Cao su Đà Nẵng khó đạt kế hoạch năm
Doanh thu tăng trưởng chậm
Trong khi, Quý IV, Công ty dự kiến lợi nhuận trước thuế ghi nhận 22,6 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) công bố Báo cáo Tài chính quý III với doanh thu thuần 890 tỉ đồng, tăng hơn 10 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm nhẹ do giá nguyên vật liệu giảm giúp lãi gộp đạt 109 tỉ, tăng 11%.
Công ty tiết kiệm được khá nhiều chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng chi phí tài chính lại tăng mạnh từ 17,4 tỉ lên 31 tỉ đồng dưới tác động của biến động tỷ giá hối đoái. Theo đó, công ty đạt lãi ròng 31 tỉ đồng trong quý III, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.551,7 tỉ đồng; lãi trước thuế 133 tỉ và sau thuế 106 tỉ đồng, lần lượt giảm 19% và 18%.
Năm 2018, công ty đề ra kế hoạch tổng doanh thu 4.592 tỉ đồng, lãi sau thuế 205,6 tỉ đồng. Như vậy, DRC mới thực hiện được 56% kế hoạch doanh thu và 65% kế hoạch lãi trước thuế.
Quý IV, để hoàn thành kế hoạch năm, công ty cần thực hiện được 1.902,6 tỉ đồng doanh thu và 72,6 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế.
Tuy nhiên, HĐQT cho biết khả năng thực hiện được vào khoảng 988 tỉ đồng doanh thu và 22,6 tỉ đồng lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc DRC có thể sẽ không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm.
Hưởng lợi từ giá cao su giảm
2 quý đầu năm 2018, Cao su Đà Nẵng báo lãi sau thuế hơn 54 tỉ đồng, tăng 54,3% so cùng kỳ năm ngoái do giá các sản phẩm tăng giá 5% từ quý 1 và giá nguyên vật liệu có xu hướng giảm.
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Cao su Đà Nẵng lần lượt đạt 965 tỉ đồng, tăng 7,4% so cùng kì năm ngoái và 54,4 tỉ đồng, tăng 54,3%. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh do giá các sản phẩm tăng giá 5% từ quý I và giá nguyên vật liệu có xu hướng giảm.
Sản lượng tiêu thụ lốp ô tô trong 6 tháng đầu năm 2018 của Cao su Đà Nẵng đạt 287.083 lốp, giảm 1,32% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó lốp Bias tiêu thụ đạt 197.917 lốp, giảm 1,94% và Radial đạt 89.166 lốp, tương đương cùng kỳ năm 2017. Lốp Bias giảm chủ yếu do việc giảm 11% tiêu thụ lốp ô tô tải nhẹ, chiếm 60% sản lượng tiêu thụ lốp Bias.
Mặt khác, tình trạng cạnh tranh cao và tiêu chuẩn Euro 4 gây khó khăn cho Cao su Đà Nẵng trong việc tiêu thụ lốp cho các đối tác lớn như Thaco, TMT.
Về tiêu thụ lốp Radial, sản lượng tiêu thụ không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ lốp Radial trong 2 quý đầu năm 2018 đạt 89.166 lốp, xuất khẩu 61.493 lốp, chủ yếu xuất khẩu sang Brazil, Malaysia và Ấn Độ (70% sản lượng).
So với quý I/2018, giá cao su tự nhiên trong quý II/2018 tiếp tục giảm 0,82%, giá cao su nhân tạo tăng nhẹ 0,79% sau khi giảm 13,71%, giá hóa chất giảm 17% giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 17% chi phí nguyên vật liệu/sản phẩm.
Điều này cũng góp phần cải thiện biên lợi nhuận gộp trong 2 quý đầu năm 2018 lên mức 14,28% (cùng kỳ 12.97%).
Tới đây, nhà máy Radial giai đoạn 2 đã hoàn thành những hạng mục lớn và đã bàn giao tài sản qua công ty tính đến hết quý 2 là 406 tỉ đồng. Dự kiến quý IV/2018 sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động.
Theo đánh giá của Chứng khoán BSC, với việc đưa giai đoạn 2 của nhà máy vào hoạt động và hoạt động hết công suất, chi phí khấu hao/sản phẩm sẽ giảm 40% so với hiện tại. Điều này giúp Cao su Đà Nẵng tiết kiệm được khoảng 160 tỉ đồng chi phí sản xuất hàng năm so với hiện nay.
Được biết, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang sở hữu 50,51% vốn điều lệ của Cao su Đà Nẵng. Theo đề án được chính phủ phê duyệt, Vinachem sẽ thoái vốn tại DRC xuống 36%. Điều này nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.