Thứ Bảy | 12/05/2012 20:52

Cao su xuất sang Trung Quốc được thanh toán bằng tài khoản vãng lai nước ngoài mở tại ngân hàng Việt Nam

Việc này nhằm giải quyết các khó khăn về thanh toán của doanh nghiệp xuất khẩu cao su sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu cao su tại Móng Cái thì trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn xuất khẩu cao su theo đường biên mậu do các cơ quan chức năng của Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát và khó khăn trong thanh toán.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cao su, việc thanh toán biên mậu bằng hình thức mở tài khoản vãng lai tại ngân hàng Trung Quốc của một số thương nhân xuất khẩu cao su trong thời gian vừa qua chịu nhiều rủi ro. Năm 2010, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cao su biên mậu của Việt Nam bị trắng tay khi bị ngân hàng Trung Quốc phong toả tài khoản.

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2011, ngân hàng Trung Quốc đã ngừng cung cấp dịch vụ thanh toán biên mậu đối với các tổ chức tín dụng Việt Nam. Điều này ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cao su của các doanh nghiệp vì việc thanh toán sẽ không đáp ứng được điều kiện hoàn thuế theo quy định của Nhà nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng Quảng Ninh đã có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có các giải pháp phù hợp. Bộ Tài chính đã trao đổi với Ngân hàng Nhà nước để xác định rõ các trường hợp thanh toán đối với hàng hoá xuất khẩu thông qua tài khoản vãng lai của bên nước ngoài mở tại các Ngân hàng ở Việt Nam.    

Theo đó, hình thức thanh toán thông qua tài khoản vãng lai của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân kinh doanh để thanh toán hàng hoá mua của doanh nghiệp Việt Nam được xác định là thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, việc thanh toán này, phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu, phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng, nếu có.

Tuy nhiên, theo các ngành chức năng, đây chỉ là một giải pháp tình thế. Trung Quốc là thị trường tiềm năng của Việt Nam, song mấu chốt là các doanh nghiệp xuất khẩu cao su phải tiến tới xuất khẩu chính ngạch, nâng cao hàm lượng chế biến trong sản phẩm, hạn chế tình trạng xuất nguyên liệu thô như hiện nay. Vì chỉ khi đó, giá trị hàng xuất khẩu mới có thể nâng cao, tránh được mọi rủi ro phát sinh về thanh toán ở biên mậu hiện nay.

Hiện nay, việc chuyển xuất khẩu cao su sang chính ngạch tuy có tăng nhưng số lượng vẫn thấp do thương nhân Trung Quốc phải chịu thuế tới 25%, xuất tiểu ngạch là 0%. Phương thức mua bán mậu biên vẫn khá đơn giản, nhanh gọn nên được người mua, người bán lựa chọn.

Trong khi đó, việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cũng không hề dễ dàng vì ít doanh nghiệp có  công nghệ, sản lượng, tiềm lực vốn để đàm phán với nước ngoài. Hơn nữa, muốn xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường khó tính thì chất lượng mủ cao su phải đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, có khá nhiều diện tích cao su tiểu điền do doanh nghiệp tư nhân thu mua, sơ chế qua loa nên phải phụ thuộc vào thị trường được coi là khá dễ tính như Trung Quốc.   

Theo thống kê, lượng cao su của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thông qua các cửa khẩu của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trong 3 tháng đầu năm chỉ đạt trên 6.384 tấn, trị giá xuất khẩu đạt gần 221.000 USD, giảm mạnh so với những năm trước.

Chỉ tính riêng năm 2011, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua Móng Cái đạt 54.344 tấn, trị giá xuất khẩu đạt 19,52 triệu USD.

Tính trung bình 1 tháng, lượng cao su Việt Nam xuất khẩu qua địa bàn đạt trên 4.528 tấn.

Nguồn Báo Quảng Ninh


Sự kiện