Carlsberg muốn mua trọn 82% cổ phần Habeco từ Bộ Công Thương
Hãng bia Đan Mạch Carlsberg hiện đang muốn mua thêm cổ phần tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), cho biết trên Bloomberg rằng "sóng" cổ phiếu của Habeco đã dâng lên quá cao bởi giới đầu cơ.
Cổ phiếu Habeco đã tăng giá gần gấp ba lần so với mức giá trong phiên niêm yết đầu tiên hôm 28/10 trên thị trường OTC. Điều này không phản ánh chính xác giá trị cơ bản của Habeco bởi cổ phiếu được mua chủ yếu là để đầu tư với khối lượng tự do chuyển nhượng thấp, Tayfun Uner, Giám đốc điều hành Carlsberg Việt Nam, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Hà Nội.
Cổ phiếu Habeco đã chạm đỉnh 144.700 đồng hôm 8/11, dù lúc niêm yết chỉ là 39.000 đồng, mức giá mà ông Uner cho là hợp lý hơn. Nhà nước hiện có kế hoạch bán 82% cổ phần tại Habeco với giá trị 404 triệu USD, tương đương mức giá 48.000 đồng/cổ phiếu. Lãnh đạo Carlsberg cho biết đây là mức định giá hợp lý.
Theo Bloomberg, việc Nhà nước thoái vốn khỏi các doanh nghiệp lớn trong ngành bia như Habeco, Sabeco đang thu hút sự quan tâm của nhiều hãng bia lớn trên thế giới, như Heineken, Anheuser-Busch InBev và Asahi Group Holdings.
"Chúng tôi muốn hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Điều này cũng đồng nghĩa là phải có mức giá hợp lý để đảm bảo việc tư nhân hóa thành công", ông nói. Ông cũng cho biết thêm rằng, giá bán Habeco cần phản ánh đúng vị thế của hãng bia này, vốn đã rơi từ vị trí thứ hai xuống thứ ba kể từ khi Carlsberg mua lại cổ phần hồi năm 2008.
Carlsberg đang đàm phán với Bộ Công Thương để mua 61,79% cổ phần và dự kiến sẽ tham gia phiên đấu thầu để mua thêm 20% cổ phần Nhà nước còn lại, Uner nói. Hiện hãng bia Đan Mạch đang giữ 17,51% cổ phần Habeco.
Còn lại 0,7% hiện đang được giao dịch trên thị trường OTC thuộc sở hữu của các cổ đông thiểu số khác. Chốt phiên ngày 24/11, cổ phiếu Habeco giảm 2,1% xuống còn 105.000 đồng.
"Rất có thể Nhà nước sẽ tham khảo giá thị trường để đưa ra giá bán vốn", Marc Djandji, Giám đốc Môi giới Khách hàng tổ chức và nước ngoài của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, nói. "Nếu Nhà nước chỉ xem xét giá thị trường dựa trên một lượng nhỏ cổ phiếu đang giao dịch, thì đó chỉ là mức giá "ảo". Do đó, Carlsberg lo ngại cũng là điều dễ hiểu".
Ông Uner cũng cho biết, Carlsberg có quyền ưu tiên mua lại vốn Nhà nước trong đợt thoái đầu tiên. Hãng bia này cũng sẽ tham gia cạnh tranh mua cổ phần trong đợt đấu giá 20% còn lại.
Nếu Chính phủ không bán hết 20% cổ phần trong đợt đấu giá, Carlsberg sẽ sẵn sàng mua 61,79% với giá ngang mức đã mua hồi năm 2008, ông nói với Bloomberg. Được biết, năm 2008, Carlsberg đã được chỉ định là đối tác chiến lược của Habeco với mức giá 50.015 đồng/cổ phiếu, mức giá đấu giá bình quân thành công của phiên IPO.
"Carlsberg muốn giữ và phát triển thương hiệu bia Hà Nội", lãnh đạo hãng bia Đan Mạch cho biết.
Theo Euromonitor International, ước tính người Việt tiêu thụ 4,04 tỷ lít bia trong năm nay, mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và tăng từ mức 3,88 tỷ lít trong năm 2015.
Trường Văn
Nguồn Bloomberg