Cảnh giác với cổ phiếu ảo
Không dễ chịu gì nếu mua nhầm cổ phiếu ảo, tức những cổ phiếu phát hành không dựa trên giá trị. Theo thời gian, giá các cổ phiếu này sẽ giảm sâu và nhà đầu tư có nguy cơ bị mất trắng. Làm sao nhận diện được cổ phiếu ảo để tránh tiền mất tật mang?
Từ những gương mặt đã ít nhiều lộ diện như MTM của Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất Nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung hay TOP của Công ty Cổ phần Phân phối TopOne, nhà đầu tư có thể nhận dạng được một số đặc điểm chung của những cổ phiếu ảo.
Đầu tiên là cổ phiếu ảo thường được đẩy giá, tạo thanh khoản mạnh mẽ ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên. Lúc mới ra mắt thị trường (15.4.2016), cổ phiếu MTM đã tăng kịch trần 40%. Thanh khoản của MTM cũng không thua kém bất cứ cổ phiếu blue-chip nào khi giao dịch chuyển nhượng hàng triệu đơn vị mỗi phiên. Nhưng chỉ sau khoảng 2 tháng giao dịch, MTM đã bốc hơi 80% giá trị, từ 14.700 đồng/cổ phiếu còn chỉ 2.600 đồng/cổ phiếu (17.6.2016). Đáng chú ý, với một loạt thông tin gây hoang mang như MTM chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế, trụ sở là một quán ăn, địa chỉ chi nhánh tại Hà Nội là một phòng khám răng hàm mặt..., từ ngày 20.6.2016, cổ phiếu MTM đã bị tạm dừng giao dịch.
Cổ phiếu ảo còn có đặc điểm là được phát hành ồ ạt nhằm giúp các công ty đạt mục tiêu tăng vốn điều lệ chỉ trong thời gian ngắn. MTM, chẳng hạn, đã tăng vốn ngoạn mục từ 10 tỉ đồng (năm 2012) lên 100 tỉ đồng (năm 2013). Một năm sau, công ty này tiếp tục tăng vốn gấp 3 lần lên 310 tỉ đồng. Tương tự, quy mô vốn điều lệ của TOP cũng tăng “thần kỳ” từ 3 tỉ đồng cuối năm 2014 lên 39 tỉ đồng vào tháng 1.2015. Đặc biệt, kể từ khi lên sàn UpCOM (23.7.2015), TOP tiếp tục tăng vốn để đạt đến quy mô 253,5 tỉ đồng. Cả hai lần tăng vốn sau khi lên sàn của TOP đều là phát hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tức cao gấp 3 lần thị giá giao dịch.
Vậy ai đã hào phóng bỏ tiền mua cổ phiếu TOP với giá chênh lệch như vậy? Theo cách hiểu bình thường, đối với những cổ phiếu có thị giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu và doanh nghiệp không có thặng dư tương đương để phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, một số cổ đông lớn sẽ chấp nhận mua cổ phiếu giá cao để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoặc giữ tỉ lệ chi phối tại đây. TOP không đi theo cách phổ biến này. Có 17 cá nhân đã chi tiền, tham gia vào hai đợt tăng vốn trong năm nay của TOP. Nhưng đáng nói là các cổ đông hiện hữu của TOP đang phải “ôm” khoảng 9 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành tháng 4 năm nay. Trong khi đó, nhóm cổ đông lớn của TOP lại đứng ngoài cuộc chơi.
Tình nghi cổ phiếu ảo nếu đi cùng tăng vốn điều lệ là những biến động mạnh về nhân sự. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014, trong lần tăng vốn từ 3 tỉ đồng lên 39 tỉ đồng (tháng 1.2015), hai chức danh quan trọng nhất ở TOP là Chủ tịch và Tổng Giám đốc được giao cho ông Nguyễn Thế Trịnh. Và trong 3 cổ đông ở TOP, chỉ còn 1 người là cổ đông sáng lập. Sang đến đợt phát hành cổ phiếu tháng 2.2016, ban quản trị được bầu lại với những gương mặt mới. Đáng chú ý là ban lãnh đạo hiện tại ở TOP phần lớn đều thuộc thế hệ 8X và hầu như không nắm giữ cổ phiếu TOP.
