Đội ngũ sáng lập Telio (Từ trái sang: ông Nguyễn Vinh Quang, bà Phạm Thị Phong, bà Phạm Mỹ Linh, ông Bùi Sỹ Phong, ông Nguyễn Nhật Huy).

 
Hoàng Kim Thứ Năm | 10/03/2022 11:00

CEO Telio tăng cường tìm nhân tài, mở rộng tầm ảnh hưởng

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc của Telio vẫn không ngừng tìm kiếm nhân tài mới để tăng thêm sự ảnh hưởng của Telio.

Kể từ khi vòng gọi vốn gần nhất kết thúc với sự góp mặt của tập đoàn VNG và các quỹ đầu tư nước ngoài như GGV Capital và Tiger Global, ông Bùi Sỹ Phong, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc của Telio vẫn không ngừng tìm kiếm nhân tài mới để tăng thêm sự ảnh hưởng của Telio.

Tham vọng của người đứng đầu Telio là phát triển cả chiều dọc và chiều ngang. Về chiều dọc, công ty tăng cường các ngành hàng mới, nhiều người quan tâm để từng bước biến Telio trở thành điểm mua sắm “one-stop-shop” dành cho các cửa hàng bán lẻ. Về chiều ngang, công ty đang nhân rộng tầm ảnh hưởng của mình không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn hướng tới giao dịch xuyên biên giới.
 
Kế hoạch sắp tới của Telio không khó để hình dung nhưng để vận hành trôi chảy đòi hỏi công ty cần những nhân sự nòng cốt cho hành trình của mình.

Chính vì thế, ông Phong không ngừng củng cố thêm nhân tài để tăng sức mạnh cho công ty dù đang nắm trong tay những quân bài chủ lực.

Bà Phạm Mỹ Linh – Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc Chiến lược
Bà Phạm Mỹ Linh – Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc Chiến lược

Bắt đầu với sứ mệnh kết nối các đại lý bán lẻ với các hãng sản xuất sử dụng công nghệ và dữ liệu lớn, ông Bùi Sỹ Phong cùng các cộng sự đã thành lập Telio vào cuối năm 2018. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Thông tin tại Pháp, mặc dù cơ hội rộng mở, nhưng ông Phong đã chọn con đường trở về Việt Nam khởi nghiệp cùng với các thành viên đồng sáng lập khác như ông Nguyễn Nhật Huy, Giám đốc Vận hành và bà Phạm Mỹ Linh, Giám đốc Chiến lược.

Ông Huy đã có nhiều năm kinh nghiệm quản lý tại các tập đoàn lớn như FPT và hiện đang phụ trách hoạt động vận hành cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng tại Telio. Bà Linh là người đảm nhiệm vai trò chủ chốt trong việc xây dựng hệ thống quản trị dựa trên dữ liệu, tạo nền tảng vững chắc cho mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu lớn và quản trị theo thời gian thực của Telio. Năm 2022, với những đóng góp của mình trong lĩnh vực Khởi nghiệp Công nghệ, bà Linh đã được vinh danh trong danh sách Forbes under 30 của Việt Nam.
 

Đội ngũ điều hành ngành hàng Tiêu dùng nhanh (FMCG) (Từ trái sang: ông Arjun Karkera, ông Bùi Sỹ Phong, ông Nguyễn Nhật Huy, bà Phạm Mỹ Linh)

Đội ngũ điều hành ngành hàng Tiêu dùng nhanh (FMCG)

(Từ trái sang: ông Arjun Karkera, ông Bùi Sỹ Phong, ông Nguyễn Nhật Huy, bà Phạm Mỹ Linh)

Chưa dùng lại ở đó, trong chuỗi cung ứng, chiến lược phân phối đóng vai trò quan trọng để tối ưu hóa thời gian và chi phí vận hành. Ở Telio, toàn bộ hoạt động vận hành logistics do ông Nguyễn Việt Chung, Giám đốc Vận hành toàn quốc (khối Logistics) phụ trách. Trước khi gia nhập Telio, ông Chung đã có hơn 10 năm kinh nghiệm điều hành và quản lý vận hành tại Mega Market Việt Nam.

