Viết Nguyên Thứ Sáu | 09/02/2018 08:30

Cầu nối IB tỉ đô

Nhà đầu tư nước ngoài chú ý, đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam vì nhiều lý do.

2017 là một năm đặc biệt đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi chỉ số VN-Index liên tục bùng nổ cùng hàng loạt doanh nghiệp lớn như Vietjet Air (VJC), Vietnam Airlines (HVN), Petrolimex (PXL), VPBank (VPB), Vincom Retail (VRE)... lần lượt lên sàn. Tất cả đẩy giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 150 tỉ USD, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP.

Trong đó, vốn ngoại chiếm 1,1 tỉ USD. Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong suốt 10 năm (2007-2017), dòng vốn nước ngoài riêng trong năm 2017 đã chiếm tới 25% tổng vốn đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài chú ý, đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam vì nhiều lý do. Nhưng không thể không nhắc đến vai trò dịch vụ ngân hàng đầu tư (investment bank - IB) của các công ty chứng khoán.

Năm của các thương vụ lớn

Đây là mảng dịch vụ bao gồm tư vấn chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tìm đối tác chiến lược, phát hành cổ phiếu riêng lẻ, chuyển nhượng cổ phần, tư vấn niêm yết... Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn triển khai các kế hoạch trên, đều phải chọn ra một hoặc vài công ty chứng khoán để đặt hàng tư vấn. Theo chia sẻ của đại diện Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), việc của các đơn vị tư vấn là sẽ giúp doanh nghiệp hệ thống hóa lại các điểm mạnh, tạo sức hút trước nhà đầu tư, tìm phương án chào bán tối ưu, kết nối bên mua và bên bán lại với nhau... Theo số liệu của hãng Thomson Reuters, mức phí thu được từ dịch vụ IB trên quy mô toàn cầu đã tăng 16% lên mức 104 tỉ USD trong năm 2017, mức cao nhất kể từ khi số liệu này được thu thập vào năm 2000.

Tại Việt Nam, đây là những yêu cầu không dễ thực hiện và chỉ một số công ty chứng khoán có quy mô lớn, có nguồn lực hậu thuẫn, có thương hiệu mạnh, có nhân sự giỏi... như Bản Việt (VCSC), SSI, Bảo Việt (BVSC), Chứng khoán BIDV (BSC), Chứng khoán TP.HCM (HSC)... mới tạo được vị thế trong mảng IB. Chính họ cũng là những đơn vị được doanh nghiệp ưu tiên chọn lựa mỗi khi cần tư vấn tài chính.

Chẳng hạn, để triển khai kế hoạch IPO và niêm yết, HDBank chọn cả SSI và HSC làm đơn vị tư vấn. Kết quả, dưới khả năng tư vấn, kết nối của HSC và SSI, trong đợt IPO vừa qua, số lượng đặt mua cổ phiếu HDB của HDBank đã gấp 3 lần lượng chào bán. Có 76 nhà đầu tư nước ngoài, gồm nhiều tổ chức tên tuổi như Credit Saison (Nhật), Deutsche BankAG (Đức), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund... đã chi khoảng 300 triệu USD (hơn 6.000 tỉ đồng) để sở hữu 21,5% cổ phần tại HDBank. Tính ra, quy mô IPO của HDBank chỉ đứng sau Vietcombank trong lịch sử các ngân hàng.

Cau noi IB ti do
 

HDBank tỏ ra thận trọng khi cùng lúc chọn 2 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường để tư vấn. Phía SSI xác nhận, chính vị thế dẫn đầu, từng tham gia tư vấn giao dịch cho thương vụ giá trị, thuộc các thành phần kinh tế khác nhau mà SSI giành được các hợp đồng tư vấn lớn. Ngoài ra, nếu công ty nào duy trì vị trí dẫn đầu thị phần môi giới, được đánh giá cao về mảng phân tích thì cũng dễ đạt những điểm cộng giá trị để lọt vào mắt xanh của doanh nghiệp khi các công ty chào dịch vụ tư vấn với khách hàng.

Thực tế, ngoài  HDBank, trong năm 2017, SSI đã tham gia tư vấn cho nhiều thương vụ đình đám. Nổi bật phải kể đến hoạt động tư vấn thoái vốn cho SCIC tại Vinamilk, giúp SCIC thu về gần 9.000 tỉ đồng hay SSI đã tư vấn chào bán cổ phần thứ cấp đến nhà đầu tư nước ngoài và tư vấn niêm yết cho VRE.

Trong các thương vụ này, SSI thường không đứng một mình, mà tham gia vào liên danh tư vấn. Chẳng hạn, trong tư vấn giúp SCIC thoái 3,33% vốn khỏi Vinamilk, SSI tham gia cùng với UBS AG - Chi nhánh Singapore (UBS). Còn ở thương vụ tư vấn chào bán cổ phần thứ cấp cho Vincom Retail, SSI tham gia trong liên danh 4 bên gồm: SSI, Citi, Deutsche Bank, và Credit Suisse.

