Thứ Năm | 28/06/2012 10:28

Cao su tự nhiên: Định giá thấp chưa hẳn đã hấp dẫn

Chỉ tiêu giá trên thu nhập dự phóng mỗi cổ phần (P/E) năm 2012 đều dưới 5 lần, nhưng giá cổ phiếu ngành cao su tự nhiên chưa hẳn đã rẻ.
Nguyên nhân chính là việc diễn biến giá cao su tự nhiên thời gian gần đây đang sụt giảm mạnh và chưa thể dự báo chính xác diễn biến này trong nửa cuối năm 2012.

Lợi nhuận dự phóng lớn

Đầu năm 2012, các DN ngành cao su tự nhiên đều đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng so với kết quả thực hiện năm 2011. Cụ thể, Công ty cổ phần cao su Đồng Phú DPR chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 397 tỷ đồng, trong khi con số thực hiện năm 2011 là 802 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cao su Thống nhất TNC đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 28 tỷ đồng, chỉ bằng gần 39% so với cùng kỳ năm 2011.

Nguyên nhân của việc sụt giảm mạnh kế hoạch kinh doanh năm 2012 so với thực hiện năm 2011 là việc Tập đoàn Công nghiệp Cao su đưa mức giá áp xây dựng kế hoạch là xấp xỉ 67 triệu đồng/tấn mủ cao su, trong khi mức giá bình quân cả năm 2011 là xấp xỉ 95 triệu đồng/tấn.

Mặc dù vậy, ước chỉ tiêu thu nhập trên mỗi cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết ngành cao su tự nhiên vẫn ở mức rất cao so với mặt bằng chung các doanh nghiệp niêm yết. Trong đó, TRC có EPS dự phóng năm 2012 là 10.133 đồng, DPR là 9.227 đồng, HRC là 6.251 đồng. Mức giá các cổ phiếu này ghi nhận kết thúc ngày 26/6 tương ứng là: 37.500, 51.500 và 36.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, chỉ số P/E năm 2012 các cổ phiếu này ở mức rất thấp so với thị trường.

Nguồn: ĐTCK

Chưa hẳn đã hấp dẫn

Điều đầu tiên có thể thấy là diễn biến giá đầu ra của các doanh nghiệp trong ngành. Cuối năm 2011, giá bán mủ cao su vẫn đạt mức xấp xỉ trên 100 triệu đồng/tấn, nhưng đến thời điểm hiện tại, mức giá này chỉ còn gần 65 triệu đồng/tấn, tức giảm khoảng 35%. Giá mủ cao su phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu tiêu thụ săm lốp và diễn biến giá dầu mỏ (nguyên liệu thay thế để tổng hợp cao su nhân tạo).

Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của một doanh nghiệp ngành cao su niêm yết cho biết: Công tác lập kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su chủ yếu phải căn cứ vào khối lượng khai thác, tiêu thụ, còn mức giá thì chủ yếu theo chỉ đạo của Tập đoàn. Từ 3 năm nay, hầu như công tác xây dựng kế hoạch doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp không chuẩn, bởi diễn biến thất thường của giá bán mủ cao su.

Điểm thứ hai đáng quan tâm là thanh khoản các cổ phiếu trong nhóm này không cao, mức độ biến động theo diễn biến thị trường không quá lớn, nên không phải là cổ phiếu phù hợp để những nhà đầu tư quen lướt sóng đầu tư. Đây được coi là một lý do quan trọng khiến định giá cổ phiếu nhóm này ở mức thấp so với mặt bằng chung.

Điểm cuối cùng được cho là lý do khiến các cổ phiếu này chưa hấp dẫn nhiều NĐT, đó là mức chia cổ tức. Trong số 5 doanh nghiệp niêm yết, chỉ có DPR có tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2011 lên tới 5.000 đồngcổ phiếu (trong khi thu nhập trên mỗi cổ phần năm 2011 là 18.663 đồng), nhưng cũng có giá 51.500 đồng, tương đương tỷ lệ lợi tức chưa đến 10%. Các cổ phiếu khác có giá thấp hơn, nhưng tỷ lệ lợi tức cũng chỉ ở mức xấp xỉ 10%.

Cổ phiếu cao su có đặc tính khó ước tính doanh thu, lợi nhuận, giá không biến động nhiều và tỷ lệ lợi tức không cao, nên dù có định giá thấp, cũng chưa hẳn đã hấp dẫn, dù NĐT là người ưa lướt sóng hay nắm giữ lâu dài.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Sự kiện