Thứ Ba | 26/05/2015 07:30

Cao su Đồng Phú và áp lực duy trì tăng trưởng

Liệu Đồng Phú có thể duy trì tỷ suất lợi nhuận và mức cổ tức cao như hiện nay, giữa lúc cao su đang liên tục rớt giá ?

Mặc cho giá cao su tự nhiên cứ giảm dần, cổ đông của Công ty Cao su Đồng Phú ( DPR) vẫn được nhận cổ tức bằng tiền mặt lên đến 30%. Mức cổ tức này cho thấy cao su tự nhiên dường như là một ngành hấp dẫn nếu đứng ở góc độ đầu tư.

Tuy nhiên, trên thực tế, vài năm trở lại đây, các công ty có mô hình hoạt động đơn giản là cạo mủ và đem đi bán lại kinh doanh khá chật vật. Theo bảng xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam do NCĐT phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt khảo sát, số công ty cao su tự nhiên đang giảm dần. Kết quả năm 2013 cho thấy danh sách chỉ còn mỗi DPR, trong khi năm trước còn có Cao su Phước Hòa và Cao su Tây Ninh.

DPR duy trì vị trí trong bảng xếp hạng một phần nhờ vào nội lực. Theo đánh giá của Chứng khoán Maybank Kim Eng, DPR có quy mô lớn thứ 2 và năng suất cao nhất (2,2 tấn/ha) trong số các công ty cao su niêm yết. Còn Chứng khoán VPBS cho rằng DPR hiện có diện tích và độ tuổi vườn cây tốt nhất trong ngành, với tỉ lệ cây trong giai đoạn khai thác chiếm khoảng 70%.

Thế nhưng, tỉ suất lợi nhuận của DPR lại đang giảm dần. ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) trung bình giai đoạn 2011-2013 chỉ còn 31%, so với 40% giai đoạn 2009-2011. Áp lực duy trì tăng trưởng của DPR càng thấy rõ khi trong quý I/2015, sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán đều giảm.

Kết quả là doanh thu trong quý chỉ đạt 126 tỉ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ và cũng là mức doanh thu thấp nhất kể từ năm 2010. Công ty vẫn có lợi nhuận nhưng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận trong quý không phải từ việc bán mủ. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh chỉ đạt 12 tỉ đồng, trong khi khoản lợi nhuận khác lại ở mức 25,6 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015.

Ông Phạm Phi Điểu, đại diện công bố thông tin của DPR, cho biết phần thu nhập khác này chủ yếu đến từ việc thanh lý cây cao su. Cao su sau khoản thời gian dài khai thác (thông thường 20 năm) thì năng suất sẽ giảm đi rõ rệt. Khi đó, công ty chặt cây cũ lấy gỗ bán và trồng lại cây mới. “Khoản thanh lý này có thể mang lại lợi nhuận rất cao”, ông nói.

Theo Nghị quyết Hội đồng Quản trị năm 2015, năm nay DPR sẽ thanh lý khoảng 464 ha với giá bán bình quân dự kiến 200 triệu đồng/ha. Điều đó nghĩa là Công ty có khả năng thu được hơn 92 tỉ đồng từ việc thanh lý cây. Đến năm 2016, DPR dự kiến thanh lý tiếp 300-500 ha. Khoản thu này sẽ giảm bớt áp lực tăng trưởng cho DPR khi giá bán cao su sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, về lâu dài, yếu tố quan trọng nhất đối với các công ty cạo mủ như DPR vẫn là giá bán. Năm nay, Hội đồng Quản trị DPR dự báo giá bán bình quân chỉ đạt 31,5 triệu đồng/tấn. Trước đó, năm 2014 giá bán trung bình đạt 38,3 triệu đồng/tấn nhưng con số này là đã giảm 27,6 % so với năm 2013. Tại Đại hội cổ đông DPR vừa qua, đại diện của Tập đoàn Cao su thậm chí cho rằng đến năm 2020 giá bán cao su mới có thể đi lên được.

Nỗi lo về giá không chỉ của riêng DPR mà là của cả ngành. Ngày 8.5, tại Malaysia, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên đã họp bàn để tháo gỡ khó khăn về giá. Các nước đã thống nhất tham gia sàn giao dịch chung nhằm điều tiết và làm chủ thị trường. Đây là lần đầu tiên một phiên họp đặc biệt diễn ra giữa các cấp Bộ trưởng Nông nghiệp của các nước thành viên. Điều đó cho thấy thách thức về giá lớn đến mức nào.

Thiên Phong