Nhận hàng từ thiện trong mùa dịch. Ảnh: Quý Hòa

 
Hoàng Hà Thứ Hai | 04/05/2020 08:00

Cảnh giác nguy cơ lạm phát đình đốn

Dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội lâu ngày có thể dẫn đến lạm phát đình đốn.

Báo cáo mới nhất của World Bank “Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19” dự báo đại dịch có thể đẩy lùi tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay xuống còn 4,9%, thấp hơn khoảng 1,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, thậm chí có thể chạm mốc 1,5% trong kịch bản xấu hơn. Trong đó, đáng chú ý, áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời, phản ánh tính chất bất định của giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu, cũng như khả năng bị gián đoạn thương mại.

Dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội lâu ngày có thể dẫn đến lạm phát đình đốn, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, sản lượng suy giảm trong khi giá cả và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Theo báo cáo quý I của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 34.900 doanh nghiệp đóng cửa, 2 triệu lao động nguy cơ mất việc làm. Hoạt động sản xuất trì trệ, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ dẫn đến sản lượng trong nền kinh tế sụt giảm mạnh. Nguồn cung đến lúc nào đó rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu sẽ đẩy giá cả tăng lên, nhất là không khống chế được nạn tích trữ, đầu cơ hàng hóa. Trong khi đó, về phía cầu của nền kinh tế, các chính sách nới lỏng nếu không đi đúng mục tiêu, tiền rẻ sẽ càng đẩy giá cả các loại hàng hóa lên.

Có thể thấy khó khăn của các nhà điều hành là nếu tiếp tục nới lỏng, bơm thêm tiền để kích thích kinh tế thì lại gây áp lực lên lạm phát leo thang, ngược lại nếu thắt chặt sẽ càng khiến suy thoái thêm trầm trọng. Trong nhiều trường hợp, các chính phủ lựa chọn chấp nhận suy thoái tạm thời để đẩy lùi lạm phát trước, ổn định giá trị tiền tệ, sau đó mới sử dụng nhiều giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế đi lên trở lại.

Nỗi đau lạm phát từng nhiều lần xảy ra với kinh tế Việt Nam ở mức tăng trên 2 con số. Điển hình như lạm phát năm 2008 tăng 23%, gấp khoảng 3 lần mức tăng GDP; năm 2010 ở mức 11,75%, gấp gần 2 lần mức tăng GDP. Lạm phát năm 2011 ở mức 18,58%. Nguyên nhân chủ yếu là do tín dụng được bơm mạnh vào nền kinh tế... Sau các bài học này, Chính phủ luôn kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, giảm áp lực cung tiền vào hệ thống và luôn theo dõi sát sao lạm phát.

“Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỉ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau dịch, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng. Ngược lại, nếu để xảy ra lạm phát, mất ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải bệnh dịch, lúc đó kinh tế sẽ đình trệ...”, báo cáo tháng 4 của Đại học Kinh tế Quốc Dân khuyến cáo.

Việt Nam đang kiểm soát lạm phát khá tốt. CPI tháng 3 so với tháng 2 có giảm với mức giảm 0,72%. Tuy nhiên, tỉ lệ lạm phát tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao và vẫn nằm ngoài mục tiêu kiểm soát lạm phát trung bình cả năm dưới 4% của Chính phủ. Mặc dù vậy, sau 4 tháng tăng mạnh liên tiếp, CPI đang có chiều hướng giảm. Ngoài ra, gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng của Chính phủ nếu là cho vay mới thì thực tế cũng chỉ xấp xỉ gần 22% mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu trong năm nay (hơn 1,1 triệu tỉ đồng), nên có lẽ cũng không gây áp lực lên cung tiền.

Có thể thấy lần tiềm ẩn lạm phát thời điểm này có nguyên nhân chính đến từ giá hàng hóa. Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) chỉ ra: Lạm phát cuối năm 2020 sẽ chịu tác động bởi nhiều nhóm yếu tố. Nhóm yếu tố điều hành đã đặt ra từ đầu năm như tăng lương cơ sở từ ngày 1.7; tăng học phí, viện phí theo lộ trình. Nhóm yếu tố thị trường, giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh.

Tuy nhiên, dự kiến lạm phát tại Việt Nam sẽ suy giảm khi nhiều nhóm hàng sẽ giảm giá gồm xăng dầu, thực phẩm (do nguồn cung thịt heo phục hồi trở lại), dịch vụ vui chơi ăn uống ngoài gia đình (do sức cầu thấp). “Vì triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới suy giảm, thậm chí là suy thoái, tăng trưởng âm nên giá nguyên vật liệu xăng dầu không thể tăng được. Thậm chí, giá xăng dầu gần đây còn rớt xuống mức thấp kỷ lục do cuộc chiến giá cả giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ. Điều này sẽ kéo lạm phát xuống, xu hướng lạm phát sẽ giảm trong thời gian tới”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định.
Có thể thấy, mục tiêu lạm phát năm 2020 dưới 4% có thể đạt được. Dù vậy, do yếu tố phức tạp và bất ngờ của dịch bệnh, vấn đề lạm phát do đứt gãy nguồn cung vẫn hiện hữu. Điều này đặt ra những thách thức không thể chủ quan cho nỗ lực kiểm soát giá cả thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều yếu tố khó lường.