Tương tự như vậy, một trong những bộ phận cốt yếu tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp là Bộ phận Mua sắm, cũng đang được dẫn dắt bởi nhân sự cao cấp là ông Nguyễn Đắc Hương. Ông Hương từng là quản lý cấp cao tại các tập đoàn lớn như Japan Tobacco International hay Mega Market trước khi về Telio.

Ông Phạm Việt Chung – Giám đốc Vận hành Toàn quốc (Khối Logistics)
Ông Phạm Việt Chung – Giám đốc Vận hành Toàn quốc (Khối Logistics)

Ngoài ra, Telio cũng không ngừng bổ sung vào đội ngũ tài năng của mình các nhân tố mới đến từ các điểm nóng công nghệ như Mỹ hay Ấn Độ. Đây là điều mà rất hiếm doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể đeo đuổi. Đầu tiên là ông Mukesh Singh, Giám đốc Công nghệ. Ông Mukesh là nhân sự điều hành kỳ cựu trong lĩnh vực công nghệ, với kinh nghiệm về Thương mại điện tử, Fintech, B2B và B2C SaaS. Trước đó, ông đã từng là Giám đốc công nghệ tại Amazon Nam Á và từng là Giám đốc Công nghệ tại Lendingkart –doanh nghiệp hàng đầu Ấn Độ chuyên hỗ trợ vốn lưu động cho các cửa hàng nhỏ lẻ. Tiếp đó, ông Arjun Karkera, Giám đốc ngành hàng FMCG, cũng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm ở các vị trí quản lý tại các công ty khởi nghiệp về Thương mại điện tử như Flipkart, Lazada hay Alibaba.

Sau gần 4 năm thành lập, Telio miệt mài kết nối, hỗ trợ các cửa hàng nhỏ lẻ và các nhà sản xuất. Theo ông Phong, một trong những điểm khó khăn của các cửa hàng bán lẻ chính là việc họ có quá nhiều đầu mối nhập hàng, mỗi mặt hàng nhập từ một đầu mối, bất tiện và mất nhiều thời gian.

Telio cung cấp cho họ một nền tảng nhập hàng tập trung với đầy đủ các loại mặt hàng trên hệ thống, giá cả công khai, dễ dàng so sánh để đi đến quyết định đặt hàng. Chỉ cần thông qua ứng dụng Telio, các cửa hàng bán lẻ có thể đặt được hàng trăm mặt hàng từ các nhà sản xuất khác nhau.

Hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ, nên ưu điểm của Telio là khả năng giao tiếp với các đại lý bán lẻ dễ dàng, thông tin xuyên suốt. Nhờ đó, các chương trình khuyến mãi hay các sản phẩm mới đều được thông tin đến hệ thống đại lý rất nhanh chóng và chính xác.
 
Đặc biệt, ngoài ứng dụng và gian hàng trên Zalo, Telio còn có ứng dụng Teliobooks để giúp cửa hàng quản lý công nợ và doanh thu. Không chỉ phân phối trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, Telio cũng mở rộng sang ngành y tế và đời sống, cũng như phát triển từ một nền tảng B2B sang B2B2C.
 
Trong năm 2022, Telio sẽ tiếp tục tối ưu hóa hệ thống với thế mạnh là chìa khóa công nghệ, đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống đến 45 tỉnh thành của Việt Nam, với 150.000 đại lý vào cuối năm. Với quy mô hiện tại, Telio đã ở vị trí hàng đầu trên thị trường B2B tại Việt Nam.
 
Nhưng kể cả khi đạt được mục tiêu này, con đường Telio vẫn còn thênh thang phía trước. Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 17 tỉ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Chính vì thế, Telio hiểu rõ để giữ vững vị thế dẫn đầu, phải đáp ứng được nhu cầu đa dạng của tập khách hàng này không chỉ về nguồn hàng, đơn vị vận chuyển mà cả dòng vốn lưu động, v.v. Do đó công công ty không ngừng bổ sung các nhân tài, dù khác quốc gia, nền văn hoá nhưng miễn sao có thể cung cấp các giá trị cho các đối tác. “Những nhân tố mới sẽ tiếp tục được bổ sung vì Telio vẫn đang không ngừng mở rộng.”, ông Phong nói.