Vân Nguyễn Thứ Sáu | 28/09/2018 08:31

Cao su Việt Nam chịu rủi ro từ chiến tranh thương mại

Trung Quốc mua 60-70% tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam làm nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm cao su xuất khẩu.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nổi lên như một rủi ro chính trong những tháng gần đây, tác động đến tăng trưởng của ngành cao su và ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp ngành này.

Khó đầu ra

Xuất khẩu cao su từ đầu năm 2018 đến nay tăng trưởng ổn định, nhưng giá xu hướng giảm. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 9, lượng cao su xuất khẩu đạt 77.141 tấn, trị giá 99,1 triệu USD, giảm 9,9% về lượng và giảm hơn 28% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Cao su Viet Nam chiu rui ro tu chien tranh thuong mai
 

Ấn Độ, một trong những thị trường tăng mạnh cả về lượng và giá trị xuất khẩu cao su từ đầu năm đến nay, tăng 46,43% về lượng và 28,88% về giá trị, trong khi Indonesia tăng 41,03 % về lượng và 17,79% về giá trị trong 8 tháng đầu năm nay.

Thế nhưng, theo nghiên cứu của bà Trần Thị Thúy Hoa, Hiệp hội Cao su, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam, hàng năm tiêu thụ trên 65% tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam, vượt xa các thị trường tiêu thụ khác.

Căng thẳng Mỹ - Trung, Việt Nam chắc chắn chịu ảnh hưởng khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Năm 2017 khoảng 65,3% tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này, phục vụ ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất lốp xe. 

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 13.9.2018, đã quyết định tiếp tục áp thuế với tổng giá trị 189 tỉ USD đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả các mặt hàng đồ gỗ và các bộ phận của ô tô, những mặt hàng thế mạnh của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Chính sách thuế mới của chính quyền Tổng thống Trump với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã có hiệu lực từ 24.9.2018, với mức thuế tăng lên 25% vào thời điểm 1.1.2019, sau đó đẩy lên cao nhất có thể lên tới 44%.

Đặc biệt, trong danh mục các mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ phải chịu thuế bổ sung 10% có lốp xe ô tô. Đây là ngành hàng sản xuất khá mạnh của Trung Quốc sang Mỹ và sử dụng nhiều cao su nguyên liệu. 

Theo quan sát của ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends: “Nếu Trung Quốc và Mỹ không có giải pháp tháo gỡ cuộc chiến này, thì với mức thuế cao được áp dụng cho các mặt hàng linh kiện ô tô của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm cao su Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động tiêu cực”.

Ngay cả khi chưa tính hết được mức độ tiêu cực, việc giảm giá trị xuất khẩu cao su khiến ngành cao su thêm điêu đứng. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15.9, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đạt 954.784 tấn, trị giá 1,32 tỷ USD, tăng 7,3% về lượng, nhưng giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. 

 Giá sẽ suy giảm đến năm 2030

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới cho tới năm 2030 khó phục hồi trở lại như năm 2011. Hiện, sản lượng cao su tại Việt Nam và trên thế giới vẫn tiếp tục tăng do mở rộng diện tích quá lớn trước đây.

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có nguồn cung cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Thái Lan và Indonesia. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 11,7 % trong tổng nguồn cung cao su thiên nhiên trên thế giới.

Việt Nam xuất khẩu cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su. Thống kê của Tổng cục Hải quan được tổng hợp bởi Hiệp hội Cao su cho thấy, năm 2017, khoảng 80,4% lượng cao su của Việt Nam được dành cho xuất khẩu, đạt giá trị khoảng 6,2 tỷ USD, tăng trên 27,2% so với kim ngạch năm 2016.

Cao su Viet Nam chiu rui ro tu chien tranh thuong mai
 

Theo phân tích của ông Tô Xuân Phúc, với trên 80% cao su thiên nhiên của Việt Nam được xuất khẩu hiện nay, sự phát triển của ngành cao su hiện nay và trong tương lai có thể chịu tác động rất lớn từ các thị trường xuất khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.

Trong khi đó, các yêu cầu của thị trường về sản phẩm cao su bền vững ngày càng tăng, đặc biệt ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật… Các yêu cầu này không chỉ đơn thuần là về chất lượng sản phẩm đảm bảo, mà còn bao gồm sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về luật pháp, lao động, môi trường và xã hội.

Những yêu cầu này, đòi hỏi nhà sản xuất ngày càng phải thực hiện các trách nhiệm về luật pháp, xã hội và môi trường chặt chẽ hơn. Việc không tuân thủ các quy định này đồng nghĩa với các rủi ro thị trường, có thể dẫn đến tình trạng bị mất thị trường và khách hàng.

Giá xuất khẩu, yếu tố quyết định đến sự thu hẹp hoặc mở rộng diện tích cao su, hiện khoảng 970.000 ha, tới quy mô của khối chế biến mủ cao su và tác động đến sinh kế hàng cho khoảng 500.000 lao động.

Ông Phúc cho rằng, ngành cao su Việt Nam “đang mất dần lợi thế cạnh tranh” khi thị trường cao su thế giới ngày một phát triển. Cơ chế chính sách của các quốc gia liên quan đến đầu tư cởi mở hơn, lao động giá rẻ không còn tồn tại, hoặc không còn là lợi thế của quốc gia.

Thị trường xuất khẩu có vai trò quyết định tới sự tồn tại của ngành, tác động đến tăng trưởng xuất khẩu và nền kinh tế. Ông Phúc cho rằng, việc Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thô đã không tạo được giá trị gia tăng, không khuyến khích được các doanh nghiệp cải tiến công nghệ và đầu tư lao động tay nghề cao.

Thậm chí, trong giai đoạn giá thị trường thế giới suy giảm, các cơ chế và chính sách của nhà nước chưa tập trung kiểm soát diện tích trồng cao su, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ tiêu điền phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Một điểm quan trọng nữa cũng được ông Phúc đề cập, Việt Nam đến nay chưa có đánh giá cụ thể về quy mô và mức độ tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên ngành cao su Việt Nam, trong khi thực tế đang đòi hỏi cần có một đánh giá chi tiết về ngành này.

Theo kinh nghiệm của ông Phúc, nghiên cứu đánh giá tác động không chỉ bao gồm đánh giá về các khía cạnh như các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, cần đánh giá về ngành công nghiệp ô tô và các ngành phụ trợ tại Trung Quốc và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc về các sản phẩm trong những ngành có liên quan.