Cầu Đất Farm - The Coffee House: Những kịch bản mới
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam (The Coffee House - TCH) đã công bố việc mua lại bộ phận cà phê của Công ty Cầu Đất Farm. Trong bối cảnh vẫn tiếp tục mở rộng chuỗi hệ thống, hành động mua lại Cầu Đất Farm là một quyết định khiến nhiều người thắc mắc.
Theo thông tin từ TCH, từ tháng 1.2018, bộ phận cà phê của Cầu Đất Farm chính thức sáp nhập vào TCH. Cầu Đất Farm thuộc sở hữu của Seedcom, công ty do ông Đinh Anh Huân (cựu đồng sáng lập Thế Giới Di Động) góp vốn, là nơi trồng cà phê, trà và rau quả. TCH chỉ mua lại bộ phận trồng cà phê, bao gồm phần đất có diện tích 33ha, thương hiệu và nhà xưởng. Ông Nguyễn Hải Ninh, nhà sáng lập TCH, cho biết, giao dịch được thực hiện hoàn toàn bằng tiền mặt.
Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng chắc chắn số tiền không nhỏ. Trong bối cảnh TCH tiếp tục mở rộng trong nước, mở cửa hàng cà phê đầu tiên ở Trung Quốc và công bố chi 100 tỉ đồng mở 40 cửa hàng nhượng quyền trà Ten Ren (Đài Loan) trong năm 2018, quyết định mua Cầu Đất Farm càng bí ẩn hơn khi ông Ninh khẳng định: “Công ty không có ý định lên sàn niêm yết trong thời gian tới”.
Ông Ninh chia sẻ mong muốn sẽ xuất khẩu cà phê. Thực tế, Cầu Đất hiện nay đã xuất khẩu cho đối tác Mỹ theo hình thức gia công nhưng việc xuất khẩu theo thương hiệu riêng ông Ninh thừa nhận vẫn cần thời gian và TCH chỉ mới đặt những viên gạch đầu tiên.
Việc đưa sản phẩm cà phê Cầu Đất Farm ra thị trường theo hình thức hàng tiêu dùng nhanh cũng không nằm trong kế hoạch của TCH. Trên thực tế, TCH cũng chưa có kinh nghiệm và cũng không thể xây dựng mạng lưới phân phối trong thời gian ngắn để phục vụ mục đích này.
Cho đến nay, doanh thu chính của TCH vẫn đến từ bán lẻ cà phê. Công ty hiện có 80 cửa hàng trên toàn quốc. Thị trường bán lẻ cà phê đang là cuộc đua tay ba của 3 chuỗi có số lượng lớn nhất là Highlands Coffee, Trung Nguyên và TCH. Highlands Coffee sau khi được Tập đoàn Jollibee (Philippines) mua lại từ năm 2013 vẫn tiếp tục mở rộng và hiện dẫn đầu với hơn 150 chi nhánh trên toàn quốc.
Tại Trung Nguyên, cho đến nay mảng kinh doanh đem lại doanh thu lớn nhất vẫn là xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc; mảng bán lẻ khá trầm lắng trong thời gian qua và có dấu hiệu chững lại khi một số mặt bằng đã về tay đối thủ.
Về phần mình, TCH lên kế hoạch tiếp tục mở rộng, dự kiến đạt 160 cửa hàng vào cuối năm 2018. Song song đó, Công ty sẽ mở thêm 2 cửa hàng The Coffee House Signature. Năm ngoái doanh thu của TCH vào khoảng 400 tỉ đồng.
Theo ông Ninh, con số 2.000 cửa hàng The Coffee House trong tương lai là hoàn toàn có thể. “Tuy nhiên, chúng tôi đang chiếm thị phần rất nhỏ. Thị trường bán lẻ cà phê ở Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển”, ông Ninh cho biết. Để tăng thị phần, TCH đang đầu tư khá lớn vào khâu bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi. Hiện Công ty sử dụng đội ngũ giao nhận trong nhà và thuê ngoài để thực hiện việc giao hàng. Ông Ninh kỳ vọng doanh số từ kênh trực tuyến sẽ đóng góp 20% doanh thu cuối năm nay.
Trước mắt, nguồn cà phê của Cầu Đất Farm sẽ được sử dụng trong chuỗi TCH. Ông Ninh cho biết mỗi ngày, Công ty phục vụ hơn 40.000 lượt khách, 40% trong số đó tiêu thụ cà phê, ước tính mỗi năm chuỗi tiêu thụ khoảng 400 tấn cà phê. Được biết sản lượng cà phê tươi Cầu Đất Farm đạt 200 tấn mỗi năm, dự kiến sẽ đạt 250 tấn vào cuối năm nay.
Ông Ninh thừa nhận với sản lượng tiêu thụ hiện nay của TCH, việc chọn nhà cung cấp có lợi hơn đầu tư vào Cầu Đất Farm, vì làm nông nghiệp rất rủi ro. Xét về khía cạnh kinh doanh, mua Cầu Đất Farm không có lợi cho TCH. “Nhưng mua Cầu Đất Farm có ý nghĩa rất lớn với TCH cho ước mơ làm cà phê một cách tử tế và viết tên Việt Nam lên bản đồ cà phê đặc sản”, ông nói.
Có 2 kịch bản dành cho thương vụ này. Thứ nhất, cả TCH và Cầu Đất Farm đều có đầu tư của Seedom. Năm 2014, sau khi bán hết cổ phần tại Thế Giới Di Động, ông Huân lập Quỹ Đầu tư Seedcom. Quỹ này đã rót vốn vào hàng chục startup, trong đó có The Coffee House, Haravan, Giaohangnhanh.vn, Pizza 4P...
Thời gian qua, Seedcom cũng sáp nhập một số bộ phận để hoạt động hiệu quả hơn nên không loại trừ khả năng bán bộ phận sản xuất cà phê cho TCH để tăng hiệu quả, đồng thời tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, chuẩn bị công bố các khoản đầu tư mới.
Kịch bản thứ 2 là để TCH gọi vốn từ các nhà đầu tư. Mặc dù lãi gộp trong ngành bán lẻ cà phê lên đến 50% nhưng chi phí vận hành rất cao, việc tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung trong tương lai là chuyện không khó hiểu.
Mua lại bộ phận trồng cà phê của Cầu Đất Farm giúp TCH trở thành chuỗi bán lẻ cà phê hiếm hoi sở hữu cả khâu sản xuất trên thị trường và đây là yếu tố có lợi cho Công ty trên bàn đàm phán.