 triệu TEU (*) trên phạm vi toàn cầu.
Số lượng các chuyến trống và bị cắt giảm các tuyến vận tải chính của các hãng tàu ngày càng tăng, tính đến ngày 11.4 đã vượt qua con số 384 chuyến, tương đương 3 triệu TEU. Hiện việc hủy chuyến vẫn tiếp tục diễn ra và nhu cầu vận chuyển cả năm 2020 có thể giảm tới 20% so với năm 2019.
Theo chia sẻ của ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông VIMC, tổng doanh thu của các doanh nghiệp khối vận tải biển toàn Tổng Công ty trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 1.300 tỉ đồng, trong khi chi phí bỏ ra đã lên tới 1.600 tỉ đồng.
Cũng theo ông Hải, đội tàu của VIMC gồm 70 chiếc, hoạt động cả nội địa và quốc tế, nhiều tàu chạy hàng khu vực xa như châu Mỹ, châu Phi... nhưng 3 tháng qua không có đơn hàng chạy về hay hai chiều, mà chủ yếu dừng neo chờ. Đội tàu dầu bị các đối tác trả hoặc yêu cầu giảm cước.
Điều đáng nói là, tình hình u ám của đội tàu biển trong nước, trong đó VIMC chiếm đa số sẽ còn tồi tệ hơn trong quý II/2020, khi có hơn 250 chuyến bị hủy và số lượng tàu phải nằm chờ hàng tại tất cả các phân khúc có thể tăng lên gấp đôi so với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
VIMC lo ngại tình hình kinh doanh sẽ tồi tệ hơn vì nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường Mỹ và EU đang sụt giảm. Ngành đồ gỗ vốn đóng góp 10 tỉ USD cũng giảm đến 70% công suất. Ngành thủy sản cũng đang bị hủy và tạm dừng đến 40% đơn hàng do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều khả năng kế hoạch tái cơ cấu đội tàu của VIMC phải gác lại do khả năng thanh lý 15 tàu với tổng trọng tải 367.000 DWT là rất thấp, do nhu cầu vận tải biển đang xuống đáy.
(*) Tương đương 20 feet hay TEU. TEU là đơn vị đo sức chứa hàng hóa không chính xác, thường được sử dụng để mô tả khả năng chứa của một container.