CEO Mỹ: Thủy sản Việt Nam vẫn tụt hậu sau Trung Quốc
Gần đây, nhiều công ty thủy sản lớn của thế giới đã tăng cường hợp tác với Việt Nam và bỏ qua Trung Quốc. Điển hình là công ty A. Espersen của Đan Mạch đã chuyển dây chuyền sản xuất ở Châu Á từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, công ty xử lý cá pollock lớn nhất của Nga là Russian Fishery cũng đã chấp nhận cho Thủy sản Hùng Vương mua lại 51% cổ phần.
Lý do mà cả 2 công ty này đưa ra để chọn lựa Việt Nam là do ngành chế biến ở Trung Quốc đang trải qua giai đoạn nhiều thử thách, đặc biệt là đối với phân khúc cá thịt trắng (whitefish).
Mặc dù vậy, theo ông Keith Decker, CEO của một trong những công ty chế biến thủy hải sản lớn nhất nước Mỹ là High Liner Foods, thì Việt Nam vẫn còn khá lâu mới bắt kịp Trung Quốc. Ông Decker bình luận: "Việt Nam vẫn đang còn tụt sau Trung Quốc 5 năm. Giá nhân công ở Việt Nam đúng là rẻ hơn, nhưng mọi khoản chi phí còn lại đều đắt hơn, vì Việt Nam chưa có đủ cơ sở hạ tầng".
Ông Decker cho biết, Trung Quốc có rất nhiều tổ hợp cảng, kho lạnh và đường cao tốc để phục vụ cho ngành chế biến thủy sản tại 2 trung tâm chính là Đại Liên và Thanh Đảo. Điều này khiến cho giá thành lưu kho và vận tải tại nước này thấp hơn đáng kể so với Việt Nam.
Ngoài ra, các nhà chế biến thủy sản Trung Quốc cũng được hỗ trợ tốt hơn về mặt tài chính: "Các doanh nghiệp có nguồn vốn và hợp đồng xuất khẩu sang Âu Mỹ vẫn có thể tiếp cận nguồn tín dụng. Các ngân hàng sẵn sàng cấp vốn cho những doanh nghiệp có khách hàng chất lượng cao", ông Decker cho biết.
Trước mắt thì ngành thủy sản Trung Quốc vẫn còn nhiều thế mạnh đáng kể: "Họ có cơ sở hạ tầng tốt, nhà máy tốt, và lao động không phải là vấn đề lớn vì lương không tăng nhiều và họ có thể tìm được nguồn nhân công mới". Ngoài ra, việc đồng NDT rớt giá cùng với giá xăng dầu cũng giúp ích đáng kể cho doanh nghiệp thủy sản Trung Quốc.
Dù vậy, ông Decker cũng cho rằng ngành thủy sản Trung Quốc đang trải qua nhiều xáo trộn, và ngay cả một số doanh nghiệp lớn cũng đã ngã ngựa. Theo đó, "quy mô sản xuất của Trung Quốc sẽ giảm xuống, và các công ty nhỏ hơn, ít vốn hơn sẽ dần biến mất".
Tuấn Minh
Nguồn Undercurrent News