Nguồn ảnh: TL

 
Bảo Trung Thứ Ba | 07/04/2020 08:00

Capichi: Mê món Việt, làm app review món Việt

Với tư cách “Startup Việt Nam”, ứng dụng review món ăn Capichi cũng hướng tới mở rộng thị trường tại Đông Nam Á và các nước khác.

Việt Nam là một trong những quốc gia nổi tiếng nhất thế giới về các cửa hàng đồ ăn đường phố và tỉ lệ chi tiêu cho ăn uống bên ngoài cũng thuộc vào hàngcao nhất trên toàn cầu. Do đó, Mori Taiki đã quyết định tiến vào Việt Nam với startup phát triển nền tảng đánh giá (review) đồ ăn qua Vlog Capichi.

Thị trường tiềm năng

Ngày nay, trước khi muốn trải nghiệm một món ăn nào đó, mọi người thường có xu hướng tìm kiếm thông tin về nó. Chính vì vậy, thị trường đã sản sinh ra một ngành nghề đang được nhiều bạn trẻ yêu thích: review về nhà hàng, ẩm thực. 

Theo khảo sát của Capichi, Việt Nam có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có hơn 430.000 cửa hàng nhỏ, hơn 7.000 cửa hàng thức ăn nhanh, 22.000 quán cà phê, bar và hơn 80.000 nhà hàng phát triển bài bản thành hệ thống. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển ngành dịch vụ thực phẩm và nước uống (F&B) tại Việt Nam là rất lớn. Ngành ăn uống ở Việt Nam được dự báo có thể sẽ tăng trưởng bình quân 18%/năm. Theo Statista, đến năm 2023, doanh thu của ngành F&B có thể tăng hơn gấp đôi lên mốc xấp xỉ 408 tỉ USD.

Sau thời gian tìm hiểu tiềm năng của thị trường này, chàng sinh viên 9x người Nhật Mori Taiki đã quyết định thành lập startup Capichi với mục đích đem lại cho khách hàng những hình ảnh thực tế về các quán ăn, giải quyết vấn đề mà không ít người từng gặp phải: “Khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm ăn uống” và “Hình ảnh trên mạng khác so với thực tế”.

Phương pháp mà Capichi đưa ra là cho phép người dùng lưu trữ những đoạn video ngắn cùng review thực tế về các quán ăn. Nhờ đó, họ có thể dễ dàng tìm thấy quán ăn ưa thích của mình thông qua các đoạn video chân thực.

Điểm mạnh của Capichi so với các ứng dụng tương tự khác là người dùng có thể sử dụng từ lúc họ tìm kiếm cửa hàng, cho tới khi họ tới ăn tại cửa hàng và cả khi họ ăn xong. “Bằng cách thu thập dữ liệu về thói quen ăn uống của người dùng và kết hợp với trí tuệ nhân tạo, Capichi sẽ đề xuất những nhà hàng ngon và phù hợp với từng người”, Mori Taiki cho biết.

Anh chia sẻ thêm: “Tìm cửa hàng bằng video là một trải nghiệm thú vị nhưng còn khá mới đối với nhiều người. Tuy nhiên,với ưu thế về nền tảng vận hành và ứng dụng công nghệ tiên phong, chúng tôi tự tin vận hành nền tảng này trong một môi trường vốn đã có nhiều “anh lớn” như Foody, Hot Deal, hay Jamja…”.

Liên kết hệ thống nhà hàng

Ngoài ra, với định hướng tạo một hệ sinh thái review đồ ăn, Capichi cũng sẽ cung cấp hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM) hướng tới đối tượng là địa điểm ăn uống như nhà hàng, quán ăn… 

Bằng việc cung cấp coupon khuyến mãi, thẻ thành viên, hệ thống quản lý của Capichi sẽ trở thành trung gian kết nối, giúp các quán ăn, tiệm cà phê… tăng độ thân thiết và tăng tỉ lệ giữ chân khách hàng quen thuộc. Về phía khách hàng, việc gắn bó với địa điểm yêu thích cũng khiến việc “đi review” trở nên thú vị hơn.

CEO 9x của Capichi cho biết: “Tôi đã chuyển đến sống tại Việt Nam cách đây 2,5 năm và luôn muốn góp sức mình để đưa ngành F&B tại đây sôi động và phát triển hơn, đặc biệt thông qua việc phát triển ứng dụng review địa điểm ăn uống bằng video. Tôi hy vọng mọi người có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn ngon, đồng thời các địa điểm có thêm nhiều khách hàng quen thuộc”.

Mới đây, startup cung cấp nền tảng ứng dụng review ẩm thực Capichi đã chính thức ra mắt tại Hà Nội, sau khi hoàn tất quá trình gọi vốn tương đương 4 tỉ đồng tại Nhật. Trong năm 2020, Capichi dự kiến tổng lượng người dùng ứng dụng Vlog Capichi có thể đạt 500.000 người, liên kết tới hơn 1.000 cửa hàng và mục tiêu mở rộng hoạt động tại TP.HCM và Đà Nẵng vào quý III.

Mori Taiki chia sẻ thêm: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để gợi ý cho người dùng nhiều địa điểm ẩm thực phù hợp hơn nữa. Điều này khiến người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm địa điểm yêu thích. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ phát triển thêm nền tảng quản lý cho các cửa hàng để họ có thể sử dụng tiện lợi hơn các nền tảng khác”.

Với tư cách “Startup Việt Nam”, Capichi cũng hướng tới mở rộng thị trường tại Đông Nam Á và các nước khác thông qua việc cung cấp dịch vụ hướng tới cả đối tượng khách hàng và nhà hàng.