Ảnh minh họa: TL.

 
Việt Hà Thứ Ba | 28/12/2021 09:07

Cầu nội địa phục hồi là bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022

Ngành dịch vụ đóng góp tỉ trọng lớn nhất vào GDP của Việt Nam, chiếm 41,6% GDP danh nghĩa vào năm 2019.

Thật không may, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của người dân suy giảm trong giai đoạn 2020-2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 8,7% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021 từ mức giảm 0,7% so với cùng kỳ trong năm 2020. 

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng ngành dịch vụ sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ không thiết yếu và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa. 

 

Cụ thể, VNDirect kỳ vọng tất cả các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý II/2022 sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số. VNDirect cũng kỳ vọng tiêu dùng sẽ tăng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. 

Đầu tiên là đến từ thu nhập thực của người dân được cải thiện với dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ trong khi lạm phát dự kiến tăng 3,45% so với cùng kỳ vào năm 2022, đạt mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát dưới 4,0%.

Thứ hai, du lịch hồi sinh sau khi các chuyến bay quốc tế được cấp phép cho mục đích thương mại kể từ quý IV/2021, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch, giải trí, lưu trú và ăn uống. Việt Nam đã triển khai thí điểm đón khách du lịch nước ngoài theo tour trọn gói từ giữa tháng 11/2021, thông qua các chuyến bay đến Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Đây là điểm đánh dấu sự khởi đầu của du lịch Việt Nam sau gần 2 năm đóng cửa với du khách nước ngoài. Cần lưu ý rằng, ngành du lịch đã đóng góp hơn 9,5% vào GDP của Việt Nam vào năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đóng góp của ngành du lịch đã giảm xuống còn 2,3% GDP trong 9 tháng đầu năm 2021. 

Nguồn: VNDirect.
Ngành du lịch đã đóng góp hơn 9,5% vào GDP của Việt Nam vào năm 2019. Ảnh: VNDirect.

Thứ ba, VNDirect tin rằng Chính phủ có thể tung ra gói kích thích tài khóa lớn hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và gia tăng đầu tư công vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội. Các chính sách này nhằm phục hồi cầu tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra, sự phổ biến ngày càng tăng và sự hiểu biết về công nghệ của dân số trẻ cũng là một trong những yếu tố tích cực. Donh số bán hàng công nghệ và điện tử tại Việt Nam đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, nổi bật là điện thoại thông minh, máy tính xách tay, robot hút bụi và tivi thông minh. 

Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa gia tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở các trung tâm đô thị lớn. Theo Bộ Xây dựng, tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ 30,5% năm 2010 lên 40,4% vào giữa năm 2021. Việt Nam cũng đặt mục tiêu nâng tỉ lệ đô thị hóa lên 45% vào năm 2025 và khoảng 50% vào năm 2030. Rõ ràng, đô thị hóa là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân và là chất xúc tác để chuyển xu hướng tiêu dùng từ kênh truyền thống sang kênh bán lẻ hiện đại.

Có thể bạn quan tâm 

Ba kịch bản cho xuất khẩu dệt may năm 2022