Central Group lấn sân văn phòng phẩm
Sau khi mua lại mảng bán lẻ từ Big C Việt Nam, thời trang từ Zalora Group, Central Group tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm kinh doanh ở Việt Nam khi giới thiệu thêm B2S, thương hiệu chuyên kinh doanh sách, văn phòng phẩm của Thái Lan. Nếu mọi chuyện như dự tính, B2S có thể đem về hàng chục triệu USD doanh thu cho Central Group trong thời gian tới.
Đầu tháng 7, Central Group đã khai trương cửa hàng B2S Việt Nam đầu tiên ở quận Thủ Đức. Cửa hàng này có tổng diện tích 900m2, gồm 4 tầng lầu, kinh doanh hơn 6.000 loại văn phòng phẩm khác nhau, từ bàn ghế văn phòng, kệ sách, các loại máy in, máy tính, máy đọc mã vạch, hộp mực cho đến những vật phẩm đơn giản như giấy in, giấy viết, bút (chì, bi), ghim, kẹp, giấy bóng kính, túi nhựa, cặp nhựa, băng dính, hồ dán, phong bì, túi bìa cứng, sổ cặp tài liệu... dùng cho văn phòng và học đường. Ngoài ra, B2S còn dành một phần diện tích ở tầng 4 để thiết kế mô hình không gian khởi nghiệp.
Lý do đặt ở quận Thủ Đức, theo bà Nguyễn Thị Thục Vy, Giám đốc B2S Việt Nam, đây là khu vực tiềm năng vì có 4 khu công nghiệp và hơn 9 trường đại học lớn. Thật ra, sức hấp dẫn của toàn thị trường Việt Nam mới là đích đến của thương vụ này. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu Technavio, nhu cầu văn phòng phẩm ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với CARG 10% trong giai đoạn 2015-2019. Mức tăng trưởng gấp đôi so với các quốc gia châu Á khác, vốn chỉ tăng trưởng từ 1-5% và là con số mơ ước của các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu với tỉ lệ tăng trưởng âm.
Tiềm lực của COL
Theo báo cáo thường niên năm 2016, B2S là chuỗi văn phòng phẩm gồm 99 cửa hàng trực thuộc COL, một công ty bán văn phòng phẩm và thiết bị văn phòng thông qua tổng đài điện thoại và catalog thành lập năm 1994 ở Thái Lan.
Đơn vị này hiện có 3 mảng kinh doanh chính là B2S, OfficeMate (cung cấp giải pháp kinh doanh cho doanh nghiệp, Cenergy innovation (cung cấp giải pháp phát triển thương mại điện tử). Mảng thương mại điện tử với website là Central và Robinson hợp tác với Central Group theo hình thức liên kết, trong đó COL giữ 51% cổ phần.
COL đang tìm cách tăng sự hiện diện ở Đông Nam Á, nỗ lực trở thành một công ty được biết đến bởi nhiều dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp hơn là chỉ cung cấp dụng cụ văn phòng phẩm. Việt Nam là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Công ty. COL cũng đang xem xét đầu tư vào Myamar và Lào thông qua hình thức liên doanh.
“Bạn có thể tìm thấy giỏ quà tặng, TV LED, máy quét mã vạch hoặc dịch vụ giao hàng cho khách ở COL. Chúng tôi có thể phục vụ tất cả nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Wrorawoot Ounjai, Giám đốc Điều hành Công ty, trả lời trên tờ The Bangkok Post. Trong kế hoạch mở rộng, COL sẽ chi 1,4 tỉ baht (hơn 40 triệu USD) để mở rộng chuỗi văn phòng phẩm và thương hiệu B2S trong và ngoài nước. Ở Việt Nam, dự kiến sẽ có 30-40 cửa hàng B2S được mở vì COL đánh giá nền kinh tế và cơ sở hạ tầng ở đây đang phát triển nhanh, là yếu tố thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Theo The Bangkok Post, dự kiến mảng B2S sẽ đóng góp 4,5 tỉ baht (hơn 130 triệu USD) doanh thu cho COL trong năm nay.
Đối tác và đối thủ
Ở Việt Nam, B2S sẽ kinh doanh đa kênh như cửa hàng hiện đại, trung tâm bán hàng qua điện thoại, đội ngũ trực tiếp và bán hàng trực tuyến qua website cùng tên. Theo phân loại của COL, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của B2S là chuỗi cửa hàng sách truyền thống. Ở Việt Nam là Fahasa, Phương Nam, Nguyễn Văn Cừ... Đối thủ gián tiếp được cho là các trang thương mại điện tử theo mô hình marketplace như Lazada, Shopee hay Tiki...
Theo đó, đối với cửa hàng truyền thống, B2S cạnh tranh bằng cách sẽ tổ chức các sự kiện đem lại trải nghiệm mới cho khách hàng. Ở Việt Nam, B2S chưa kinh doanh mảng sách, nhưng nếu có mở trong thời gian tới, B2S sẽ áp dụng các chiến dịch rất thành công ở Thái Lan là tổ chức các sự kiện thu hút người đọc như gặp gỡ tác giả, nghệ sĩ, hội thảo về sách hoặc các buổi hòa nhạc mini.
Về mặt hàng kinh doanh, B2S sẽ tập trung vào tính xu hướng và sự đa dạng của mặt hàng. Doanh số bán hàng của Công ty năm 2016 đã tăng 4,8% nhờ chiến lược thay đổi các mặt hàng cung cấp phù hợp với thị hiếu khách hàng. Nhiều khả năng B2S Việt Nam sẽ đẩy mạnh mảng bán lẻ trực tuyến vì trong năm 2016, doanh thu từ mảng trực tuyến ở Thái Lan chiếm đến 36%, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, mảng văn phòng phẩm chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tuyến bài bản ở Việt Nam.
Nhưng liệu sự có mặt của B2S có làm hàng Thái lấn át hàng Việt trong mảng văn phòng phẩm hay không? Trước mắt chưa thể nhận định được vì cho dù B2S Việt Nam có hoàn thành chỉ tiêu mở 40 cửa hàng trong vài năm tới cũng rất nhỏ so với con số 60.000 điểm bán hàng mà doanh nghiệp Thiên Long đang sở hữu tính đến cuối năm 2016. Thay vào đó, đây lại là cơ hội của Thiên Long gia tăng kênh hàng vì COL luôn tìm kiếm các nhà sản xuất trong và ngoài nước có chất lượng và giá thành tốt để cung cấp cho khách hàng của họ.
Mục tiêu mới lớn nhất của Thiên Long trong năm 2017 và các năm tiếp theo là sẽ mở rộng bản đồ xuất khẩu tại thị trường Đông Nam Á. Đây đang là thị trường chủ lực trong doanh thu xuất khẩu của Thiên Long. Ngay tại Thái Lan, thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất Đông Nam Á, sản phẩm của Thiên Long cũng đã hiện diện ở các chợ sỉ, nhà sách, cửa hàng.
Đông Sang