Cầu Đường CII đổi chủ: Nhìn lại một chặng đường
Từ ngày 22.9, Công ty cổ phần Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R), đã điều chỉnh giảm tỉ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài từ 49% xuống 19.62%. Trước đó, khối ngoại đã sở hữu cổ phần tại công ty này ở mức gần chạm trần: 46,36% (ngày 21.9).
Đây không phải là lần đầu CII B&R điều chỉnh giảm tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại. Tháng 2 năm nay, Công ty từng hạ room từ 49% xuống còn 4,08%.Việc điều chỉnh đó là nhằm mở cửa đón Công ty Metro Pacific Tollways Corporation (MPTC). Đây là đối tác đến từ Philippines, đã mua cổ phiếu CII B&R từ Công ty Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII). Trước khi điều chỉnh room, MPTC đã cử 3 đại diện tại CII B&R, giữ các vị trí chủ chốt là thành viên Hội đồng Quản trị và Phó Tổng Giám đốc.
Như vậy, lần điều chỉnh room này của CII B&R nhiều khả năng không nằm ngoài mục đích dọn đường cho MPTC. Bởi ngoài sở hữu cổ phiếu CII B&R thông qua CII, MPTC còn nắm giữ trái phiếu hoán đổi của công ty này.
Thực tế, CII B&R vừa tiến hành chuyển đổi 1,2 triệu trái phiếu thành 120 triệu cổ phiếu sau gần 1 tháng phát hành cho CII. Đây là trái phiếu cấn trừ nợ và được CII bán lại cho MPTC (1,02 triệu trái phiếu, tương đương 1.020 tỉ đồng). Có nghĩa là MPTC trở thành cổ đông lớn nhất khi sở hữu tổng cộng 132 triệu cổ phiếu CII B&R.
Cổ phiếu chuyển đổi tuy bị hạn chế giao dịch trong 1 năm nhưng đã được niêm yết và có quyền biểu quyết nên MPTC sẽ càng nắm quyền quyết định ở CII B&R. Tính chính xác thì MPTC đã nắm 68,44 % vốn điều lệ ở CII B&R sau đợt chuyển đổi trái phiếu kể trên.
Như vậy, sau 2 lần chuyển giao cổ phiếu CII B&R cho MPTC thông qua hợp đồng đôi bên đã ký vào tháng 1 năm nay, CII đã giảm dần ảnh hưởng tại CII B&R, từ chỗ nắm 86,74%, giờ chỉ còn giữ 19,18% vốn điều lệ, chấm dứt vai trò công ty mẹ ở công ty này. Theo CII, lộ trình thoái dần vốn khỏi CII B&R nằm trong kế hoạch tái cấu trúc CII B&R.
CII B&R đã thay đổi toàn diện kể từ khi có CII nhảy vào. Đầu tiên là tên Công ty Cơ khí điện Lữ Gia được đổi thành Công ty Đầu tư Cầu đường CII (tháng 8.2014). Cũng từ giai đoạn này, CII B&R bước sang thời kỳ hoạt động hoàn toàn mới mẻ, khi ngành nghề chuyển hướng chuyên sâu về xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, cầu, đường gắn với thương hiệu CII và nhận các dự án từ CII.
Trong quý IV/2014, CII B&R đã nhận chuyển nhượng vốn đầu tư tại các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng-chuyển giao) về cầu đường từ CII như dự án đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2, dự án đầu tư xây dựng mở rộng xa lộ Hà Nội.
Theo lãnh đạo của CII B&R, việc tiếp nhận một danh mục dự án cầu đường mà CII đang đầu tư, khai thác, cộng thêm những hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm, chính sách đầu tư, các mối quan hệ…của CII trong lĩnh vực này sẽ giúp Công ty có được lợi thế cạnh tranh. Nhưng cũng chính nhận chuyển nhượng dự án từ CII mà CII B&R mang món nợ lớn: 1.955 tỉ đồng. Món nợ này được CII B&R dùng nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay và phát hành trái cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi cho CII để cấn trừ (đã bán lại cho MPTC).
