Cảng biển Cà Mau 2,5 tỉ USD: Liệu có khả thi?
Trong mấy ngày qua, ngành công nghiệp cảng biển Việt Nam lại nóng với thông tin Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng dự án cảng biển trị giá lên đến 2,5 tỉ USD ở Cà Mau. Dự án này được bổ sung vào quy hoạch nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long có thể đón nhận các tàu có tải trọng lớn nhất thế giới.
Một số thông tin ban đầu cho thấy cảng này sẽ là cảng nước sâu, được xây dựng tại đảo Hòn Khoai, có độ nước sâu khoảng 15 m. Vị trí của cảng cách bờ biển khoảng 17 km và cách Khu Kinh tế Năm Căn 42 km. Cảng được xây dựng theo hướng tổng hợp, đáp ứng được các loại tàu biển có trọng lượng lên tới hàng chục đến hàng trăm ngàn tấn DWT.
Chủ đầu tư của cảng biển tỉ đô này là Công ty Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý tại tỉnh Cà Mau. Trong tổng vốn đầu tư dự kiến, 15% sẽ do doanh nghiệp chịu, 85% vốn sẽ vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ; thời gian thực hiện từ năm 2016-2020.
Một trong những lý do được chủ đầu tư nêu lên trong kế hoạch xây dựng cảng biển là hưởng lợi từ việc Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng kênh đào Kra Isthmus ở miền Nam nước này. Kênh đào sẽ rút ngắn đáng kể hải trình giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương so với tuyến đường hiện tại đi qua eo biển Malacca. Cảng Hòn Khoai do nằm trên tuyến hàng hải mới nên sẽ hưởng lợi lớn.
“Dự án Cảng Hòn Khoai được đầu tư sẽ hình thành một mắt xích trong chuỗi phân phối toàn cầu, kết nối hệ thống cảng biển và trung tâm kinh tế trong khu vực như Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Thái Lan”, ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, nói.
Trước Công Lý, đảo Hòn Khoai cũng từng được Tập đoàn Bechtel (Mỹ) đề nghị Chính phủ Việt Nam cho xem xét xây dựng một cảng trung chuyển quốc tế cho Việt Nam cũng như khu vực ASEAN. Vào năm 2013, một doanh nghiệp của Úc là N&M Commodities cũng muốn xây dựng một cảng biển trị giá 3,5 tỉ USD tại đây nhưng sau đó không thành.
Công Lý là một tên tuổi khá nổi tiếng ở Cà Mau với hơn 13 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, năng lượng, có vốn điều lệ hiện khoảng 700 tỉ đồng. Công ty này đã tham gia nhiều dự án như Khu du lịch Khai Long và Đất Mũi, bờ kè vành đai biển Đông tại Cà Mau, các tuyến đường giao thông, nhà máy xử lý chất thải. Đặc biệt Công lý cũng là chủ đầu tư xây dựng nhà máy điện gió Bạc Liêu với quy mô 5.200 tỉ đồng. Tuy vậy, dự án cảng biển Hòn Khoai sẽ là dự án lớn nhất, lớn gấp nhiều lần so với các dự án Công ty đã và đang triển khai. Do đó, sẽ có lý do để e ngại về năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án này.
Ngoài vấn đề quy mô dự án, còn có một nỗi lo khác về chuyện cung cầu. Chia sẻ với NCĐT, một nhà quản lý cấp cao của quỹ VIG (không tiện nêu tên) cho rằng việc có một cảng biển ở khu vực Cà Mau - Kiên giang cũng là điều tốt khi giúp các doanh nghiệp nông thủy sản trong vùng vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. “Tuy vậy, tôi hoài nghi về tính khả khi và công suất hoạt động thực tế của cảng này. Liệu có đủ lượng hàng hóa dành cho nó hay không?”, vị này nói.
Thực tế, việc Cảng Hòn Khoai được đưa vào quy hoạch dự báo sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các biển có quy mô lớn hiện có ở phía Nam. Trong khu vực đã có Cảng Duyên Hải tại Trà Vinh có năng lực tiếp nhận tàu chở than có tải trọng 30.000 tấn DWT, phục vụ chủ yếu cho ngành điện lực.Cảng đầu mối hàng hóa lớn nhất trong vùng hiện nay là Cảng Cần Thơ. Tuy vậy, các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào cuối năm ngoái và đầu năm nay của cảng này đã không thành công khi nhà đầu tư không mặn mà với lợi thế cạnh tranh mà nó có được.
Hiện nay, lượng thủy sản và nông sản xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long phải chở lên TP.HCM để đưa lên các tàu lớn cập cảng ở đây hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu vì cảng Cần Thơ không đón được tàu có tải trọng lớn. Hiện cảng này vẫn đang trong giai đoạn nâng cấp lên thành cảng đầu mối có năng lực tốt hơn.
Hiện nay, lượng thủy sản và nông sản xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long phải chở lên TP.HCM để đưa lên các tàu lớn cập cảng ở đây |
Có lẽ chỉ có các cảng ở Sài gòn như Cảng Cát Lái đang ăn nên làm ra nhờ kết nối đồng bộ với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất gần đó và các tỉnh lân cận. Mới đây, dự án nạo vét luồng sông Soài Rạp cũng hoàn thành, giúp đẩy công suất của cụm cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) tăng lên. Và đây sẽ tiếp tục là tin không vui cho các cảng khác trong vùng.Trong khi đó, dù đóng vai trò là cảng trung chuyển quốc tế ở khu vực phía Nam nhưng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu) vẫn đang rơi vào trình trạng thua lỗ triền miên khi chỉ hoạt động 17% công suất thiết kế (năm 2014). Vì thế, việc thêm một cảng lớn như Hòn Khoai chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực cạnh tranh khốc liệt lên hệ thống cảng biển phía Nam.
Một điểm yếu của Cảng Hòn Khoai là hệ thống kết nối giao thông chưa tốt. “Dù chất lượng đường sá ở Cà Mau đã cải thiện khá tốt trong các năm qua nhưng vẫn chưa tương xứng cho một cảng quy mô lớn. Đây cũng là điều mà chủ đầu tư cần cân nhắc”, nhà quản lý ở VIG nói trên chia sẻ.
Dĩ nhiên, cũng có lý do để chủ đầu tư tin vào khả năng sinh lời của Cảng Hòn Khoai. Ngoài tác động từ kênh đào Kra Isthmus, viễn cảnh gia tăng mạnh hàng hóa xuất nhập khẩu trong tương lai nhờ vào các hiệp định kinh tế lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) đi vào thực tiễn sẽ giúp cho các cảng biển sôi động hơn.
Singapore là một trường hợp điển hình của việc phất lên nhanh chóng nhờ tận dụng lợi thế từ ngành cảng biển khi tiếp giáp với tuyến hàng hải Malacca. Tuy vậy, khả năng Cảng Hòn Khoai có thể bắt chước được mô hình thành công như các cảng ở Singapore là rất khó.
“Nếu trở thành cảng trung chuyển quốc tế thì cơ chế quản lý, thủ tục sẽ như thế nào? Bên cạnh đó, còn phải cung cấp các dịch vụ tài chính, cơ chế thanh toán, văn phòng đại diện, kho bãi tồn trữ hàng hóa… Có rất nhiều điều mà nhà đầu tư và Chính phủ Việt Nam phải giải quyết, chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc xây dựng cảng”, nhà quản lý nói trên nhận xét.
Sơn Nguyễn