Thứ Ba | 17/11/2015 12:30

Câu chuyện của Hanel: Từ điện tử đến đa ngành

Mở rộng đầu tư đa ngành lần này, ngoài lĩnh vực khách sạn, viễn thông, Hanel còn đầu tư vào bất động sản, dịch vụ, giáo dục...

Bắt đầu từ tháng 9, Hanel chính thức bước vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Song song đó là sự thay đổi trong chiến lược của công ty chuyên sản xuất hàng điện tử này: theo đuổi chiến lược đa ngành.

Bài học từ cú trượt chân

Đầu năm 1984, theo chủ trương của nhà nước, Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) ra đời từ sự hợp nhất 2 xí nghiệp sửa chữa máy thu thanh, thu hình của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội. 3 năm sau, Công ty thành lập thêm 3 xí nghiệp về dân dụng và 2 xí nghiệp điện tử. Đến năm 1993, Hanel liên doanh với đối tác Hàn Quốc thành lập liên doanh đèn hình Orion Hanel. Thị trường lúc đó tăng trưởng nhanh chóng. Lượng hàng không đủ đáp ứng cho cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, Orion Hanel phải đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất thứ 2 với lượng nhân công làm việc có lúc lên đến 2.500 người.

Tuy nhiên, sự chậm chân thay đổi theo xu hướng của thị trường đã khiến Orion Hanel trượt dần. Trong thời điểm công nghệ phát triển rất nhanh, nhiều doanh nghiệp đã manh nha sản xuất sản phẩm màn hình phẳng, Orion Hanel vẫn tiếp tục đầu tư vào sản phẩm CRT. Đến khi nhận ra, Orion đã tụt hậu quá xa và không đủ vốn đầu tư sản xuất công nghệ cao. Kết quả là Orion Hanel đã xin phá sản vào năm 2008.

Nhìn lại thị trường những năm 1990, Việt Nam có hơn 100 doanh nghiệp lắp ráp tivi, đến nay còn lại vài doanh nghiệp. Tất cả là do sự thanh lọc của thị trường, điện tử là ngành công nghiệp có sự chuyển đổi rất nhanh và doanh nghiệp nào không theo kịp sẽ tự đào thải mình.

Cũng nói thêm về ngành lắp ráp tivi. Trước đây, Việt Nam có 2 thương hiệu tivi nội khá nổi tiếng là Hanel (Hà Nội) và JVC của Viettronics Tân Bình (TP.HCM). Hai doanh nghiệp này từng là con cưng và là niềm hy vọng của ngành điện tử trong nước. Tuy nhiên, trước sự thay đổi chóng mặt của ngành công nghệ, cả 2 đều thất bại. Phải nói thêm, cả Hanel và Viettronics Tân Bình đều liên doanh với đối tác nước ngoài để sản xuất tivi. Hanel liên doanh với Orion của Hàn Quốc, Viettronics Tân Bình liên doanh với Sony và JVC của Nhật. Orion Hanel phải nộp đơn xin phá sản vào năm 2008. Đây cũng là thời điểm ngành bán lẻ bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam và sản phẩm tivi nhập khẩu cũng theo đó ồ ạt vào theo.

Hanel đã tìm được nguồn cung cấp linh kiện từ các nước Đông Âu theo chỉ tiêu nhà nước. Nhờ lợi thế được ưu tiên vay ngoại tệ, Hanel sản xuất sản phẩm với giá rẻ và cung cấp ra thị trường các sản phẩm tivi đen trắng, đồng hồ mỹ nghệ. Hàng sản xuất ra đáp ứng không kịp nhu cầu thị trường.

Trong 5 năm đầu thành lập, Công ty đã xây dựng được mạng lưới tiêu thụ rộng khắp cả nước và đã tạo dựng được thương hiệu Hanel tại Việt Nam. Mặc dù thất bại với công ty con Orion Hanel, nhưng Hanel vẫn tồn tại đến nay nhờ nỗ lực thành lập Nhà máy Hanel xốp nhựa, chuyên sản xuất các sản phẩm linh phụ kiện ngành điện tử và giúp Hanel nội địa hóa và giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, Hanel chấp nhận trở thành nhà sản xuất máy tính thiết bị gốc cho Intel Việt Nam. Có những thời điểm hoàng kim, doanh thu hàng năm của toàn Công ty đạt gần 5.000 tỉ đồng.

Sau nhiều năm vắng bóng trên thị trường, gần đây Hanel đang quay trở lại thị trường với sản phẩm tivi màn hình phẳng và tivi thông minh thương hiệu Hanel. Khó có thể cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài, có lẽ Hanel muốn nhắm đến khu vực nông thôn và cạnh tranh với thương hiệu tivi Việt Nam là Asanzo Việt Nam và Maseco.

Từ điện tử đến đa ngành

Sau những ồn ào xảy ra trong ngành điện tử, Hanel nổi lên sau khi hoàn tất thâu tóm khách sạn Daewoo vào 2 năm trước. Nắm 30% cổ phần của Daewoo, sau nhiều năm đối tác Hàn Quốc kinh doanh thua lỗ, Hanel đã chính thức mua lại và trở thành chủ của khách sạn Daewoo với mức đầu tư không dưới 70 triệu USD.

Cũng trong lĩnh vực khách sạn, giữa năm 2015, Hanel công bố đầu tư ra nước ngoài. Đó là dự án tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị và khu căn hộ cho thuê tại Havana, Cuba, có mức đầu tư khoảng 85 triệu USD. Càng ngày, Hanel càng thoát khỏi ngành lắp ráp điện tử.

Ngoài lĩnh vực khách sạn, mới đây, Hanel trở thành nhà cung cấp hệ thống công nghệ thông tin cho Bộ Giao thông Vận tải, với giải pháp giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó là những giải pháp kết nối thủ tục chuyên ngành của Bộ Công Thương, thủ tục của Bộ Tài chính. Hanel sẽ tổ chức kết nối chính thức khoảng 20 thủ tục của các Bộ Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào năm 2015...

Tham vọng của Hanel không chỉ dừng lại ở đó. Công ty xây dựng hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng công nghệ cao để hỗ trợ cho lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông. Chẳng hạn, dự án Khu Công viên Công nghệ phần mềm Hà Nội, dự án Điểm thông quan nội địa Cổ Bi... Ngoài ra, Hanel cũng chi khoảng 35 triệu USD xây khu công viên phần mềm tại Long Biên, Hà Nội.

Cũng phải nói thêm, không phải bây giờ Hanel mới tham gia mở rộng đa ngành. Trước đây, công ty này cũng đã hoạt động trong một số lĩnh vực hệ thống dây dẫn, ngành cơ khí điện tử, điện tử công nghiệp tự động hóa...; tuy nhiên, những ngành này không mang lại nhiều hiệu quả. Mở rộng đầu tư đa ngành lần này, ngoài lĩnh vực khách sạn, viễn thông, Hanel đầu tư vào nhiều lĩnh vực đang khá sôi động như bất động sản, dịch vụ, giáo dục... và có nhiều dự án liên quan đến Nhà nước.

Hanel cũng đang trong thời điểm tiến hành cổ phần hóa. Theo chủ trương của nhà nước, Công ty Hanel sẽ thoái 61% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược, nhà nước giữ lại 29%, đấu giá công khai 9,94% và còn lại bán cho người lao động.

Vốn điều lệ của Hanel là 1.926 tỉ đồng. Công ty dự kiến doanh thu năm 2015 đạt 11.600 tỉ đồng, với lợi nhuận 878 tỉ đồng.

Mai Hân