Cần xác định chính xác nợ xấu trước khi xử lý
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 3/2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Trong đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 125,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,37% dư nợ cấp tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước; nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 60,9 nghìn tỷ đồng chiếm 5,8% dư nợ tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu đang tăng trở lại và gần chạm tới mốc 2 con số. |
Ông Vũ Nhữ Thăng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng đạt mức bình quân 30%/năm trong những năm gần đây, tỷ lệ tín dụng/GDP đã tăng từ 40,1% vào năm 2000 lên tới 125% vào năm 2010.
Quá trình tăng trưởng nhanh đó cũng đi kèm với hệ quả là tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam tăng lên, từ các nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan.
Nguyên nhân nợ xấu: Từ hàng hồn kho
Lý giải về nguyên nhân nợ xấu, bà Dương Thu Hương, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, nợ xấu hiện nay là tất yếu vì cả quá trình kinh tế khó khăn từ năm 2008. Thêm vào đó, nợ xấu cũng đã tồn tại từ lâu và không phải bây giờ mới xuất hiện và được quan tâm.
Bà Hương cho rằng, trong việc xác định nợ xấu, ngoài số nợ đã xuất hiện, cần tính tới cả nợ đã được giãn nợ, đảo nợ để xác định được các rủi ro tiềm ẩn có thể xuất hiện trong tương lai. Khi xác định được chính xác nợ xấu rồi mới tìm được hướng giải quyết.
Bà Hương nhận định, trong hiện tại, yếu tố tồn kho lớn cũng góp phần làm nên nợ xấu lớn cho nền kinh tế và có giải quyết được tồn kho mới có thể giải quyết được nợ xấu. Theo đó, trước hết để giảm tồn kho của nền kinh tế, ngoài việc tăng chi tiêu chính phủ, mở rộng đầu tư thì cũng cần giảm thuế cho doanh nghiệp, giảm thuế VAT để giảm giá thành, nâng cao sức mua.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, trước khi bàn cơ chế xử lý nợ xấu, chúng ta phải tìm ra câu trả lời rằng tại sao nợ xấu lại lớn như vậy và con số nợ xấu hiện tại có đáng lo ngại hay không. Theo ông Ánh, nợ xấu sẽ không thể xử lý được nếu như không biết rõ cơ cấu, bản chất của nợ xấu như thế nào.
3 bước cơ bản để xử lý nợ xấu
Tại hội thảo, các chuyên gia đã tổng kết kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trên thế giới. Theo đó, có 3 bước cơ bản để xử lý nợ xấu.
Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua việc bơm vốn cho các ngân hàng và định chế tài chính nhằm đối phó với khủng hoảng.
Thứ hai, thành lập công ty quản lý tài sản hoặc công ty mua bán nợ để thu mua nợ xấu. Cơ quan này sẽ đứng ra mua lại các khoản nợ xấu ngân hàng, sau đó xử lý để bán lại các khoản nợ đã mua này.
Cuối cùng là tạo ra một cơ chế thỏa thuận xử lý nợ xấu giữa các tổ chức tín dụng và bên đi vay nhằm thương lượng phương án xử lý nợ dưới nhiều hình thức như: thanh lý tài sản, gia hạn hợp đồng và điều chỉnh một số điều khoản của hợp đồng.
Tại hội thảo, các chuyên gia tài chính cũng chỉ ra những ưu và khuyết điểm của mô hình công ty mua bán nợ do nhà nước cấp vốn và tư nhân góp vốn và thực tiễn mô hình này ở tại các công ty xử lý nợ ở châu Á, từ đó đưa ra những kinh nghiệm nhằm vận dụng hiệu quả mô hình công ty mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng việc đặt ra thành lập một công ty mua bán nợ xấu của hệ thống ngân hàng có lẽ không phù hợp bởi lẽ nợ xấu của nền kinh tế tập trung vào nợ xấu ngân hàng mà trên thực tế DATC cũng đã xử lý chủ yếu số nợ của doanh nghiệp cũng có nguồn gốc là nợ xấu ngân hàng.
Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường thì nợ xấu luôn tồn tại một cách khách quan, chỉ mức độ là khác nhau ở những thời kỳ khác nhau nên mua bán nợ cũng là một thị trường, cần có một định chế của Nhà nước là rất quan trọng bởi nợ xấu cần phải kiểm soát và điều tiết chủ động bằng biện pháp kinh tế.
Tại hội thảo, ông Quách Mạnh Hào, Chủ nhiệm khoa tài chính ngân hàng - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, không có lý do gì để cứu ngân hàng, bởi vấn đề phát sinh nợ xấu là lỗi của ngân hàng. khi mà hiện này rất nhiều ngân hàng hoạt động theo kiểu mô hình dùng tiền vay người này để trả cho người khác.Trong bối cảnh, Chính phủ đứng ra bảo lãnh rằng không có ngân hàng nào phá sản sẽ khiến các ngân hàng sẵn sàng huy động bằng mọi giá, tiềm ẩn nhiều rủi ro.Do đó, cần khuyến khích phá sản, ông Hào khẳng định. Theo đó, bước đầu tiên trong việc xử lý nợ xấu là phải xác định rõ cần cơ chế khuyến khích phá sản. Tiếp sau đó, bước hai mới tính đến việc cần xử lý hỗ trợ ngân hàng đáng được hỗ trợ sau khi sàng lọc qua bước một.Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Lưu, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, cũng cho rằng, đã là thị trường thì cần phải có cả phá sản nếu hoạt động yếu kém. |
Nguồn Khampha/Bộ Tài chính