Các công ty như Casumina hay Cao su Đà Nẵng kỳ vọng vào quá trình chuyển đổi từ lốp bias sang lốp radial. Ảnh: Shutterstock.com.

 
Xuân Mai Thứ Tư | 26/06/2024 07:30

Casumina 2 tin vui, 1 tin buồn

Casumina gặp biến động về lãnh đạo cấp cao trong khi nhà đầu tư đánh cược về triển vọng dài hạn của ngành săm lốp cao su.

Thương hiệu hàng đầu ngành săm lốp của Việt Nam là Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) nhận cùng lúc cả tin vui lẫn tin buồn. Tin buồn là đã có thông cáo chính thức về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 2 lãnh đạo của Công ty. Trong khi đó, tin vui đến từ kết quả kinh doanh quý I/2024: Dù doanh thu đạt 1.147 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ do chịu tác động bởi cả thị trường nội địa và xuất khẩu nhưng lãi ròng lại tăng 177% nhờ cải thiện biên lãi gộp và tăng lợi nhuận khác, đánh dấu quý I lãi ròng cao nhất kể từ năm 2018. 

Khúc cua “cháy lốp” 

Tin vui và tin buồn đan xen phần nào cũng cho thấy biến động phức tạp của ngành kinh doanh săm lốp trong những năm qua trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc, Thái Lan. Đối với Casumina, tại thị trường nội địa (hiện đóng góp khoảng 60% vào doanh thu của Công ty), tình hình kinh doanh các dòng sản phẩm chính đều gặp khó khăn. Mảng săm lốp xe đạp được xem là không còn dư địa tăng trưởng do nhu cầu sử dụng các phương tiện thô sơ giảm. 

Đối với dòng sản phẩm săm và lốp xe máy, tốc độ tăng trưởng cũng chậm do cạnh tranh từ các nhà sản xuất khác và từ lốp nhập khẩu, cùng xu hướng dùng lốp không săm. Tại mảng lốp ô tô, máy kéo, các sản phẩm lốp radial toàn thép cũng bị cạnh tranh từ các thương hiệu lớn như Kumho Tire, Bridgestone, Goodyear, Michelin và đặc biệt là lốp giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan... 

 

Chính sách thuế giảm dần đến 0% dành cho sản phẩm săm lốp nhập khẩu đối với các nước, vùng lãnh thổ ký kết FTA với Việt Nam sẽ tạo ra cạnh tranh gay gắt, khi các doanh nghiệp nhập khẩu có lợi thế hơn về quy mô, giá cả và chất lượng. Chiến sự tại một số nước dự báo kéo dài làm thiếu hụt và tăng chi phí nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu. “Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh quý I cho thấy giá nguyên vật liệu chủ yếu vẫn có xu hướng tăng; chi phí vận tải đường biển vẫn ở mức cao. Các yếu tố này đã tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty”, lãnh đạo của Casumina cho biết.

Một yếu tố khác cũng được đại diện của Casumina nhận định sẽ gây ra khó khăn là tình trạng gian lận thương mại vẫn chưa được Nhà nước kiểm soát triệt để, việc bán phá giá lốp nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan đối với các loại sản phẩm lốp ô tô diễn ra ngày càng gay gắt.

Nhiều thương hiệu Trung Quốc thậm chí đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là Guizhou Tyre, nhà sản xuất của thương hiệu Advance và Samson, xây dựng nhà máy tại Tiền Giang với tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD. Còn thương hiệu Haohua, Top 10 ngành lốp xe tại Trung Quốc, đầu tư 500 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất tại Bình Phước...

Các doanh nghiệp săm lốp Trung Quốc và nhiều nước đổ bộ vào Việt Nam nhằm tận dụng nguồn cao su nguyên liệu dồi dào, giá lao động rẻ. Hơn nữa, thuế xuất khẩu săm lốp của Việt Nam chỉ 0%, trong khi Trung Quốc là 8%... Trong khi đó, theo Research And Markets, Việt Nam đang dư thừa đáng kể lốp ô tô khi cung vượt cầu, dự kiến khối lượng xuất khẩu đạt hơn 32 triệu chiếc trong năm 2024. Đáng chú ý là trong 10 nhà xuất khẩu lốp xe hàng đầu của Việt Nam, chỉ có 2 công ty trong nước là Casumina và Cao su Đà Nẵng.

 

Lối ra từ công nghệ cao

Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của nhóm cổ phiếu săm lốp cao su được nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào đà phục hồi của thị trường ô tô. Nhìn về triển vọng cả năm 2024, Casumina đánh giá Công ty có các yếu tố thuận lợi như nhu cầu vận tải trong nước tăng; sự dịch chuyển từ xe xăng sang xe điện (bao gồm nhóm xe máy và ô tô); nhu cầu chuyển đổi sang sản phẩm săm lốp xe có hàm lượng kỹ thuật cao theo xu hướng phát triển công nghệ lốp xe (xe máy không săm, lốp bố thép); sản phẩm mới là lốp PCR thương hiệu Advenza được người tiêu dùng trong nước đón nhận; thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng nhóm khách hàng...

Dựa trên những thuận lợi này, năm nay Casumina đặt kế hoạch doanh thu hơn 5.204 tỉ đồng và lãi trước thuế 80 tỉ đồng. Công ty này đặt kỳ vọng vào thị trường xuất khẩu khi lần đầu vượt qua thị trường nội địa về tỉ trọng doanh thu. Theo ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), xuất khẩu lốp xe ước đạt hơn 2,5 tỉ USD năm 2023, chiếm 58,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su và chủ yếu được xuất sang Mỹ. Trong bối cảnh đó, Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra dự báo lạc quan cho nhiều doanh nghiệp săm lốp của Việt Nam. Đơn cử, lợi nhuận của Cao su Đà Nẵng được dự báo tăng so với năm 2023 nhờ nhu cầu nội địa và xuất khẩu dần phục hồi.

Các công ty như Casumina hay Cao su Đà Nẵng kỳ vọng vào quá trình chuyển đổi từ lốp bias sang lốp radial. Chẳng hạn, sản phẩm lốp mới (lốp radial cho ô tô chở khách, lốp PCR) và việc bổ sung công suất lốp radial cho xe buýt có thể giúp lợi nhuận ròng trong năm nay của Cao su Đà Nẵng tăng 15%. Theo ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Đà Nẵng, trong điều kiện kinh tế khó khăn, người tiêu dùng chuyển dịch từ sản phẩm có thương hiệu sang sản phẩm từ các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, sản phẩm lốp xe tải và xe buýt (TBR) nhập khẩu từ Thái Lan - nước xuất khẩu TBR lớn nhất sang Mỹ - đang có nguy cơ vào diện áp thuế chống bán phá giá... Đây chính là cơ hội để các sản phẩm săm lốp Việt Nam tạo sức bật.

Nhằm cải thiện tình hình kinh doanh, Cao su Sao Vàng cũng theo đuổi chiến lược phát triển sản phẩm mới, chất lượng cao, đặc biệt là lốp ô tô công trường quy cách lớn, lốp xe máy không săm, săm xe máy bằng cao su butyl... Trong khi đó, sau thành công với sản phẩm lốp Advenza (xuất khẩu đi Mỹ) tại thị trường nội địa, Casumina đang phát huy lợi thế về chi phí, giao nhận thẳng từ nhà máy tới các garage không qua trung gian, nên giá có thể sẽ thấp hơn các sản phẩm cùng loại của đối thủ nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm 

Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện toàn quốc lại lập kỷ lục mới