Điều tương tự cũng diễn ra ở MTM. Sau khi tăng vốn lên 310 tỉ đồng, tháng 12.2014, MTM thay đổi chức danh giám đốc. Một năm sau, ghế nóng này chuyển giao cho một cá nhân khác. Khoảng giữa năm 2015, một đại hội đồng cổ đông bất thường đã diễn ra, thay đổi toàn bộ 8 thành viên ban quản trị và ban kiểm soát ở MTM. Lý do được Công ty đưa ra là cơ cấu cổ đông bị thay đổi nên những thành viên cũ không còn phù hợp. MTM hiện không có cổ đông nào nắm trên 5% vốn.
Cổ phiếu ảo có đặc điểm là được phát hành ồ ạt nhằm giúp các công ty đạt mục tiêu tăng vốn điều lệ chỉ trong thời gian ngắn. Ảnh: 123rf.com |
MTM, TOP đã tăng vốn mạnh mẽ và thành công trót lọt. Nhưng điểm chung của các công ty này là nguồn vốn lại phân bổ vào những khoản “phi tài sản”. Theo thông tin công bố vào tháng 3.2016, trong 343,4 tỉ đồng tổng tài sản tính đến hết năm 2014 (chưa có con số của năm 2015), hơn 90% là các khoản phải thu ngắn hạn và khoản đầu tư tài chính dài hạn. Cơ cấu tài sản mất cân đối này đặt ra nhiều nghi ngại, nhất là khi nhìn vào đặc điểm ngành nghề kinh doanh khai thác khoáng sản (quặng sắt, đá hạt..) của MTM lẽ ra cần một cơ cấu tài sản cân bằng hơn. Với TOP, 88% tài sản cũng nằm ở khoản phải thu ngắn hạn. TOP gần như không có tài sản dài hạn, ngoài khoản mục tài sản cố định mới ghi nhận thêm 1,5 tỉ đồng trong quý I/2016.
Dù TOP hoạt động trong ngành phân phối, với vai trò là đại lý cấp 1 cho Tribeco, Cà phê Trung Nguyên, Chè Kim Anh, sản phẩm bánh Leibniz..., nghĩa là TOP có thể không cần quá ưu tiên cho đầu tư tài sản cố định, nhưng với một cơ cấu tài sản phụ thuộc vào khoản phải thu ngắn hạn, không thể không nghi ngại về thực lực của công ty này.
Bằng chứng là cả TOP lẫn MTM đều gặp vấn đề về dòng tiền. Theo số liệu gần nhất của TOP, tiền từ kinh doanh bị âm. Tính đến cuối quý I/2016, TOP chỉ có hơn 3 tỉ đồng tiền mặt. Đối với MTM, số liệu năm 2014 cho thấy, nếu không có các khoản huy động từ nhà đầu tư, nguồn tiền của MTM đã bị âm trầm trọng.
Các công ty như MTM, TOP rõ ràng đang dựa vào nguồn vốn rót từ nhà đầu tư. Nhưng nguồn vốn ấy được sử dụng ra sao, đạt hiệu quả thế nào lại là ẩn số. Lâu nay, MTM là doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu từ kinh doanh thương mại quặng sắt và đá hạt. Nhưng theo báo cáo thường niên của MTM, từ năm 2016 và các năm tiếp theo, định hướng của MTM là chỉ duy trì các hợp đồng hiện có nếu có lãi, chứ không mở rộng thêm. Việc khai thác khoáng sản cũng tạm dừng. Đặc biệt, đối với dự án mỏ chì kẽm đa kim Sáo Sào tại Bắc Cạn - dự án mà cách đây chưa lâu, MTM đã góp 80% vốn, tương đương 120 tỉ đồng - giờ Công ty lại chủ trương rút vốn toàn bộ.
MTM đang trông đợi ở mảng mới là thực hiện và phân phối độc quyền dự án trung tâm thương mại và nhà ở thương mại tại Bắc Ninh. Nghĩa là MTM tính chuyện bỏ dần mảng cốt lõi để thay bằng hoạt động bất động sản. Nhưng tương lai bất động sản của MTM lại không rõ ràng. Người mua cổ phiếu MTM có lẽ đã bỏ qua hàng loạt tín hiệu đáng ngờ, từ diễn biến cổ phiếu, từ hoạt động quản trị đến tình hình kinh doanh để tin vào các con số trước mắt, tin vào viễn cảnh tốt đẹp từ những kế hoạch vẽ ra và phiêu lưu vào đó.
Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cảnh báo, nhà đầu tư cần lưu ý đến các đặc điểm kể trên để tránh đầu tư sai lầm, khiến tiền mất tật mang.
Viết Nguyên