Cao su thiên nhiên tìm đường tăng trưởng bền vững
Thế nhưng, ngay sau khi đạt đỉnh vào tháng 2/2011 với mức giá xấp xỉ 6.200 USD/tấn, giá cao su tự nhiên thế giới đã liên tục lao dốc và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, giá cao su bình quân tại thời điểm cuối tháng 6/2014 vào khoảng 2.100 USD/tấn, giảm 66% so với mức đỉnh của tháng 2/2011. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành vì thế mà bị ảnh hưởng. Doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính (EBIT) năm 2013 của các doanh nghiệp cao su tự nhiên niêm yết trên sàn đã sụt giảm lần lượt 35% và 60% so với năm 2011.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt tích cực hơn, các doanh nghiệp này chỉ bị giảm lãi, chứ tình hình làm ăn so với mặt bằng chung vẫn khá tốt. Năm 2013, EPS bình quân của các doanh nghiệp cao su tự nhiên niêm yết trên sàn đạt 6.200 đồng, trong khi ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu), ROA (lợi nhuận/tài sản) bình quân đạt lần lượt 16% và 11%. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính vẫn mạnh và đặc biệt là tỉ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính (tỉ lệ vay nợ ngắn hạn và dài hạn trên vốn chủ sở hữu) thấp, dao động ở mức 0,1-0,5 lần (năm 2013). Đem các chỉ số này đặt lên bàn cân, liệu có bao nhiêu nhóm ngành, bao nhiêu doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay có thể đạt được kết quả này?
Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này được quyết định bởi sản lượng khai thác, giá bán và chi phí. Sản lượng khai thác cao su Việt Nam trong những năm gần đây hầu như không tăng do quỹ đất thích hợp dành cho cây cao su tại Việt Nam gần như đã hết và đặc tính dài ngày của cây cao su. Thời gian chăm sóc cây cao su từ lúc bắt đầu trồng cho đến khi khai thác kéo dài từ 5-7 năm, đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn. Do đó, việc phát triển vườn cây cần được tính toán cẩn thận.
Hiện giá bán vẫn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến doanh thu, lợi nhuận của ngành. Trong khi đó, giá cao su tự nhiên thế giới là do yếu tố cung cầu thị trường quyết định. Từ năm 2010, tiêu thụ cao su liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân 3%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng nguồn cung giai đoạn này là 4,3%/năm, nhanh hơn so với nhu cầu. Đặc biệt, nguồn cung tại khu vực Đông Nam Á, vốn chiếm khoảng 75% nguồn cung cao su thế giới, tăng mạnh do diện tích đưa vào khai thác tăng. Điều này khiến giá cao su liên tục sụt giảm.
Theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) và Ngân hàng Thế giới (WB), giá cao su tiếp tục giảm nhẹ và sẽ thiết lập mặt bằng giá mới dao động ở mức 2.000-2.300 USD/tấn trong giai đoạn 2015-2020.
Với mức giá dự báo trên, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ ra sao? Nhìn vào cơ cấu chi phí của doanh nghiệp trong ngành, chi phí nhân công chiếm tỉ lệ cao nhất khoảng 34% doanh thu (chi phí nhân công tính theo quy định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Trước năm 2013, chi phí nhân công dao động từ 40-43%). Ngoài ra, còn có chi phí phân bón, khấu hao vườn cây. Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm từ 5-7% doanh thu. Chi phí tài chính hầu như không đáng kể do lượng tiền mặt của các doanh nghiệp ngành cao su khá dồi dào.
Theo tính toán của một công ty trong ngành (không muốn nêu tên), nếu cắt giảm chi phí phân bón và tiết kiệm các chi phí khác, giá bán hòa vốn của doanh nghiệp nằm ở mức 30 triệu đồng/tấn (tương đương giá thế giới xấp xỉ 1.500 USD/tấn). Với mặt bằng giá như dự báo của IRSG và WB, nhà đầu tư có thể kỳ vọng hiệu suất kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp vẫn sẽ được duy trì.
Ngoài ra, ngành cũng được sự hỗ trợ từ chính sách. Cụ thể là thuế xuất khẩu đánh trên mặt hàng cao su tự nhiên đã giảm từ 3- 5% năm 2011 xuống còn 1% vào năm 2013. Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn số 8881 gửi Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và các doanh nghiệp hội viên lấy ý kiến về việc sửa đổi thuế xuất khẩu mặt hàng cao su. Theo đó, thuế xuất xuất khẩu dự kiến giảm từ mức 1% xuống còn 0% đối với sản phẩm cao su thuộc nhóm HS 4001, 4002 và 4005. Việc giảm thuế xuất khẩu sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận và làm tăng tính cạnh tranh về giá của cao su Việt Nam.
Một diễn biến đáng chú ý là trong những năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã mở rộng sang Lào và Campuchia để phát triển các vùng trồng cao su. Hoàng Anh Gia Lai hiện có khoảng 44.500 ha vườn cây cao su tại Việt Nam, Lào và Campuchia và đã bắt đầu khai thác một phần. Cao su Phước Hòa (PHR) có khoảng 9.184 ha tại Kampong Thom, Campuchia. TRC cũng đang phát triển 7.600 ha tại tỉnh Oddar Meanchey của nước này. Còn DPR thì có 9.000 ha tại tỉnh Kratie. Không chỉ vậy, các công ty này còn tham gia góp vốn liên kết với các dự án trồng cao su khác tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Lào.
Việc phát triển các vườn cây mới tại Lào và Campuchia được xem là động lực chính cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp cao su tự nhiên Việt Nam trong trung và dài hạn. Đây rõ ràng là hướng tăng trưởng bền vững hơn so với việc tăng trưởng nhờ vào biến động giá bán.
Dẫu vậy, doanh nghiệp ngành cao su tự nhiên còn một nút thắt không dễ tháo gỡ: vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc năm 2013 đạt 1,13 tỉ USD, chiếm 45,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Trong 5 tháng đầu năm nay, con số này là 185 triệu USD, chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sự thuận lợi về vị trí địa lý và phân khúc khách hàng đa dạng khiến việc buôn bán mủ cao su sơ chế giữa Trung Quốc và Việt Nam dễ dàng hơn cho cả người bán lẫn người mua. Đó là chưa nói đến việc Trung Quốc hiện đang chiếm 33% tổng nhu cầu cao su tự nhiên trên thế giới nên việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường này là không hề đơn giản.
Nguồn NCĐT