Căng thẳng ra tòa, bất ngờ Vinasun và Grap muốn tự hòa giải
Bất ngờ hòa giải
Đến hẹn lại lên, sáng ngày 30.11, tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ kiện "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab (Grab).
Tuy nhiên, một tình tiết đáng chú ý là đại diện hai bên đến tòa có đề nghị muốn hòa giải. Theo Hội đồng xét xử đây là dấu hiệu tích cực, nhưng theo quy định thì thẩm phán không thể đứng ra tiến hành hòa giải vì phiên tòa đang diễn ra.
Theo quy định pháp luật, nếu vụ việc có thể hòa giải trong thời gian chuẩn bị xét xử thì thẩm phán có thể hòa giải. Khi Hội đồng xét xử quay lại phần xét hỏi, cả đại diện của hai công ty Vinasun và Grab đề nghị tạm dừng phiên tòa, để hai bên có thời gian ngồi lại với nhau nhằm đưa ra phương án hòa giải.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa theo đề nghị của hai bên, thời gian tạm dừng không quá 1 tháng và sẽ được thông báo lịch xử sau. Đây là phiên tòa thứ 5 sau 4 lần mở phiên tòa nhưng Hội đồng xét xử cho tạm dừng phiên xử. Vụ án cũng từng một lần tạm đình chỉ, hai lần hoãn phiên xử.
Ở các phiên xét xử lần trước, các bên đều giữ nguyên quan điểm của mình. Đại diện Vinasun giữ nguyên quan điểm yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại và hoàn toàn đồng ý kết quả giám định cùng văn bản giải thích của Công ty Cửu Long. Vinasun cho rằng có đủ bằng chứng khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, không phải doanh nghiệp kinh doanh công nghệ như Đề án 24.
Trước tòa, cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ
Tháng 6 năm ngoái, Vinasun kiện Grab "vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường". Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải, nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.
Vinasun cho rằng hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho công ty này. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỉ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỉ nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.
"Vụ kiện đã kéo dài hơn một năm nhưng nguyên đơn chưa chứng minh được thiệt hại xảy ra, cũng như mối quan hệ nhân quả với sự tác động của Grab. Còn bị đơn cũng quá mệt mỏi vì mất thời gian trong khi không có lỗi. Đây là một trong những lý do mà cả hai bên quyết định đàm phán", luật sư Lưu Tiến Dũng (bảo vệ Grab) chia sẻ với báo chí.
Ngược lại, đại diện ủy quyền của Grab cho rằng kết luận giám định của Công ty Cửu Long đã không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab đối với thiệt hại của Vinasun nên yêu cầu đình chỉ vụ án.
Phía Grab cho rằng tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Họ không thay đổi ngành nghề kinh doanh như đã đăng ký với các cơ quan chức năng là "cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải" và không hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi. Mức giá Grab áp dụng cho khách hàng là do hợp tác xã đưa ra.
Nhiều lần tại tòa, Grab bác bỏ kết quả giám định thiệt hại của Vinasun mà Công ty Cửu Long đưa ra "vì không có cơ sở". Bị đơn cũng công bố nghiên cứu thị trường cho thấy Vinasun mất khách hàng đến từ nhiều nguyên nhân như: thái độ của tài xế, thời gian chờ xe lâu, chất lượng xe...
Về việc hoà giải giữa hai bên, phía Grab, cho biết “Chúng tôi hài lòng với kết quả ngày hôm nay, một kết quả tích cực dành cho tất cả mọi người khi các bên cân nhắc hướng thỏa thuận ôn hòa để giải quyết vụ kiện. Chúng tôi cũng ghi nhận lời đáp của Vinasun đối với thiện chí hợp tác của Grab để cùng tạo ra những giá trị cộng thêm cho ngành vận tải… Vượt ra ngoài khuôn khổ phiên tòa này, các doanh nghiệp taxi và các công ty công nghệ có thể cùng tồn tại song song, cùng học hỏi lẫn nhau để phát triển và góp phần giải quyết những thách thức to lớn của ngành giao thông vận tải.”
Hồi tháng 10, sau một tuần xét xử, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận đơn kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường gần 42 tỉ. Tòa dự kiến tuyên án vào 29.10, nhưng sau đó bất ngờ trở lại phần xét hỏi để làm rõ thiệt hại của Vinasun.