Chị Vũ Thị Mai, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ Hướng Mai

 
Thành Thái Thứ Năm | 03/01/2019 15:10

CEO Công ty Hướng Mai: Bản lĩnh của làng nghề Đồng Kỵ

Động lực đứng dậy sau khủng hoảng của doanh nghiệp đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai là gìn giữ truyền thống của một làng nghề nổi tiếng.

Doanh nghiệp của chị Vũ Thị Mai đứng dậy sau cơn khủng hoảng năm 2008, tạo động lực cho các  hộ kinh doanh khác trong làng cùng nhau  tái sản xuất, tiếp tục chung tay phát triển thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống của quê hương.

Cú “sảy chân” nhớ đời

Chị Vũ Thị Mai sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh. Năm 1990, chị Mai cùng chồng - là một nghệ nhân, đã xây dựng một xưởng sản xuất đồ gỗ nhỏ trong làng, với mong muốn tiếp nối nghề nghiệp của cha ông. Chị lấy tên công ty là Hướng Mai - tên của hai vợ chồng ghép lại. Nhờ chuyên tâm làm hàng kỹ, tinh xảo, nên theo thời gian, Hướng Mai đã được khách hàng gần xa biết đến.

Thế nhưng, làm kinh doanh vốn đã khó, với một doanh nhân sinh ra tại quê hương đồ gỗ truyền thống, làm sao phát triển mà vẫn giữ được nghề lại càng khó hơn. Chị Mai kể, không ít lần trong đời, chị rơi vào cảnh lao đao. “Có lần bị lừa mất trắng, bao nhiêu công sức đổ sông đổ bể, nhưng  vẫn phải tiếp tục làm nghề, vì không làm gỗ thì cũng không biết làm gì”.

Nhưng giai đoạn khó khăn nhất, là vào những năm 2006-2008. Bây giờ ngẫm lại, chị Mai coi đó là cú sảy chân để đời trong sự nghiệp của mình. Khi ấy, khách hàng Trung Quốc đổ về Đồng Kỵ đặt rất nhiều hàng mà không quá khắt khe về chất lượng. Cả làng đổ xô đi làm gia công cho Trung Quốc vì dễ và thu tiền nhanh. Để giữ nghề, giữ thợ, công ty Hướng Mai cũng phải đi theo con đường đó.

Thế rồi, một biến cố lớn đã xảy ra với làng Đồng Kỵ. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã làm mọi sản phẩm của Đồng Kỵ giảm mất 50% giá trị. Tiếp đó, các Hoa lái đồng loạt bỏ hàng. Cả làng Đồng Kỵ rơi vào hoảng loạn, Hướng Mai cũng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Chị Vũ Thị Mai thậm chí đã nghĩ đến việc đi tu, vì bất lực nhìn doanh nghiệp có khả năng phá sản, nghề Tổ có nguy cơ lụi tàn.

Đứng dậy, trở lại cốt lõi

Theo chị Vũ Thị Mai, đồ gỗ của Hướng Mai nói riêng và gỗ Đồng Kỵ nói chung vốn được khách hàng tin yêu vì mỗi sản phẩm là một “tác phẩm nghệ thuật” mang giá trị, tinh hoa và tâm hồn của những nghệ nhân lành nghề. Bởi vậy, khi rơi vào khủng hoảng, chị nhận ra rằng: Muốn tồn tại, không có cách nào khác là phải quay trở lại với giá trị cốt lõi của mình, đó là làm sản phẩm tinh, làm kỹ. Chị bàn với chồng: “Mình phải quyết tâm đứng lên gây dựng lại cơ nghiệp của tổ tiên, phải xây dựng thương hiệu riêng cho gỗ Hướng Mai - Đồng Kỵ. Khi sản phẩm của mình thực sự đẹp và tinh tế, khách hàng mới ở lại lâu với mình được”, chị Mai chia sẻ.

Nhưng, quay về tập trung làm các sản phẩm tinh xảo trong bối cảnh các nghệ nhân đã quen làm hàng đại trà là một thách thức rất lớn. Chị Vũ Thị Mai phải dồn hết vốn liếng mua nguyên vật liệu, cùng các nghệ nhân đào tạo và nâng cao tay nghề cho thợ. Chị nói: “Thay vì 1 tháng làm 3 bộ thì giờ 3 - 5 tháng, thậm chí 1 năm mới xong 1 bộ. Cả nhà thắt lưng buộc bụng, miễn là hàng sau khi xong phải đẹp, khách hàng nào cũng đều cảm thấy đó là một tài sản vô cùng giá trị”.

CEO Cong ty Huong Mai: Ban linh cua lang nghe Dong Ky
Hướng Mai Center trưng bày nhiều sản phẩm đồ gỗ truyền thống, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Dần dần, thợ của Hướng Mai ngày càng tỉ mỉ, trau chuốt, sản phẩm bắt đầu trở nên tinh tế và có hồn, đúng như tinh thần vốn có của gỗ Đồng Kỵ. Hiện, Hướng Mai đã có 2 trung tâm thương mại gần 20.000m2 chuyên trưng bày các sản phẩm truyền thống, 1 nhà máy 3.000m, 5 xưởng sản xuất; với hơn 200 cán bộ công nhân viên, và nhiều người trong số đó là nghệ nhân. Chị Mai cho rằng: “Nếu không sớm đứng dậy làm lại từ đầu, thì có khi doanh nghiệp vẫn còn trôi nổi và không có thành công như ngày hôm nay”.

CEO Cong ty Huong Mai: Ban linh cua lang nghe Dong Ky
Chị Vũ Thị Mai chia sẻ câu chuyện của mình trong chương trình CEO –CKTC phiên bản “Những câu chuyện thật” trên VTV1(Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoàng gia Media Group và Thời trang thực hiện)

Không chỉ trở thành doanh nghiệp có tiếng về đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, bà chủ của Hướng Mai còn mong muốn mở rộng danh tiếng làng nghề. Chị thường xuyên tổ chức và mời các nhà nghiên cứu văn hóa để tư vấn, giúp người thợ thổi hồn vào trong từng sản phẩm; đồng thời thành lập quỹ học bỗng, quỹ từ thiện và hướng tới các hoạt động tri ân Tổ nghề. 

Trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công 2019: Những câu chuyện thật, chị Vũ Thị Mai đã chia sẻ quá trình “sảy chân” và đứng dậy của mình. Chị cũng cho biết: Hướng Mai đang kết hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tour du lịch tham quan, mua sắm tại làng nghề Đồ gỗ Đồng Kỵ, nhằm quảng bá và đưa các sản phẩm của làng nghề tỏa khắp trong nước và nước ngoài.