CEO VNG xin công ty gia hạn khoản nợ 250 tỷ đồng
Báo cáo tài chính hợp nhất vừa được Công ty cổ phần VNG (Vinagame) công bố cho thấy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lê Hồng Minh vẫn đang nợ công ty số tiền hơn 250 tỷ đồng. Theo hợp đồng ban đầu, đây là khoản vay không có tài sản thế chấp từ tháng 9/2012 và đáo hạn vào tháng 4/2017.
Tuy nhiên, cuối năm 2016, ông Minh đề nghị gia hạn thời gian trả nợ thêm nửa năm và phía công ty cũng chấp thuận. Khoản vay được phân loại lại từ phải thu về cho vay dài hạn sang phải thu về cho vay ngắn hạn.
Với lãi suất 4,2% một năm, ước tính mỗi năm ông Minh phải trả cho công ty 10,5 tỷ đồng tiền lãi. Tại thời điểm đầu năm 2016, tiền lãi của khoản vay này hơn 20 tỷ đồng và đến cuối năm thì giảm xuống còn 19,6 tỷ. Điều này đồng nghĩa với việc người sáng lập VNG chỉ thanh toán lãi phát sinh mới và tiếp tục nợ tiền lãi hai kỳ trước đó.
Ông Lê Hồng Minh (sinh năm 1977 tại Hà Nội) đang nắm giữ 17,07% cổ phần VNG, theo thông tin trong báo cáo thường niên của công ty gửi đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Nửa đầu năm nay, VNG ghi nhận 2.102 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 89% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ trò chơi trực tuyến đóng góp xấp xỉ 1.445 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ mảng quảng cáo trực tuyến, dịch vụ tiếp thị, nhạc chờ… nhưng không đáng kể. Lợi nhuận sau thuế tăng lên mức 582 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
VNG đang đầu tư vào 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (Công ty cổ phần Tiki, nắm giữ 38% quyền sở hữu và biểu quyết), phát triển phần mềm, thẻ trò chơi và thẻ điện thoại trả trước. Phần lỗ trong công ty liên kết trong kỳ báo cáo này là 45 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm ngoái.
Tổng tài sản của công ty vào khoảng 3.788 tỷ đồng. Nguồn tiền của VNG tương đối dồi dào khi công ty đang gửi ngân hàng gần 1.500 tỷ. Phần lớn trong số này có kỳ hạn từ 3 tháng đến một năm.
Năm nay, công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 3.960 tỷ và 908 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế đến cuối năm trước lên đến 3.683 tỷ đồng, tuy nhiên công ty đã thông qua nghị quyết không chia cổ tức cho cổ đông do nhu cầu tái đầu tư vào sản phẩm chiến lược.
Sau 13 năm thành lập, từ nhà phát hành game tại Việt Nam, đến nay VNG đã mở rộng nhiều ngành nghề kinh doanh mới như sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, sản xuất thiết bị truyền thông, đồ điện dân dụng; phân phối, bán lẻ vi tính, thiết bị ngoại vi, truyền thông, phần mềm tại các cửa hàng chuyên doanh… Vốn điều lệ của công ty đang có khoảng 331 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư nước ngoài sở hữu gần 45%. Ngoài ra, khoảng 20% vốn do chính doanh nghiệp nắm giữ dưới dạng cổ phiếu quỹ.
Nguồn VnExpress