Cạnh tranh giành thị trường cà phê
Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập vào năm 2015, những nước trong khu vực ASEAN sẽ có nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường chế biến cà phê tại Việt Nam nên sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp ngoại và nội sẽ rất khốc liệt.
Theo Hiệp hội cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa), Việt Nam là nước XK cà phê đứng thứ 2 thế giới (sau Brazil), chiếm khoảng 19% sản lượng giao dịch toàn cầu, trong đó cà phê Robusta đứng số 1 thế giới. Niên vụ 2013 – 2014 cà phê XK của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn với kim ngạch XK là 3,4 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng, nhưng chỉ tăng 12,5% về kim ngạch XK.
Tại hội nghị tổng kết niên vụ cà phê, ca cao 2013-2014 vừa được Vicofa tổ chức tại TPHCM, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho hay, mặc dù từ năm 2012 Bộ NN&PTNT đã có khuyến cáo các địa phương nên giữ diện tích trồng cây cà phê ở mức 500.000ha, nhưng tính hết năm 2013 tổng diện tích cà phê cả nước đã hơn 635.000ha.
Diện tích cà phê của Việt Nam phát triển nhanh nhưng thiếu tập trung, manh mún, gần 90% diệt tích thuộc về các hộ cá thể, cao nhất 1-2ha; còn diện tích sản xuất tập trung chỉ khoảng 10%. Đặc biệt, diện tích cây cà phê già trên 20 năm tuổi hiện nay chiếm tới khoảng 90.000 ha, chiếm trên 17% tổng diện tích cà phê cả nước. Bên cạnh đó, còn trên 40.000ha cà phê dưới 20 tuổi có biểu hiện già cỗi, năng suất và chất lượng thấp, không đạt tiêu chuẩn XK nhưng người dân vẫn phải giữ lại vì không đủ năng lực tài chính để trồng tái canh.
Theo ông Tự, tình trạng người trồng cà phê thu hoạch trái xanh, non chưa đạt độ chín theo yêu cầu về chất lượng còn khá phổ biến. Khâu phơi sấy, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch lại quá thủ công và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Cụ thể, khi thu hoạch, nông dân thường bỏ quả tươi vào máy xay làm tróc vỏ để giảm thời gian phơi, nhưng khi gặp mưa dễ làm hạt cà phê bị mốc dẫn đến chất lượng cà phê XK chất lượng chưa cao, giá bán thấp.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT cho biết, tổng công suất của các nhà máy, cơ sở chế biến cà phê của Việt Nam hiện đã đạt trên 1,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản phẩm của các nhà máy chưa đa dạng về chủng loại, vẫn chủ yếu là sản xuất cà phê hòa tan tiêu thụ nội địa. Các cơ sở rang xay cà phê cũng phát triển mạnh nhưng không đồng bộ, chủ yếu rang xay thủ công, nhỏ lẻ không có thương hiệu.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa cho rằng, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập từ năm 2015, các nước ASEAN sẽ có nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường chế biến cà phê tại Việt Nam, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp ngoại và nội sẽ rất khốc liệt. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại đang đàm phán như TPP, FTA với EU… cũng sẽ là những thách thức đối với doanh nghiệp nội địa.
Ông Nam khuyên, để có cà phê sạch, phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên kết với nông dân giúp họ về cây giống, tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu thu mua sản. Hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy chế biến tại Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc này.
Nguồn Lao động