Ảnh: QH

 
Minh Anh Thứ Ba | 09/06/2020 07:44

Chậm chuyến tàu “nhãn hàng riêng”, Thế Giới Di Động vẫn tiếp tục triển khai thêm nhiều phương án mới

Chậm chuyến tàu “nhãn hàng riêng” vì dịch COVID-19, Thế giới Di động tiếp tục triển khai thêm nhiều phương án mới.

Chia sẻ với cổ đông về ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Đức Tài cho biết một ảnh hưởng gián tiếp việc hạn chế giao thương đó là tốc độ đổi sản phẩm và dự án kinh doanh sản phẩm nhãn hiệu riêng bị chậm lại.

Dự án nhãn hàng riêng

Theo ông Tài, Thế Giới Di Động có kế hoạch làm việc với nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (EOM) để tự sản xuất nồi cơm điện, bàn ủi...mang thương hiệu của Điện Máy Xanh. Theo kế hoạch, Công ty cử một đội ngũ đến nhà máy bên Trung Quốc để lựa chọn chứ phía đối tác không thể gửi tất cả các mẫu cho Thế Giới Di Động.

“Phần lớn nồi cơm điện ở Việt Nam là Made in China, thậm chí là những thương hiệu quốc tế cũng Made in China. Nếu nhập hàng các nhãn riêng như AVA, Delight sẽ phải cộng thêm giá trị cho riêng nhãn tối thiểu 10-15%", Chủ tịch Thế Giới Di Động chia sẻ.

Chủ tịch Thế Giới Di Động cũng cho biết việc trực tiếp lựa chọn được cho là hay nhất vì hiểu được thành phần và mẫu mã. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến đội ngũ đó không thể sang được Trung Quốc để đặt hàng.

Ảnh: Bloomberg
Thế Giới Di Động có kế hoạch làm việc với nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (EOM) để tự sản xuất nồi cơm điện, bàn ủi. Ảnh: Bloomberg

"Cơ hội của mình bị trì hoãn chứ không phải doanh thu bị cắt ngay tức thì. Nếu dịch bệnh không xảy ra thì lẽ ra chuyện đó đã xảy ra rồi”, ông Tài chia sẻ.

Công ty đặt mục tiêu nhân viên sẽ phải thực hiện lại các công việc tương tự của một nhân viên công ty tín dụng, trả góp. Hiện thị trường Việt Nam có 4-5 công ty tín dụng tiêu dùng đang hoạt động tại các hệ thống của Thế Giới Di Động.

“Số lượng nhân viên của các đơn vị này hầu như không đủ phục vụ 2.000 cửa hàng của chúng tôi nên thành ra có nơi thiếu, có nơi đủ và ảnh hưởng đến việc bán hàng rất nhiều”, thành viên Hội đồng Quản trị Đoàn Văn Hiểu Em, chia sẻ tại Đại hội cổ đông.

Theo ông Hiểu Em, Công ty đã có sự chuẩn bị từ năm trước và chính thức triển khai trong năm nay. Tất cả các công việc của một nhân viên công ty tài chính làm như thế nào thì sẽ được chuyển giao cho nhân viên Thế Giới Di Động làm tương tự, mục tiêu đảm bảo 100% khách hàng có nhu cầu trả góp sẽ được đáp ứng.

Ảnh: MWG
Nguyễn Đức Tài chia sẻ: "Thường thường anh hay nhận hàng Bách Hóa Xanh vào thứ 7 thì app sẽ biết thứ 7 anh sẽ có ở nhà và đặt lịch bảo trì máy lạnh cho anh vào ngày đó". Ảnh: MWG

“Thông qua việc này thì chúng tôi cũng có những kết nối rất đặc biệt với các công ty tài chính để làm sao họ có những ưu đãi, hỗ trợ tốt hơn dành cho khách hàng và cho Thế Giới Di Động. Chỉ sau vài tháng chuyển giao, khoảng 10.000 nhân viên tài chính đã rút ra và nguồn nhân lực Thế Giới Di Động phải kiêm toàn bộ công việc đó. Đây là hạng mục công việc lớn nhưng cũng mang nhiều giá trị”, ông Hiểu Em nói thêm.

