destinations.boatsters.com
Cảnh báo dòng vốn FDI từ “thiên đường thuế”
Trong niềm hào hứng về đầu tư nước ngoài và sự sốt sắng đạt tăng trưởng kỳ vọng, nhiều năm nay, dòng tiền từ các “thiên đường thuế’’ như British Virgin Islands (BVI), Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Cayman, Bermuda, Panama, Luxembourg, Bahamas, Panama... vẫn rộng cửa vào Việt Nam, kéo theo đó là nhiều lo ngại.
Nhiệm vụ bất khả thi
Theo công bố mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm, chỉ riêng “thiên đường thuế” BVI đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới trên 1 tỉ USD, trong đó riêng góp vốn, mua cổ phần đã gần 850 triệu USD. Nhiều người đã lo lắng trước thực trạng này bởi dòng tiền từ “thiên đường thuế’’ tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi hàng rào kỹ thuật và thuế của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện.
Hoàn toàn có thể chia sẻ với những lo ngại nói trên nhưng cũng phải nói thêm rằng, đây cũng không phải là một thông tin quá bất ngờ. Trong năm 2016, BVI cũng đứng vị trí thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, lũy kế vào khoảng 21,1 tỉ USD. Ngoài BIV, những “thiên đường thuế’’ khác như Singapore, Hồng Kông vẫn luôn nằm trong top 10 các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nói như luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, CEO Trường Doanh nhân BizLight, khi trao đổi với NCĐT, “chúng ta đã không có đủ sự cảnh giác”.
Nhận định của vị chuyên gia càng nên được cân nhắc khi xem xét cơ cấu đầu tư từ các địa chỉ nói trên. Sẽ còn khó khăn hơn nếu việc đầu tư đi lòng vòng, tương tự mô hình sở hữu chéo tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Đơn vị quản lý vấn đề đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã chỉ rõ, luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam không chỉ đến từ các công ty đăng ký thành lập tại Mỹ mà còn thông qua một số chi nhánh của họ hoạt động tại BVI. Đó là các trường hợp của Intel, Chevron, Procter & Gamble (P&G) hay ConocoPhillips... Tránh hoàn toàn vấn đề chuyển giá quả thật là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Luật sư Bùi Quang Tín chỉ rõ: “Thực tế là trình độ chuyển giá ở các thiên đường thuế đã rất cao trong khi khả năng kiểm soát ở Việt Nam lại rất hạn chế. Dù muốn và quyết tâm làm, với những lỗ hổng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ, chúng ta chưa có cơ quan chuyên trách điều tra thuế, những cản trở khách quan và chủ quan trong việc xác định thuế máy móc nguyên liệu đầu vào, trình độ năng lực còn hạn chế của các cán bộ hữu trách, việc kiểm soát hoàn toàn vấn đề chuyển giá là không thể thực hiện. Đáng buồn hơn, Việt Nam vẫn chưa thực sự cảnh giác với dòng tiền từ các thiên đường thuế này”.
Ngoài vốn FDI, dòng tiền từ “thiên đường thuế” đang chảy nhiều hơn đến sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam với tâm điểm là các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, vận tải hàng không... Theo những thông tin được công bố chính thức, các quỹ đầu tư thuộc công ty quản lý Dragon Capital (có trụ sở tại BVI), nhà đầu tư tài chính lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đã có hàng loạt giao dịch mua bán cổ phần với giá trị lớn tại nhiều doanh nghiệp khác nhau như Thế Giới Di Động, Viglacera, PNJ, KBC, FPT, VCSC... Bàn về mặt trái trong việc kiểm soát chuyển tiền thông qua hình thức đầu tư cổ phần, ông Bùi Quang Tín giải thích: “Nếu dòng tiền chảy trực tiếp vào Việt Nam, việc kiểm soát dù sao cũng sẽ dễ dàng hơn. Nếu có tình trạng chuyển giá, cơ quan chức năng sẽ dễ phát hiện hơn. Trong trường hợp họ chọn cách đầu tư cổ phần, cổ phiếu và móc ngoặc được với đơn vị nhận đầu tư, việc kiểm soát đã khó lại càng khó”.
Còn nhớ, đầu năm 2015, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên cao cấp của Liên hiệp Quốc, đã chỉ ra một con số giật mình: 33 tỉ USD của Việt Nam đã bị chảy ra nước ngoài không hợp pháp chỉ trong vòng 6 năm. Phía sau con số ấy là nhập lậu và có dấu hiệu tham nhũng.
Một cảnh báo đỏ khác
Trong một thị trường mở và bị ràng buộc bởi những quy tắc thương mại, Việt Nam không thể từ chối dòng đầu tư từ các quốc gia, trong đó có những “thiên đường thuế”. Nếu không kiểm soát được, chúng ta buộc phải gánh những hệ lụy. Luật sư Bùi Quang Tín chỉ rõ: “Đầu tiên là thất thu ngân sách nhà nước. Thứ 2, khi những dấu hiệu chuyển giá không được làm rõ và nghiêm trị, môi trường kinh doanh sẽ bị méo mó. Chưa kể, họ còn rộng cửa lũng đoạn chính sách tiền tệ và tài khóa, thậm chí là lũng đoạn các biện pháp điều hành kinh tế của nước sở tại. Thêm nữa, nếu không kiểm soát tốt luồng tiền vào và ra khỏi lãnh thổ, những dòng đầu tư kiểu như vậy sẽ tiếp tục đổ vào. Dòng tiền bẩn từ tham nhũng, hối lộ và các hoạt động phi pháp xảy ra tại Việt Nam cũng sẽ chuyển đi theo cách đó”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại đặc biệt lo ngại, khi mục tiêu đạt bằng được mức tăng trưởng đã đề ra vẫn rất nặng nề trong tư tưởng điều hành, quản lý kinh tế, chúng ta dễ dãi hơn với các nhà đầu tư. Không chỉ “thiên đường thuế”, nguy cơ hiện hữu trước mắt là Việt Nam trở thành điểm đến của công nghệ lạc hậu. “Việt Nam cần phải lựa chọn những nhà đầu tư nghiêm túc, công nghệ tốt, có hệ thống phân phối đàng hoàng tầm thế giới. Phải nhìn thẳng vào chất lượng nhà đầu tư, còn xuất xứ của họ chỉ là một tham số. Chỉ có điều, lâu nay, chúng ta giám sát không tốt đến mức nhiều nhà đầu tư đàng hoàng vẫn chuyển giá”, bà Phạm Chi Lan thẳng thắn.
Việt Nam nên dừng việc giảm thuế suất, từng bước cải thiện hệ thống pháp luật về thuế, cân nhắc yêu cầu công khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Bên cạnh đó, cần công bố số ngân sách chi ra từ ưu đãi thuế, phân tích chi phí và lợi ích, giảm dần việc sử dụng ưu đãi thuế. Giải pháp cho vấn đề này, bà Babeth Ngoc Han Lefur, Giám đốc Quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cho rằng các nước đang phát triển cần xây dựng hệ thống thuế để tăng nguồn thu trong nước, tránh việc phụ thuộc vào các loại thuế gián thu như thuế VAT đang tăng gánh nặng lên người lao động.