Cảng Đoạn Xá trở mình
Năm 2015 được xem là một năm thành công của cổ phiếu ngành cảng, trong đó có cảng Đoạn Xá (DXP). Giá cổ phiếu đã tăng mạnh tới 34% (trong khi năm trước đó, mức tăng không đáng kể) đi cùng với một năm kinh doanh hiệu quả. Với giới đầu tư cổ phiếu, DXP cũng vừa chính thức được chấp thuận giao dịch ký quỹ từ đầu năm 2016. Và nay dưới sự dẫn dắt của những nhà lãnh đạo mới, DXP đang đưa ra chiến lược đầu tư dài hơi với kế hoạch tăng vốn lên gấp 7 lần.
Sau thời gian dài nắm giữ 51% vốn tại DXP, Vinalines bắt đầu thoái vốn khỏi những doanh nghiệp ngành cảng. Số cổ phần này được hai cá nhân mua lại, sau đó kiêm nhiệm những vị trí đứng đầu. Đó là ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc và ông Hoàng Văn Quang, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Nhóm cổ đông mới đều xuất thân từ Tratimex P&L.Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, đây là công ty nằm trong tốp 5 công ty kinh doanh nhựa đường ở Việt Nam. Tratimex cùng có bản doanh ở Hải Phòng và cũng chính là khách hàng của DXP.
DXP bắt đầu gọi vốn nhiều hơn để thực hiện quá trình đầu tư mới. Trong năm nay Công ty có kế hoạch tăng vốn từ 78,75 tỉ đồng lên xấp xỉ 472 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và huy động thêm cổ phần mới. DXP cũng dự kiến phát hành thêm trái phiếu với giá trị 500 tỉ đồng để phục vụ hoạt động M&A.
Lý giải cho việc tăng vốn lần này, các nhà lãnh đạo mới ở DXP cho rằng Công ty đã đến giới hạn tăng trưởng. Trong năm 2015, DXP đã nhiều lần rơi vào tình trạng quá tải, buộc phải từ chối đơn hàng của chủ tàu. “Với kinh nghiệm và năng lực hiện có, Cảng Đoạn Xá hoàn toàn có thể hoạt động hiệu quả trên quy mô lớn hơn”, báo cáo về việc tăng vốn của DXP viết. Hơn nữa, do cạnh tranh giữa các cảng trong khu vực ngày càng mạnh mẽ, việc mở rộng quy mô đã trở thành nhu cầu tất yếu.
Nhiều năm qua, Cảng Đoạn Xá không đầu tư phát triển mở rộng quy mô mà chỉ đẩy mạnh khai thác tối đa năng lực hiện có. So với năng lực của hệ thống cảng ở Hải Phòng, DXP chỉ ở mức trung bình và sở hữu thị phần không cao. Hơn nữa, mức vốn điều lệ hơn 78 tỉ đồng đã “giậm chân tại chỗ” trong 5 năm qua, dù cho vốn chủ sở hữu của DXP năm ngoái đã vượt 275 tỉ đồng.
Xét ở góc độ kinh doanh, tình hình của DXP đang diễn biến thuận lợi. Năm ngoái, cả 2 hoạt động chính là sản lượng hàng hóa lưu thông qua cảng lẫn lưu kho bãi đều tăng. Nhờ đó, doanh thu của DXP đạt 228 tỉ đồng, tăng 33%, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 89 tỉ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với năm ngoái. Một trong những lý do khiến lợi nhuận tăng mạnh là chi phí đầu vào giảm đáng kể, do giá nguyên liệu đang ở mức thấp. Nhờ đó, lợi nhuận của DXP đã tăng cao hơn với tỉ suất lợi nhuận gộp tăng từ 37% lên hơn 55%.
Một số chỉ số tài chính của Cảng Đoạn Xá trong những năm gần đây |
Kết quả kinh doanh khả quan của DXP gắn liền với bức tranh tăng trưởng sáng sủa của ngành trong năm qua. Trong khu vực Hải Phòng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 75 triệu tấn, tăng 13% so với năm trước, trong khi hệ thống cảng biển Việt Nam nói chung cũng đạt mức tăng 15,5%.
