Thứ Hai | 16/04/2012 09:29

CEO các quỹ ngoại dự báo về một năm tốt cho TTCK Việt Nam

Dù vậy, CEO của công ty chứng khoán Hồ Chí Minh khẳng định thời kỳ hoàng kim năm 2007 có thể không bao giờ trở lại.

Quý 1/2012, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tăng điểm mạnh thứ 3 trên thế giới, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày tăng gấp 3 đến 4 lần. Chủ yếu nhà đầu tư nội tham gia giao dịch trên thị trường thế nhưng nhà đầu tư ngoại cũng thể hiện sự quan tâm nhất định.

Quỹ Templeton Frontier Markets đã mua thêm tài sản tại Việt Nam,trở thành khoản đầu tư lớn thứ 5, chiếm8,4% tổng giá trị tài sản do quỹ nắm giữ. Nhiều nhà đầu tư vào thị trường sơ khai (frontier markets) khác đang làm theo như vậy hoặc ít nhất coi nó như một lựa chọn.

Ông Kevin Snowball, CEO của PXP Vietnam Asset Management, quỹ đầu tư có thâm niên cao thứ 2 tại Việt Nam và hiện đang quản lý một quỹ đóng niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán London, nói: “Đang có rất nhiều người tham gia vào thị trường. Chúng tôi có nhiều buổi gặp gỡ tại nước ngoài.”

Vậy đã có những thay đổi gì diễn ra tại Việt Nam và mọi chuyện liệu có tiếp diễn không?

Sau khoảng thời gian 5 năm thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong khó khăn (ngoại trừ năm 2009), việc thị trường tăng điểm mạnh trong năm nay có thể coi như hoàn toàn tự nhiên.

Giới quan sát địa phương khẳng định mọi chuyện thực chất còn hơn thế.

Ông Johan Kruimer, giám đốc điều hành công ty chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC), nhận xét: “Có nhiều thay đổi vào năm ngoái đang phát huy tác dụng. Quan trọng nhất phải kể đến sự thay đổi của chính sách tiền tệ.” Ông Kruimer chỉ ra: “Lần đầu tiên trong nhiều năm, tỷ giá tiền đồng đang ổn định.” Và theo ông, diễn biến mới có thể coi như bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Scriven, một nhà đầu tư kỳ cựu tại Việt Nam suốt từ trước khi Việt Nam có thị trường chứng khoán và đồng sáng lập ra Dragon Capital vào năm 1994, chia sẻ: “Chúng tôi kiếm được tiền nhờ tiền đồng lần đầu tiên trong 6 năm, thực sự quá ngạc nhiên.”

Ngoài thay đổi trong chính sách tiền tệ, phải kể đến nhiều biện pháp cải tổ trong lĩnh vực ngân hàng cũng như nhóm doanh nghiệp nhà nước, hiện đóng góp khoảng 60% GDP.

Tất cả các biện pháp cải tổ dường như đang đi đúng hướng.

Việt Nam có nhiều lợi thế chắc chắn chưa bao giờ mất đi: Việt Nam cạnh tranh rất tốt trong nhóm các loại hàng hóa mềm như gạo, cao su và hạt tiêu; dân số trẻ và có học vấn tốt; chương trình công nghiệp hóa đã hấp dẫn nhà đầu tư lớn như Intel mở nhà máy lớn nhất tại đây.

Ông Scriven nói: “Dường như mọi thứ đang chỉ báo đến một năm tốt” dù thị giá cổ phiếu hiện còn thấp hơn đến 70% so với đỉnh cao ấn tượng vào năm 2007.

Dù vậy nhà đầu tư nước ngoài nào cố gắng kiếm lời trong bối cảnh hiện tại cũng phải đối đầu một số vấn đề.

Dòng tiền nhàn rỗi từ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được rót vào 2 quỹ ETF đang hoạt động. Thế nhưng chính việc này khiến biến động thị trường trở nên mạnh hơn, chỉ số FTSE Vietnam của quỹ ETF do Deustche Bank quản lý giảm đến 52% trong năm 2011 khi chỉ số chung của thị trườngVn-Index(bao gồm các công ty mà nhà đầu tư nước ngoài không thể rót tiền vào) hạ 30%.

Ngoài ra, còn nhiều công ty mà các quỹ ETF không thể tiếp cận bởi room cho nhà đầu tư nước ngoài đã kịch, hiện ở mức 49%.

Vinamilk, công ty mà ông Snowball cho rằng tốt nhất Việt Nam và room cho nhà đầu tư nước ngoài đã kịch trần, không nằm trong danh mục của các quỹ FTSE Vietnam. Tuy nhiên, danh mục của PXP Vietnam Fund hiện có cổ phiếu Vinamilk.

Việc hạn chế room đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng ảnh hưởng đến nhiều nhà đầu tư trực tiếp mới. Ví dụ gần như không thể mua lượng cổ phiếu giá trị hơn 100 nghìn USD trong 1 ngày giao dịch.

Hơn thế nữa, nhiều nhà đầu tư cá nhân, có đến 90% có thể coi như “kẻ đánh bạc thuần túy”, không giúp làm bình ổn một thị trường chứng khoán vốn đã biến động quá mạnh, theo nhận định của ông Kruimer.

Năm 2012, quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí sẽ chính thức hoạt động tại Việt Nam. Dù vậy ông Kruimer không tin rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ rót mạnh tiền vào đây và room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được điều chỉnh nâng. Ông dự báo: “Nếu chính phủ Việt Nam duy trì được tăng trưởng kinh tế tốt trong 3 đến 5 năm tới, giá cổ phiếu sẽ hồi phục mạnh. Thế nhưng sẽ mất một khoảng thời gian dài giá cổ phiếu mới trở về mức của năm 2007. Cá nhân tôi tin rằng điều này sẽ không bao giờ trở lại.”

Nguồn CafeF/TTVN


Sự kiện