Dấn bước vào mảng cầu đường cũng đặt lên vai CII B&R những rủi ro mới. Đó là rủi ro từ mức phí giao thông phụ thuộc vào chính sách nhà nước. Hay tham gia vào các dự án về cầu, đường giao thông theo hình thức đầu tư BOT và BT thường đòi hỏi quy mô vốn đầu tư lớn, cần đến các công cụ tài chính nên CII B&R có thể gặp rủi ro liên quan đến vay nợ và tiền tệ. Trước mắt, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015, lãi vay của CII B&R đã lên đến 88 tỉ đồng, gấp hơn 12 lần so với mức 6,6 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, rủi ro cao thì khả năng lợi nhuận cũng cao. Dù tái cấu trúc ở CII B&R chỉ diễn ra từ giữa cuối năm 2014 nhưng cũng đủ làm cho lợi nhuận ở công ty này có sự thay đổi lớn. Nhờ nguồn lãi đầu tư góp vốn ở những dự án cầu đường mà lợi nhuận sau thuế của CII B&R đã tăng đột biến, từ 3,9 tỉ đồng năm 2013 nhảy vọt lên 239,4 tỉ đồng năm 2014 - một kỷ lục kể từ lúc thành lập Công ty.
Bước sang năm 2015, việc so sánh bức tranh kinh doanh giữa năm này với cùng kỳ năm ngoái càng trở nên không còn phù hợp do ngành nghề thay đổi. Chỉ tính riêng doanh thu tài chính của CII B&R trong nửa đầu năm nay đã đạt gần 200 tỉ đồng, vượt doanh thu thuần trong nửa năm ngoái. Nếu cộng doanh thu kinh doanh với doanh thu tài chính thì cách biệt này càng lớn. CII B&R cũng tiếp tục ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế ấn tượng, đạt hơn 287 tỉ đồng chỉ 6 tháng đầu năm nay.
Thực tế, các lĩnh vực cũ của CII B&R, từng làm nên thương hiệu Lữ Gia như thiết bị chiếu sáng, cơ khí giao thông, bất động sản… vẫn đang đóng góp tích cực vào bức tranh kinh doanh chung của Công ty. Sau tái cấu trúc, CII B&R vẫn duy trì các mảng này thông qua việc lập 2 công ty con và chuyển toàn bộ cho các công ty này. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính, từ năm 2015, trong doanh thu kinh doanh của CII B&R đã có thêm nguồn thu từ thu phí giao thông. Nguồn thu này chỉ đứng sau doanh thu thi công, lắp đặt, duy tu công trình.
Với những chuyển biến kể trên, giá cổ phiếu của CII B&R cũng thay đổi ngoạn mục, dao động trong mức 20.000-30.000 đồng/cổ phần, trong khi trước tái cấu trúc, giá cổ phiếu luôn lình xình dưới mức 15.000 đồng.
Sắp tới, với sự hiện diện của MPTC trong vai trò công ty mẹ, thay thế cho CII, CII B&R sẽ có những chuyển biến gì? MPTC là tập đoàn lớn tại Philippines, chuyên đầu tư vào hạ tầng như điện, nước, đường bộ, đường sắt…. Lúc mới thành lập (2006), MPTC từng được Bộ Kế hoạch Đầu tư Philippines nắm giữ 55,8% vốn điều lệ.
Chưa rõ lợi ích mà MPTC có thể mang đến cho CII B&R, nhưng ở phía ngược lại, tờ Manila Bulletin đưa tin ngày 23.9.2015 rằng MPTC sẽ có chỗ đứng trong lĩnh vực hạ tầng ở Việt Nam, có lợi ích lớn từ những dự án đường bộ và cầu (với tổng chiều dài khoảng 123 km, lưu lượng giao thông khoảng 46.000 xe mỗi ngày) mà CII B&R đang thực hiện. Chính vì thế, MPTC không ngần ngại chi ra 4,1 tỉ peso Philippines (87,5 triệu USD) để mua cổ phần CII B&R.
Viết Nguyên