CEO Digital Advalue nhận cup Doanh Nhân ASEAN Tiêu Biểu Năm 2018
Trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội doanh nhân Việt Nam – Malaysia” diễn ra từ ngày 26.9 – 29.9.2018 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, bà Hoàng Thảo Hương, Tổng Giám Đốc Công Ty CP Đầu Tư Digital Advalue được bình chọn và trao tặng cup “Doanh Nhân Tiêu Biểu ASEAN năm 2018”
Chương trình “Ngày hội Doanh nhân Việt Nam – Malaysia” được tổ chức sang trọng và hoành tráng tại một khách sạn 5 sao ở thủ đô Kuala Lumpur vào ngày 27.9.2018 với sự tham dự của gần 200 doanh nhân của 2 nước và đặc biệt có sự tham gia của tham tán thương mại Việt Nam tại Malaysia, đại diện các Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia…
Chương trình “Ngày hội Doanh nhân Việt Nam – Malaysia” nhằm tạo cầu nối giao lưu, xúc tiến thương mại, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nằm trong khuôn khổ chương trình, BTC đã tổ chức lễ vinh danh Top 25 doanh nhân Asean tiêu biểu 2018. Giải thưởng nhằm cổ vũ và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các đơn vị, cá nhân xuất sắc đã có nhiều đóng góp vào sự thịnh vượng chung trong khối Asean.
Bà Hoàng Thảo Hương đã có những chia sẻ về con đường để tạo nên thành công của Digital Advalue.
Khó khăn, thách thức là cơ hội để thành công
Hương gặp tôi trong buổi chiều Sài Gòn mưa phùn lây phây, chị nói Sài Gòn mùa này bất ngờ và thú vị như nghề quản trị truyền thông của chị. Nếu chỉ gặp người phụ nữ nhỏ bé này ở một cuộc hội thảo, hay buổi cà phê trà dư tửu hậu, sẽ không nghĩ chị đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị truyền thông và xử lý khủng hoảng cho các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Rất bất ngờ khi chị nhận mình là kẻ tay ngang trót phải lòng nghề viết và những cơ hội, thách thức mà truyền thông mang tới cho doanh nghiệp. Được đào tạo chuyên nghiệp về tài chính đầu tư tại Mỹ (University of Hawaii) nhưng lại rẽ ngang sang làm truyền thông, đã gắn bó tới hơn 10 năm và sẽ còn lâu hơn nữa, chị coi đó là cơ duyên nghề nghiệp.
Giải thưởng nhằm cổ vũ và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các đơn vị, cá nhân xuất sắc đã có nhiều đóng góp vào sự thịnh vượng chung trong khối Asean. |
Năm 2006, khi mới trở về Việt Nam và là chuyên viên phân tích tài chính của quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì chị đã mơ có ngày trở thành chuyên viên PR xử lý khủng hoảng. Chị cũng không ngờ, hơn chục năm sau, qua bàn tay chị và cộng sự đã rất nhiều thương hiệu và doanh nghiệp trong ngành bất động sản, tài chính, dược, vật liệu xây dựng, tiêu dùng nhanh, auto mobile, v.v… đã thành công xây dựng uy tín và thương hiệu. Đồng thời chị và cộng sự đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước phòng ngừa và xử lý khủng hoảng truyền thông hiệu quả, triệt để.
Chị chia sẻ nhìn lại hơn 10 năm của chị và cộng sự quả thật không phải là con đường trải hoa hồng, nhưng thật sự thú vị, bất ngờ và đầy màu sắc. Chọn quản trị và xử lý khủng hoảng truyền thông trong thời kỳ công nghệ số là mũi nhọn để phát triển là quyết định táo bạo và chứa đựng nhiều rủi ro.
Truyền thông là một ngành chịu áp lực công việc rất lớn. Công việc căng thẳng quay cuồng khiến nhiều lúc kiệt sức muốn từ bỏ. Thì phòng ngừa và xử lý khủng hoảng để hạn chế tổn thất tối đa cho khách hàng còn căng thẳng, đòi hỏi khéo léo, tế nhị, và sự hiểu biết sâu sắc với môi trường truyền thông hơn nhiều lần.
“10 năm trước khách hàng và đơn vị tư vấn thường có được chí ít là 1 ngày để giải quyết vấn đề truyền thông trước khi khủng hoảng có thể xảy ra. Thì với thời đại ngày nay, chúng tôi gần như không có thời gian, vì các thông tin gây tác động xấu, trái chiều sẽ nhanh chóng lan đi, được chia sẻ chỉ sau vài cái nhấp bàn phím. Và khi khủng hoảng xảy ra cùng tốc độ chia sẻ chóng mặt nó sẽ như một cơn bão lớn đánh thẳng vào doanh nghiệp và thương hiệu. Mà nếu doanh nghiệp chỉ loay hoay chống đỡ bằng chiến thuật, thì rất dễ mất phương hướng và bị tổn thất nặng nề”, chị Hương chia sẻ.
Quản trị truyền thông và xử lý khủng hoảng có nhiều nguyên tắc chung mà gần như ai hoạt động trong lĩnh vực truyền thông cũng đều nắm rõ. Nhưng đấy chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.
“Thật ra, mỗi trường hợp đều có lời giải rất khác nhau dù nhiều khi bản chất vấn đề gần như tương tự. Khi nhận được yêu cầu của khách hàng, chúng tôi luôn tìm hiểu ngọn nguồn của mọi vấn đề, các luồng thông tin từ phương tiện truyền thông chính thống tới truyền thông xã hội để nhận định vấn đề thấu đáo, sắc sảo, và có góc nhìn đa chiều nhất có thể. Với một số khách hàng thông tin từ phương tiện truyền thông chính thống sẽ có tác động lớn, với một số khách hàng khác thì từ facebook gây hiệu ứng mạnh, nhưng có những trường hợp tác động có thể đến từ các web forum hoặc hội nhóm online. Nên song song cùng chiến lược xử lý vấn đề, khủng hoảng thì chiến lược phòng ngừa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết,” Chị nói.
Quản trị truyền thông và xử lý khủng hoảng trong kỷ nguyên số là thách thức. Nhưng là thách thức thú vị. Chị tâm sự, tôi và cộng sự luôn cảm thấy hạnh phúc khi chọn thử thách này; chúng tôi cùng tâm đắc chia sẻ triết lý của những chuyên gia tư vấn hàng đầu “gần như không có câu trả lời KHÔNG cho mỗi câu hỏi dù hóc búa. Vấn đề gì cũng sẽ có giải pháp…và cứ gõ cửa sẽ mở.”
Ngẫm lại sau mỗi dự án, chúng tôi đều có những bài học và chiêm nghiệm đáng gía cho công việc và cuộc sống. Chúng tôi đã đồng hành “gõ cửa” hơn 10 năm rồi, chắc chắn sẽ tiếp tục đi trên con đường này trong nhiều năm nữa.