Ngành cảng biển phụ thuộc vào triển vọng của hoạt động thương mại, vốn đang được kỳ vọng sẽ tăng tốc sau khi Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại vào năm ngoái. Theo SSI, trong báo cáo chiến lược thị trường Việt Nam năm 2016, cảng biển là ngành duy nhất được nâng hạng từ việc “nên nắm giữ” chuyển thành “nên mua”. Với những diễn biến tích cực này, việc DXP tăng vốn đầu tư là điều dễ hiểu.
Các công ty cảng tăng cường đầu tư cũng một phần vì muốn mở rộng thêm thị phần. Lấy ví dụ ở Cảng Đình Vũ. Hiện công ty này tiếp tục góp vốn vào Công ty liên doanh SITC - Dinhvu Logistics và Công ty Cổ phần Tiếp vận Ðình Vũ.
Một ví dụ khác là Viconship (VSC). Năm ngoái, lợi nhuận của VSC tăng đến 44% so với kế hoạch và 15% so với cùng kỳ, nhưng công ty này vẫn lo lắng về tương lai. Họ e ngại khi hạ tầng ở khu vực trước đó hoàn thiện hơn thì tàu sẽ không vào sâu hơn ở cảng của VSC nữa. Để giải bài toán này, năm ngoái VSC tích cực xây dựng Cảng Xanh VIP ở vị trí đắc địa hơn. Theo đó, VSC tăng vốn từ 450 tỉ đồng lên 575 tỉ đồng, đồng thời đi vay ngân hàng thêm 700 tỉ đồng để có tiền xây dựng cảng mới. Hiện cảng mới đã được đưa vào hoạt động giai đoạn 1 từ cuối tháng 11.2015 và đang gấp rút hoàn thiện giai đoạn 2, dự kiến trong tháng 9 năm nay.
Rõ ràng, muốn tăng trưởng trong thời kỳ mới thì phải đầu tư thêm, nếu không, DXP vướng phải trần tăng trưởng như chính Công ty nhận định. Vậy DXP sẽ đầu tư vào đâu? Quan điểm của những người lãnh đạo DXP là không rót vốn vào những ngành nghề khác, thay vào đó là xây cầu tàu và cần cẩu mới. Ngoài ra, DXP còn phải đầu tư lại số tài sản nay đã khấu hao gần hết. Công ty cũng đưa ra kế hoạch mua lại, hợp nhất các doanh nghiệp cảng biển. Tuy nhiên, ban lãnh đạo từ chối cung cấp thêm thông tin cho cổ đông.
“Đã là đơn vị sản xuất kinh doanh thì nên đầu tư vào chính hoạt động kinh doanh để phát triển, không đầu tư tài chính”, ông Quang, Chủ tịch DXP, chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua.
Theo tính toán của SSI, nếu thành công trong kế hoạch gọi vốn nói trên, DXP sẽ có khoảng 1.015 tỉ đồng tiền mặt, tính cả lượng tiền mặt hiện có. Nếu xây dựng một cầu tàu và cần cẩu sẽ tốn khoảng 500-700 tỉ đồng. Số tiền còn lại có thể được sử dụng cho mục đích thực hiện các giao dịch M&A. Ngoài ra, DXP cũng sở hữu một lượng cổ phiếu DVP. Ông Quang cho biết, DXP sẵn sàng bán số cổ phần này để lấy tiền đầu tư.
Với kế hoạch dài hơi này, có vẻ như nhóm cổ đông tư nhân mới tại DXP không muốn bỏ lỡ cơ hội tốt trên thị trường. Tuy nhiên, ngành cảng không chỉ có màu hồng. “Sự ra đời của một số cảng tư nhân được thành lập cùng với chính sách giảm giá, tranh giành khách hàng dẫn dến cạnh tranh gay gắt trong khu vực”, báo cáo của DVP (cũng ở Hải Phòng) nhận định.
Trên thực tế, dù kết quả năm ngoái khá khả quan, nhưng năm nay hầu hết các cảng đều đặt ra kế hoạch kinh doanh thận trọng. Hơn nữa, phải mất thêm nhiều năm nữa khoản đầu tư này mới có thể sinh lời cho DXP.
Thanh Phong