Căng thẳng dòng tiền, lãi suất
Trước hiện tượng này nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên bỏ trần lãi suất để thị trường tự điều chỉnh đến điểm cân bằng, nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế. Tuy nhiên, xét trên thực tế NHNN khó bỏ trần lãi suất bởi nguyên nhân gốc rễ của cuộc đua lãi suất là nợ xấu vẫn chưa được giải quyết.
Từ đầu năm đến nay, việc tăng lãi suất huy động đã thu hút người gửi tiền chọn tìm nhà băng có lãi suất nhỉnh hơn, hay chương trình khuyến mại lớn. Chị Ngọc Hoa (TP.HCM) vừa đáo hạn khoản tiền gửi đang tìm kiếm các NH có biểu lãi suất cao. Theo tư vấn của nhân viên phòng giao dịch của SCB trên địa bàn quận Gò Vấp, tiền gửi kỳ hạn 6 tháng với lãi suất lãnh hàng tháng 6,36% và lãnh cuối kỳ 6,65%. Mức lãi suất này cao hơn 0,3% so với biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm thông thường áp dụng từ ngày 25-2 trên webiste của NHNN 6,14% và 6,3%.
Theo nhân viên này, lãi suất ở đây thay đổi liên tục và khuyến khích người gửi tiền kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao. Mức lãi suất cao nhất áp dụng tại SCB kỳ hạn 18 tháng là 7,55%/năm, thậm chí 7,65%/năm đối với cá nhân mở mới gửi online. Ngoài ra để hút tiền gửi, SCB đang áp dụng chương trình cộng thêm lãi suất 0,05% kỳ hạn 6 tháng trở lên cho những khách hàng trên 40 tuổi.
Còn theo nhân viên giao dịch VietBank chi nhánh TP.HCM, khách hàng gửi tiền và thực hiện các giao dịch khác tại quầy sẽ có cơ hội quay thưởng để nhận quà từ NH, trong khi gửi tiết kiệm online không được áp dụng.
Hiện tại, lãi suất kỳ hạn 3 đến dưới 5 tháng nhà băng này áp dụng sát trần 5,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng 6,6%/năm; mức lãi suất cao nhất 7,5%/năm cho kỳ hạn 18-24-36 tháng. Tuy nhiên, OCB đang là NH áp dụng mức lãi suất cao nhất với mức 8%/năm kỳ hạn 36 tháng; 24 tháng 7,8%/năm và 18 tháng 7,6%/năm; kỳ hạn dưới 6 tháng sát trần 5,5%/năm; riêng kỳ hạn 2 tháng nếu gửi online sẽ được cộng thêm 0,1% thành 5,5%/năm.
Trước sự nhanh nhạy của nhóm NH tầm trung, các NH lớn cũng không thể đứng ngoài cuộc. VietinBank, BIDV đã áp dụng mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng sát trần 5,5%/năm, các kỳ hạn dài khác cũng tăng 0,3-0,5%. VCB và Maritimebank đã nâng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn với mức nâng 0,2-1%. LienVietPostbank nâng lãi suất huy động kỳ hạn 3-4 tháng thêm 0,2-0,4% và kỳ hạn 18-36 tháng thêm 0,1-0,5%. Agribank, ABBank, Sacombank và PVCombank nâng lãi suất huy động thêm 0,1-0,7%. Trong khi đó MB, VIB và SHB nâng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài thêm 0,1-0,6%.
Theo nhìn nhận từ giới phân tích, việc các NH đua tăng lãi suất tiền gửi chủ yếu xuất phát từ thay đổi của Thông tư 36, trong đó có nội dung đưa tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% giảm về 40%. Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ cho vay ngắn hạn của NH hiện nay đã sát 40%. Do đó, nếu áp Thông tư 36 được sửa đổi như dự thảo công bố, các NH không còn vốn cho vay, buộc phải tăng lãi huy động lên để tăng nguồn vốn.
Có nên bỏ trần lãi suất huy động?
Hiện nay NHNN đang áp dụng chính sách tiền gửi bằng VNĐ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng 1%/năm, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 5,5%/năm; riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 6%/năm. Mới đây tiền gửi USD cũng đã đưa về mức 0%. Vì thế, việc nhiều NH huy động kỳ hạn ngắn sát mức trần cho phép và linh hoạt tăng lãi suất kỳ hạn dài, khiến việc bỏ hay không trần lãi suất huy động lại được đặt ra.
Trong giai đoạn 2008-2011, các NH nhỏ chạy đua lãi suất và NHNN phải đưa ra yêu cầu áp dụng trần lãi suất, dù trước đó đã bỏ vào năm 2002. Nếu như lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng ở dưới xa mức trần trong năm 2015 do lạm phát thấp, từ tháng cuối năm 2015 đến nay đã tăng mạnh. Sự căng thẳng trên thị trường tiền tệ thể hiện ở lãi suất liên NH cho đến đầu tháng 4-2016 đã có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm đã tăng 0,08%, lên mức 3,61%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 0,1% lên mức 3,91%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,11% lên mức 4,16%/năm.
Thực tế, việc bỏ trần lãi suất không phải là vấn đề mới, chính nguyên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trước đây cũng từng tuyên bố sẽ bỏ trần lãi suất vào thời điểm thích hợp. Mục tiêu trần lãi suất là để ngăn chặn cuộc đua lãi suất của các NH dẫn tới đẩy lãi suất cho vay tăng lên.
Tuy nhiên, biện pháp mang tính hành chính này cũng để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, khi lãi suất trên thị trường không phản ánh đúng cung cầu. Việc áp dụng trần lãi suất còn cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là đã tới thời điểm phù hợp để bỏ trần lãi suất hay chưa? Một số chuyên gia cho rằng NHNN nên bỏ trần lãi suất để điều hành lãi suất bằng các công cụ mang tính thị trường hơn, chấp nhận rủi ro để hoàn thiện các công cụ điều hành và để thị trường tự điều chỉnh đến điểm cân bằng. Điều này sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho nền kinh tế.
Xét trên thực tế, nhiều chuyên gia cũng nhận định NHNN rất khó bỏ trần lãi suất trong hiện tại. Nguyên nhân do trước đó, ngay cả thời điểm “bình yên” nhất trần lãi suất không có tác dụng, NHNN vẫn giữ nguyên. Hiện nay, cuộc đua tăng lãi suất dường như chỉ mới bắt đầu. Bên cạnh đó nguyên nhân thực sự của lãi suất quá cao hiện nay do nợ xấu. Một lượng vốn rất lớn đang “chết” trong nền kinh tế, dẫn đến thanh khoản hệ thống NH suy giảm. Việc giải quyết nguyên nhân gốc rể này trong thời gian qua không đáng kể và trong thời gian tới chưa có tín hiệu mới. Do vậy, rất khó kỳ vọng để NHNN thực hiện một bước đột phá bỏ trần lãi suất.
Nguồn Sài Gòn Đầu Tư