Thứ Năm | 16/08/2012 15:30

Cấp phép khai thác khoáng sản lớn vượt quá nhu cầu

Theo đánh giá của Chính phủ, mặc dù số lượng giấy phép khai thác khoáng sản nhiều nhưng số lượng dự án chế biến sâu khoáng sản còn quá ít.
Theo Báo cáo của Chính phủ lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp chiều 15/8, số lượng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu làm tổn hại tới môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản, nhất là các địa phương có biên giới, có cảng thì xuất khẩu khoáng sản thô là khá nhiều.

Con số cụ thể cho thấy, chỉ trong 3 năm, từ tháng 10/2005 đến tháng 8/2008, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp 3.495 giấy phép khai thác, gấp hơn 7 lần số lượng Trung ương cấp trong 12 năm (Trung ương cấp là 478 giấy phép khai thác).

Theo thống kê chưa đầy đủ, số doanh nghiệp tham gia hoạt động trong công nghiệp khai thác mỏ tăng nhanh từ 427 doanh nghiệp (năm 2000) lên đến gần 2.000 doanh nghiệp vào thời điểm hiện tại. Trong đó, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm VLXD chiếm gần 1.200 doanh nghiệp (khoảng 60%) với quy mô nhỏ và vừa.



Theo phản ánh của Chính phủ, việc cấp giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản có một số chưa tuân thủ các yêu cầu quy định của pháp luật, không đúng đối tượng.

Số lượng giấy phép khai thác khoáng sản nhiều nhưng số lượng dự án chế biến sâu khoáng sản còn quá ít. Nếu có thì cũng là những dự án chế biến với công nghệ đơn giản, không có giá trị cao về mặt kinh tế. Đến nay, chế biến sâu mới chỉ  đối với các loại khoáng sản như thiếc, kẽm, đồng, sắt, antimon.

Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương và gần đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị không xuất khẩu khoáng sản thô và quặng tinh đối với một số loại khoáng sản nhưng trong thực tế vẫn còn tình trạng xuất khẩu khoáng sản ở dạng nguyên liệu thô, quặng tinh; tình trạng mua, bán, vận chuyển quặng trái phép và xuất khẩu quặng thô.

Tình trạng này một phần là do công nghệ lạc hậu, không ứng dụng được công nghệ chế biến sâu, hoặc các sản phẩm chế biến sâu không được sử dụng nhiều trong nước. Mặt khác, do bị áp lực bởi các chỉ tiêu về ngân sách, về KT - XH nên một số tỉnh, thành phố đã cho phép xuất khẩu cả khoáng sản thô.

Giai đoạn từ năm 2005 đến 2008, tổng vốn đầu tư cho ngành khai thác đứng vị trí thứ 5/18 ngành và lĩnh vực, nhưng hiệu quả đóng góp cho nền kinh tế chỉ đứng thứ 8. Mặc dù tạo được nhiều việc làm, nhưng số lượng lao động làm việc trong ngành khai khoáng cũng chưa tương xứng với vốn đầu tư, chỉ đứng thứ 11/18 so với các ngành kinh tế khác.

Chính phủ nhận định, đây chính là hậu quả của việc khai thác xuất khẩu khoáng sản thô không qua chế biến nên không phát huy được tối đa giá trị sản phẩm, hậu quả của việc đầu tư theo chiều rộng mà chưa chú trọng đến chiều sâu, chưa đầu tư thích đáng cho công nghệ dẫn đến tổn thất khai thác lớn.

Nguồn Khampha


Sự kiện