Super app và 4KFarm

Với yêu cầu chia sẻ thêm thông tin về dự án super app (siêu ứng dụng), ông Nguyễn Đức Tài cho biết quý IV năm nay sẽ có phiên bản đầu tiên chạy thử nghiệm. Siêu ứng dụng gồm 4 cấu phần với cấu phần đầu tiên được chạy liên quan tới khách hàng trung thành. Trong tương lai, thông qua ứng dụng này, khách hàng sẽ kết nối với Thế Giới Di Động và biết được mọi thông tin mua bán, bảo hành, đặt lịch.

Nguyễn Đức Tài chia sẻ thêm: "Thường thường anh hay nhận hàng Bách Hóa Xanh vào thứ 7 thì app sẽ biết thứ 7 anh sẽ có ở nhà và đặt lịch bảo trì máy lạnh cho anh vào ngày đó".

Tuy nhiên, cũng theo ông Tài, Thế Giới Di Động chưa gấp gáp trong việc thực hiện siêu ứng dụng này mà hiện tại tập trung lớn nhất vào hệ thống Bách Hóa Xanh do nhận định mô hình bán hành trực tuyến (online) nhảy xuống bán hàng tại quầy (offline) và offline chạy lên online phải diễn ra trong 5 năm tới chứ không phải hiện tại.

Ảnh:
Ảnh: Thế Giới Di Động

Với Bách Hóa Xanh online, Công ty chú trọng xây dựng các kho, trung tâm phân phối (DC) để giảm thiểu thời gian giao sản phẩm cho khách hàng. Thế Giới Di Động dự kiến riêng khu vực TP.HCM sẽ có khoảng 9-10 trung tâm phân phối vào cuối năm nay. Mục tiêu của dự án này là giảm thời gian giao hàng xuống đến mức mà khách hàng cảm thấy mua ở Bách Hóa Xanh online còn nhanh hơn ra siêu thị mua.

Theo đó Bách Hóa Xanh đã triển khai mô hình độc quyền trồng rau sạch (dự án Nông nghiệp công nghệ cao 4.0) với tên gọi Vườn rau 4K (4KFarm). Mô hình này theo tiêu chuẩn 4 không: không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản, không giống biến đổi gene.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Đức Tài đây là một ước mơ ngay từ khi xây dựng Bách Hóa Xanh, khi đủ lớn thì sẽ quay lại tác động lên người nông dân để cho họ trồng theo những quy trình an toàn cho người sử dụng.

Nông dân được bao tiêu đầu ra và 4KFarm chỉ thu mua từ các nông dân hợp tác, không thu mua từ bên thứ 3. Nông dân có sẵn đất và 4KFarm sẽ tạm ứng trước chi phí cho các hộ nông dân để trồng rau theo nhu cầu thị trường. Công ty tập trung nghiên cứu công nghệ và chuyển giao cho nông dân để phát triển cây trồng tốt nhất.

Hiện Công ty mới có vườn tại khu vực Châu Pha, Vũng Tàu, vùng đất này đã xét nghiệm đất và nước. Với diện tích 1.000 m3, Công ty có thể sản xuất được khoảng 3,5 tấn rau, ngoài ra với công nghệ vườn ươm trước có thể cho nhiều vụ hơn, nên tổng sản lượng có thể cao hơn trong tương lai.

Theo ông Tài, trong vòng 9 tháng tới, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu triển khai 60 nhà màng (60.000 m2) trồng rau. Quy mô này có thể đáp ứng 20% nhu cầu rau của Bách Hóa Xanh trong khu vực TP.HCM trong giai đoạn đầu và nhiều chục ngàn nhà màng ở giai đoạn sau.