Central Group đang toan tính gì ở Việt Nam?
Big C Việt Nam đã chính thức về tay Central Group, một tập đoàn đa ngành (bán lẻ, bất động sản, cửa hàng chuyên doanh và nhà hàng - khách sạn...) thuộc gia đình tỉ phú người Thái Chirathivat. Thương vụ được phía Central Group và cả Nguyễn Kim cùng xác nhận là có giá trị 920 triệu euro, tức khoảng 1,05 tỉ USD.
Như vậy, Central Group và Nguyễn Kim đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký như TCC Group (Thái Lan), Lotte (Hàn Quốc), Masan, Saigon Co.op để giành chiến thắng trong thương vụ mua lại Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp). Tuy nhiên, thông tin chi tiết về tỉ lệ tham gia góp vốn của hai bên lại chưa được tiết lộ.
Central Group không phải là cái tên xa lạ. Tập đoàn này đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2011. Nhưng phải đến cuối năm 2014, khi Central Group mở 2 trung tâm thương mại thời trang Robins tại Hà Nội và TP.HCM, người ta mới bắt đầu chú ý đến tên tuổi này.
Đặc biệt, tháng 1.2015, Central Group nổi đình nổi đám với thương vụ thông qua Power Buy mua lại 49% cổ phần ở Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Điện máy Nguyễn Kim.
Tính toán của Central Group khi chi ra 100 triệu USD để mua cổ phần ở Điện máy Nguyễn Kim là muốn tận dụng thế mạnh của cả hai để phát triển mảng bán lẻ, với định hướng chiến lược trở thành nhà bán lẻ hàng điện tử gia dụng hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á. Đây cũng là mục tiêu của Nguyễn Kim khi đề ra kế hoạch phát triển mạng lưới lên hơn gấp đôi, tức khoảng 50 cửa hàng vào năm 2019 cũng như đẩy mạnh doanh thu trực tuyến.
Nguyễn Kim đang dẫn đầu về thị phần, với doanh thu trung bình khoảng 7.000-8.000 tỉ đồng/năm. Về phần mình, Central Group rất có kinh nghiệm trong điều hành nhiều hệ thống điện máy như Power Buy, Baan & Beyond, HomeWork và Thai Watsadu.
Trong lĩnh vực thời trang, ngoài thương hiệu Robins, Central Group còn kinh doanh thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc Central Group và nhượng quyền cho các đối tác Việt Nam.
Central Group cũng là doanh nghiệp đưa cửa hàng thời trang của Anh Marks & Spencer (M&S) vào Việt Nam. Chuỗi cửa hàng đồng giá Komonoya (Nhật) cũng do tập đoàn này điều hành và quản lý. Theo kế hoạch, đến năm 2020 Central Group sẽ mở hàng chục cửa hàng đồng giá Komonoya cũng như phát triển thêm 20 trung tâm M&S tại Việt Nam.
Đối với mảng khách sạn, Central Group cũng đã đầu tư và sở hữu một khách sạn là Centara Sandy Beach Resort ở Đà Nẵng. Đây là khách sạn theo chuẩn 4 sao. Cuối năm ngoái, Tập đoàn cũng khiến nhiều người bất ngờ khi mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi. Lan Chi là nhà phân phối hoạt động 21 năm ở miền Bắc trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và gia dụng.
Điểm khác biệt là các siêu thị của Lan Chi nằm chủ yếu ở nông thôn, một phân khúc chưa được nước ngoài chú ý, trong khi đây đang là lợi thế cho các doanh nghiệp nội địa. Bước đầu tư của Central Group vào Lan Chi cho thấy tập đoàn này đã nhìn thấy triển vọng lạc quan của thị trường nông thôn.
Central Group cũng được cho là doanh nghiệp đang thương thảo mua lại trang thương mại điện tử Zalora ở Việt Nam, một website chuyên về hàng thời trang có hoạt động khá mạnh với sự hậu thuẫn của Rocket Internet (Đức). Giá trị chuyển nhượng được đồn đoán vào khoảng 10 triệu USD.
Nếu đúng như vậy, Central Group đang có những động thái mới trong việc mở đường tấn công vào lĩnh vực thương mại điện tử, kết hợp giữa bán lẻ (offline) và bán trực tuyến (online), cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ đáng gờm như Alibaba Group (Trung Quốc) hay Lippo Group (Indonesia). Bởi lẽ, mỗi năm Zalora ghi nhận khoảng 1,4 triệu giao dịch từ 10 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong báo cáo tài chính mới nhất của Rocket Internet, doanh thu Zalora tăng 78% lên 234 triệu USD vào năm 2015.
Rõ ràng, chưa đầy 5 năm, Central Group đã thiết lập một vị thế khá mạnh tại Việt Nam với 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 1 khách sạn, 21 trung tâm bán lẻ điện máy, 1 kênh thương mại điện tử và 13 siêu thị.
Nhưng thương vụ mua lại Big C cuối tháng 4 vừa qua mới là chiến tích đáng nói nhất của Central Group trên con đường tiến công vào Việt Nam. Có được Big C, Central Group có trong tay hệ thống siêu thị với 43 cửa hàng, 30 khu trung tâm mua sắm trải dài từ Nam ra Bắc. “Tài sản” của Big C còn là bán lẻ trực tiếp cho 50 triệu lượt khách mua sắm mỗi năm, trong đó có 2,8 triệu khách hàng thành viên. Với lợi thế này từ Big C, Central Group cũng nhanh chóng có được vị thế chỉ đứng sau Saigon Co.op trong ngành bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, mở rộng đường cho tập đoàn này thâm nhập sâu hơn vào thị trường trên 90 triệu dân này.
Ý định tham gia mua Big C Việt Nam của Central Group còn nhằm giúp doanh số của Tập đoàn tăng gấp đôi so với hiện nay. Năm 2015, doanh thu chưa thuế của Big C Việt Nam là 586 triệu euro, xấp xỉ 14.700 tỉ đồng.
Nhưng trên hết, Central Group gia tăng đầu tư vào kênh bán lẻ còn vì muốn đẩy mạnh tiêu thụ hàng Thái ở Việt Nam. Tại siêu thị Lan Chi, trước thời điểm bán lại cổ phần cho Central Group, hầu hết hàng hóa là hàng sản xuất tại Việt Nam. Nhưng đến nay, chỉ vài tháng sau khi đón Central Group, hàng hóa Thái đã chiếm nhiều vị trí trên các kệ của siêu thị này. Sắp tới, sở hữu Big C Việt Nam sẽ giúp hàng Thái sẽ được bày bán tại hệ thống siêu thị lớn thứ hai cả nước.
Không riêng gì Central Group, TCC Group khi hoàn tất mua lại Metro Việt Nam cũng tìm cách đưa hàng Thái vào Metro. Rõ ràng, từ bán lẻ đến bán buôn, từ hàng thời trang, đồ gia dụng đến hàng tiêu dùng đều lần lượt rơi vào tay người Thái. Với những đổi thay này, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao, “mới đầu, người tiêu dùng Việt được lợi nhưng bản thân nền kinh tế, doanh nghiệp Việt sẽ rất khó khăn và vất vả trong cuộc chơi mới”.
Viết Nguyên