Theo đại diện SSI, chính việc tham gia liên danh tư vấn đã giúp thúc đẩy hiệu quả thương vụ và rút ngắn thời gian. Mỗi đơn vị sẽ thực hiện những phần việc theo thế mạnh riêng, có tính chuyên môn hóa cao. Ngoài ra, như SSI còn học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, nghiệp vụ IB từ  các hãng nước ngoài.Ví dụ, trong liên doanh tư vấn bán cổ phần thứ cấp cho Vincom Retail, SSI đã có thêm kỹ năng, kinh nghiệm về chào bán cổ phần thứ cấp dưới hình thức hình thức dựng sổ, theo tiêu chuẩn 144A - một chuẩn mực chào bán khắt khe cho các nhà đầu tư QIBs (Qualified Institutional Buyers) tại Mỹ. Về phía Vincom Retail cũng đã thu hút lượng đặt mua từ nước ngoài cao gấp 5 lần lượng chào bán và bán cổ phần ở mức giá tối đa, thu về tổng giá trị giao dịch lên đến 741 triệu USD.

Đây cũng là câu chuyện ở VCSC. Năm 2017, VCSC đình đám nhất trong tư vấn IPO cho VPbank và còn tham gia vào liên doanh để tư vấn IPO và niêm yết loại cổ phiếu ADS (American Depositary Shares) trên sàn chứng khoán New York Stock Exchange (Mỹ) cho Sea (tên cũ Garena Interative Holding Ltd), giúp hãng công nghệ hàng đầu Đông Nam Á này thu về hơn 800 triệu USD.

Tiềm năng lợi nhuận

Ông Ngô Vĩnh Tuấn, Giám đốc Điều hành Phòng Ngân hàng đầu tư của VCSC, từng chia sẻ, sở dĩ Sea chọn VCSC vì tên tuổi của VCSC trong mảng IB trên thị trường. Trước đó, VCSC từng tư vấn IPO cho Vietjet, tư vấn M&A để Central Group mua Big C... Những kinh nghiệm này giúp VCSC được cọ sát về nghiệp vụ, đạt khả năng thấu hiểu và nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp, có khả năng tìm kiếm mở rộng mối quan hệ với bên mua/bên bán, khả năng kết nối doanh nghiệp và nhà đầu tư, khả năng dự đoán thời điểm phù hợp... Đây đều là những yếu tố góp phần thúc đẩy thương vụ tư vấn thành công.

VCSC đã và sẽ triển khai một số thương vụ phát hành riêng lẻ, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho PVOil, Techcombank. Trên thực tế, mảng IB luôn giữ vai trò quan trọng tại VCSC. Năm 2017, mảng này mang lại cho VCSC hơn 254 tỉ đồng, gấp 3,8 lần năm trước. Đối với SSI, doanh thu từ IB cũng hơn 114 tỉ đồng. Về phía BVSC nổi bật với thương vụ tư vấn cho SCIC thoái vốn khỏi Sabeco. Nhưng cũng như các công ty cùng ngành, BVSC tham gia tư vấn dưới hình thức liên danh với Công ty  Earstn & Young Việt Nam và Công ty Cổ phần Thông tin - Thẩm định giá miền Nam. Liên danh tư vấn đã giúp Sabeco đưa ra giải pháp thoái vốn và giúp kết nối nhà đầu tư. Nhờ đó, Nhà nước thu về 110.000 tỉ đồng, tương đương 4,8 tỉ USD từ thoái vốn khỏi Sabeco.

Những thương vụ thoái vốn, IPO, niêm yết... quy mô hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỉ USD xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam, đã và sẽ còn tạo thêm cơ hội để các công ty chứng khoán thúc đẩy mảng IB. Trước mắt cơ hội đang được nhìn thấy ở các thương vụ Nhà nước thoái vốn, như  đợt IPO của Tổng Công ty Dầu Việt Nam  (PV OIL), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty mẹ - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power)...

Cơ hội cũng được VCSC nhìn thấy từ tham gia tư vấn niêm yết nước ngoài, niêm yết trong nước cho các doanh nghiệp FDI. Hay các công ty chứng khoán có thể tư vấn niêm yết sàn ngoại cho các công ty Việt Nam.

Riêng SSI sẽ tiếp tục tập trung vào thực hiện các giao dịch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp tư nhân lớn, có tiềm năng tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, SSI sẽ tham gia tư vấn thoái vốn nhà nước tại các công ty niêm yết, tìm kiếm đối tác chiến lược cho các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A).

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc HSC, thừa nhận, lợi ích từ IB không chỉ là phí tư vấn mà còn là những giá trị tác động đến  uy tín thương hiệu, đến khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển mảng môi giới, dịch vụ tài chính (cho vay ký quỹ), tự doanh của các công ty chứng khoán. Đơn cử, nhờ tư vấn cho PLX mà SSI thu về khoản lợi nhuận lớn từ tự doanh PXL. Hay VCSC cũng đã sinh lời cao từ đầu tư vào MWG, sau khi tư vấn niêm yết cho MWG. Vì thế, trong định hướng phát triển, hầu hết các công ty chứng khoán lớn đều cho biết sẽ ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh mảng IB