Sơn Nguyễn Thứ Hai | 27/06/2022 07:30

"Cao tốc" cho nền kinh tế số

Các trung tâm dữ liệu - loại tài sản hạ tầng có tính xương sống cho nền kinh tế - đang lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư.

Mới đây, quỹ đầu tư Gaw Capital Partners thông báo thương vụ mua lại lô đất nằm trong khu công nghệ cao TP.HCM để đầu tư một trung tâm dữ liệu (data center), dự kiến vận hành vào năm 2024. Lô đất này có tổng diện tích 6.056 m2, nằm cách trung tâm khoảng 15 km và tiếp giáp với Xa lộ Hà Nội và nằm gần ga điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên.

 

Trước đó, nhà đầu tư NTT (Nhật) và QD.TEK (thành viên của Tập đoàn Quang Dũng) thành lập liên doanh để xây dựng trung tâm dữ liệu tại khu công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư vào khoảng 56 triệu USD. NTT đã vận hành các trung tâm dữ liệu tại hơn 20 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, NTT đã hoạt động ở Hà Nội. Liên doanh đầu tư với QD.TEK là bước đi phát triển thị trường ở TP.HCM - nơi được xem là trung tâm của nền kinh tế và là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia.

Năm ngoái, Khu Công nghệ Thông tin Tập trung Đà Nẵng, một công ty con của Tập đoàn Trung Nam, đã ký thỏa thuận đầu tư trị giá 100 triệu USD với Infracrowd Capital của Singapore để xây dựng trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn cấp 3 đầu tiên tại miền Trung.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Amazon cũng nhảy vào khi tuyên bố sẽ xây trung tâm dữ liệu tỉ USD tại Việt Nam, hướng tới đáp ứng nhu cầu của khách hàng về các giải pháp kỹ thuật số, lưu trữ và xử lý dữ liệu. Đây là một phần trong kế hoạch bành trướng của Amazon tại khu vực châu Á, nhằm cạnh tranh với các đối thủ lớn như Microsoft hay Alibaba, Tencent. Những trung tâm dữ liệu có tính khu vực cho phép khách hàng của Amazon chạy các dịch vụ như chơi trò chơi thời gian thực và phát video trực tiếp, cũng như các ứng dụng mới - bao gồm lái xe tự hành và thực tế ảo - trong toàn khu vực.

Đối với giới đầu tư, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất ở châu Á với GDP bình quân đầu người dự kiến sẽ tăng khoảng 1,6 lần trong giai đoạn 2020-2026, giúp đất nước gần 100 triệu dân trở thành một thị trường đầy hứa hẹn. 

 

Báo cáo Tăng trưởng Trung tâm Dữ liệu và Đám mây tại các thị trường mới nổi nhận định Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia mới nổi về trung tâm dữ liệu toàn cầu với sự gia tăng đáng kể về quy mô thị trường và khả năng cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được báo cáo đạt 858 triệu USD vào năm 2020 và dự báo sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CARG) trên 14,64% cho đến năm 2026.

Động lực tăng trưởng cho trung tâm dữ liệu đến từ thị trường thương mại điện tử đang trên đà bùng nổ, các doanh nghiệp điện toán đám mây và fintech (công nghệ tài chính) đang phát triển, dòng vốn FDI mang tới nhu cầu về lưu trữ và xử lý dữ liệu của các tập đoàn đa quốc gia. Các sáng kiến hướng tới chính phủ điện tử và việc thúc đẩy sử dụng tiền điện tử cũng làm gia tăng nhu cầu về trung tâm dữ liệu.

“Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã nhận thức rõ hơn về vai trò của công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của chuyển đổi số và sử dụng dữ liệu”, ông Võ Sĩ Nhân, Tổng Giám đốc của Gaw Capital Partners, nhận định.

Các trung tâm dữ liệu là loại hình tài sản thay thế được kỳ vọng sẽ tạo làn sóng đầu tư mới. Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành của Savills Việt Nam, thị trường Việt Nam không nhất thiết sẽ có sản phẩm mới, nhưng sẽ xuất hiện các sản phẩm mà thị trường cần. Đáng chú ý, trung tâm dữ liệu sẽ là lĩnh vực phát triển chủ lực của thị trường bởi vì nguồn dữ liệu lớn được tạo ra bởi kinh tế số đang cần nơi lưu trữ. Vì thế, sẽ có mối quan tâm lớn dành cho việc phát triển trung tâm dữ liệu.

Tuy nhiên, đây không phải là một lĩnh vực dễ dàng cho các nhà đầu tư. Một trong những rào cản đầu tư vào thị trường này là chi phí cơ sở hạ tầng cao, nghĩa là các trung tâm dữ liệu đắt tiền để xây dựng. Đối với những người không phải là chuyên gia, chúng rất phức tạp để quản lý và yêu cầu quy mô để đạt được lợi nhuận. Do tốc độ phát triển công nghệ, lỗi thời có thể là mối quan tâm khác.