Thứ Hai | 11/02/2013 21:16

CEO Kinh Đô: Công ty sẽ khai thác thêm những ngành hàng mới trong năm 2013

Năm 2013, Kinh Đô đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng. Công ty kỳ vọng chạm mốc doanh thu 1 tỷ USD trong vài năm tới.
Đầu xuân Quý Ty, ông Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh Đô ( KDC) đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo Đầu tư chứng khoán liên quan bước ngoặt lớn của công ty khi quyết tâm tái cấu trúc bằng việc thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành, tập trung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi - ngành thực phẩm.

Năm 2012 là một năm xảy ra nhiều biến cố và áp lực với giới doanh nhân Việt Nam. Tuy nhiên, Kinh Đô vẫn vững vàng vượt qua bão táp. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm thành công của Công ty?

Kinh Đô hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh đề ra, nhưng tôi phải thừa nhận, năm 2012 là một năm có rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều thử thách, tôi cho rằng, vấn đề quản trị rất quan trọng. Doanh nghiệp phải tập trung khai thác tốt nền tảng kinh doanh cốt lõi và có chiến lược quản trị tốt. Ngoài ra, phải xây dựng hệ thống vận hành tốt để không chỉ phát triển ổn định, mà sẵn sàng tăng tốc, nắm bắt cơ hội ngay cả trong giai đoạn khó khăn.
Thưa ông, có cảm giác năm nay, Kinh Đô đã khởi động kế hoạch sản xuất - kinh doanh 2013 khá sớm. Dự cảm của ông về môi trường kinh doanh năm nay như thế nào?

Mặc dù có khá nhiều ý kiến bi quan về triển vọng môi trường kinh doanh năm 2013, nhưng theo cá nhân tôi, với các doanh nghiệp, tình hình sẽ ổn thỏa hơn năm ngoái. Cụ thể, lạm phát được kiểm soát, lãi suất sẽ tiếp tục hạ, nợ xấu khối ngân hàng sẽ có hướng giải quyết cụ thể, thị trường chứng khoán (TTCK) phục hồi. Nhưng điều này không có nghĩa là cơ hội chia đều cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản hay tài chính vẫn còn gặp nhiều thách thức, nhưng các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng thiết yếu như sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, y tế… vẫn có nhiều dư địa phát triển khi lãi suất cho vay trở về mức hợp lý. Năm 2013, Kinh Đô đã nhìn thấy một số cơ hội để tăng tốc.
Có thể nói, năm qua, Kinh Đô đã thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ về chiến lược phát triển của Công ty sau bước ngoặt lớn này?
Kinh Đô đã hoàn tất việc thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành từ quý II/2012. Năm qua, trong khó khăn, chúng tôi vẫn tích cực tìm kiếm và khai thác cơ hội từ thị trường và tập trung xây dựng hệ thống vận hành, một mặt đảm bảo hiệu quả hoạt động của Tập đoàn và quan trọng hơn để sẵn sàng tăng tốc và khai thác thêm những ngành hàng mới trong năm 2013.

Năm nay, Kinh Đô sẽ tập trung mọi nguồn lực, phát triển dựa trên các giá trị cốt lõi. Chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội mới và học hỏi kinh nghiệm từ các công ty đã thành công nhất trên thế giới, có những bước chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội mới, nếu thời cơ đến khi kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh.

Quay về giá trị cốt lõi được khá nhiều doanh nghiệp đề cập đến trong thời gian gần đây. Với Kinh Đô, khái niệm này nên hiểu như thế nào?

Về định hướng, Tập đoàn Kinh Đô vẫn sẽ luôn tập trung phát triển ngành hàng kinh doanh chủ lực là thực phẩm. Sau thời gian dài chuẩn bị, năm 2013, dự kiến, Kinh Đô sẽ mở rộng danh mục ngành hàng và tung ra thị trường những sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, hướng vào phân khúc thị trường trung, cao cấp. Đa dạng sản phẩm trong ngành hàng thực phẩm chính là chúng tôi đang hướng tới sự chuyên nghiệp trong việc phục vụ nhu cầu thị trường. Ngoài ra, đó cũng là cách mà Kinh Đô khai thác tối đa tính hiệu quả của hệ thống phân phối mà hiện nay chúng tôi đã xây dựng rất tốt.

Bên cạnh đó, Kinh Đô sẽ tận dụng cơ hội, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh thông qua hoạt động mua bán sáp nhập. Có thể ví von, Kinh Đô như một cỗ xe vừa được gia cố các bộ phận để tăng tốc mạnh mẽ ở một cuộc đua đường trường.

Kinh Đô có thể xem là đơn vị trong nước tiên phong thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Được biết, về định hướng phát triển trong tương lai, Kinh Đô vẫn sử dụng hoạt động này như đòn bẩy tăng trưởng và mở rộng doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm?

Tôi cho rằng, trải nghiệm đáng giá nhất trong thực tiễn hoạt động M&A là cần phải nắm cổ phần chi phối đủ để đưa ra quyết định cho chiến lược hoạt động phát triển của doanh nghiệp được mua. Trong thương vụ Kinh Đô mua lại Kem Wall từ Unilever hay nắm trên 50% vốn tại Vinabico, chúng tôi đều tái cơ cấu hay lái hoạt động của công ty (thương hiệu sản phẩm) được mua theo ý mình, thoát khỏi vị thế một nhà đầu tư tài chính.

Với sự củng cố lại nội lực mạnh mẽ như vừa qua và đang nỗ lực phát triển mở rộng, ông có thể phác thảo hình ảnh của Kinh Đô trong vài năm tới?

Về định hướng, Kinh Đô muốn hướng tới ngôi vị số 1 trong ngành thực phẩm tại Việt Nam và trở thành công ty thực phẩm hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi mong muốn người tiêu dùng không chỉ biết Kinh Đô qua các sản phẩm bánh kẹo, kem, sữa và sản phẩm từ sữa, mà còn có các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Năm 2013, Kinh Đô đặt kế hoạch doanh thu 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng. Công ty kỳ vọng chạm vào cột mốc doanh thu 1 tỷ USD trong vài năm tới.

Doanh nhân thì có tuổi, còn doanh nghiệp thì không. Có khi nào ông cảm thấy cần nghỉ ngơi?

Tôi luôn đặt mục tiêu hướng về phía trước và chưa nghĩ đến việc rút lui. Mục tiêu trong kinh doanh là tạo ra của cải vật chất, nhưng với tôi, đó còn là niềm đam mê và kinh doanh đem lại cho tôi sự tự do, thoải mái về mặt tinh thần.

Bên cạnh đó, đứng trên cương vị Tổng giám đốc Tập đoàn, tôi mong Kinh Đô phát triển bền vững và thương hiệu Kinh Đô trường tồn bởi sự phát triển của Kinh Đô gắn liền với sự phát triển của hơn 8.000 cán bộ - công nhân viên, các cổ đông và đối tác đã luôn đồng hành và gắn bó với chúng tôi.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện