Cao su Quảng Nam lấn sân thủy sản
Thông tin Công ty Cao su Quảng Nam (gọi tắt là quảng nam) mua lại 99% cổ phần của Thủy sản Viễn Đông là một bất ngờ đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành, bởi thủy sản là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với Quảng Nam. Trước đó, các công ty liên kết và công ty con của Quảng Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, phân bón, bất động sản, cao su và chưa từng bước chân vào lĩnh vực thủy sản.
Hành trình đổi ngành
Quảng Nam được thành lập vào năm 2003, với tên gọi Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn. Ban đầu công ty này chuyên sản xuất dây cáp đồng, sợi cáp quang học, cáp viễn thông... cung cấp cho các tập đoàn lớn như Viettel, FPT. Sau hơn 10 năm hoạt động, Công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Cao su Quảng Nam và bắt đầu thay đổi chiến lược do kinh doanh không hiệu quả. Trong 2 năm liên tiếp (2011 và 2012), Công ty đã làm ăn thua lỗ lần lượt 30 tỉ đồng và 36 tỉ đồng đồng thời bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch.
Tuy nhiên, ngay sau khi có lợi nhuận trở lại vào năm 2013, ngay lập tức Công ty chuyển hướng kinh doanh các mảng mũi nhọn như trồng, chế biến cao su, đầu tư mạnh vào bất động sản và khai khoáng. Trong đó, cao su là mảng mang lại doanh thu lớn cho Công ty. Thời điểm đó, cao su đang hút hàng và có mức giá tốt nên doanh thu năm 2014 của Công ty tăng 35% so với năm trước đạt 469,5 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng rất khả quan với 91,66 tỉ đồng.
Với vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng, Quảng Nam có 4 mảng kinh doanh với 4 công ty chính: Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Quảng Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Develyn, Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Nam và Công ty Cổ phần Quê Việt Quảng Nam. Công ty này còn một công ty liên kết là Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng với tỉ lệ nắm giữ 20%. Hiện nay, Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Sao Vàng là cổ đông lớn nhất với tỉ lệ sở hữu 10,27% vốn Quảng Nam.
Tuy nhiên, đến quý III/2015, ở thời điểm cao su liên tục rớt giá, Quảng Nam vướng vào thua lỗ lần nữa. Mặc dù doanh thu tăng 43% nhưng lợi nhuận lại giảm 19% so với cùng kỳ quý III/2014. Với việc giá cao su được dự báo tiếp tục lao dốc và không có dấu hiệu phục hồi, Quảng Nam quyết định chuyển sang thủy sản.
Thủy sản: Thử thách cam go
Hiện tại, tình hình của Quảng Nam không mấy thuận lợi. Năm 2015, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm tới 629 tỉ đồng, trong khi con số này chỉ âm 6 tỉ đồng vào năm trước. Vì thế, ngay giữa năm ngoái, Công ty đã phát hành cổ phiếu, tăng gấp đôi vốn điều lệ và thu về hơn 750 tỉ đồng. Khoản tiền này được Quảng Nam cho biết sẽ dùng để đầu tư vào những lĩnh vực mới, trong đó có thủy sản. Đây có thể sẽ là một thử thách đối với Quảng Nam bởi ngành thủy sản hiện không mấy khả quan, nhất là từ thị trường xuất khẩu.
Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu... đều sụt giảm mạnh về giá trị và thị phần giảm gần 2% so với năm trước. Những lô hàng xuất khẩu bị trả về liên tục khiến nhiều thị trường càng gia tăng áp dụng hàng rào kỹ thuật. Năm 2015, cá tra bị Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá gây bất lợi cho xuất khẩu. Chẳng hạn, 2 bị đơn bắt buộc Hùng Vương và Thuận An (Tafishco) bị áp mức thuế lần lượt 0,36 USD/kg và 0,48 USD/kg, 16 công ty bị đơn tự nguyện bị áp 0,6USD/kg, gây khó cho doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Đồng nội tệ của Indonesia, Ấn Độ... giảm giá mạnh, cũng khiến cho thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh về giá trên các thị trường xuất khẩu. Các thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật cũng giảm sản lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11.2015, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 228,6 triệu USD, giảm gần 23% so với cùng kỳ năm 2014.
Sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, Liên Minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan..., doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được hưởng lợi thế về thuế quan, nhưng cũng phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật ngày càng cao. EU và Mỹ tăng cường giám sát thủy sản khai thác bằng danh sách các loài có nguy cơ sẽ được xây dựng trên cơ chế truy xuất nguồn gốc tốn kém và phức tạp, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và nhà nhập khẩu Mỹ.
Khó khăn chồng chất khiến cho ngay cả các “ông lớn” như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn... cũng bị sụt giảm nguồn thu. Chẳng hạn như tại Hùng Vương, khó khăn về thị trường, gánh nặng về chi phí đã khiến doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm. Doanh thu quý III/2015 đạt 5.894 tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ đạt 48,6 tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với 199 tỉ đồng lợi nhuận quý III/2015. Vĩnh Hoàn cũng đạt doanh thu quý III 1.521 tỉ đồng, lợi nhuận 60 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với doanh thu 1.891 tỉ đồng và lợi nhuận 274 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Với các hàng rào kỹ thuật như quy trình thanh tra cá da trơn (Farm bill) từ tháng 3.2016, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Trong khi đó, Thủy sản Viễn Đông lại không phải là một doanh nghiệp mạnh trong ngành. Công ty không công bố nhiều thông tin ra thị trường nhưng tính đến tháng 11.2015, Viễn Đông không có mặt trong tốp 10 công ty có thị phần lớn về xuất khẩu thủy sản. Doanh nghiệp này hoạt động đa ngành nghề như sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản, bán lẻ lương thực thực phẩm, vận tải hàng hóa, kho bãi, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm...
Liệu với việc mua lại 99% cổ phần Viễn Đông, Quảng Nam có làm nên “chuyện lạ” lần này ở lĩnh vực thủy sản? Điều này còn chờ thời gian trả lời nhưng chắc chắn đó sẽ là con đường đầy chông gai.
Thanh Hương